Người Nhật trẻ dần "ngoảnh mặt" với nhạc Âu Mỹ
Người hâm mộ âm nhạc Nhật Bản từng ưa chuộng các nghệ sĩ đến từ Âu Mỹ trong bối cảnh nền văn hóa phương Tây còn được trọng vọng. Tuy nhiên, xu hướng này đang dịch chuyển. Thay vào đó, làn sóng K-pop Hàn Quốc với âm hưởng pha trộn phương Tây đang ngày càng được yêu thích bởi người Nhật khi họ tìm kiếm làn gió mới bên cạnh nhạc nội địa J-pop.
Đó chưa phải là tất cả, ngay cả J-pop cũng đang có những bước tiến đáng chú ý nhờ giai điệu bắt tai được lan truyền trên mạng xã hội. Điều này khiến cuộc cạnh tranh cho nhạc Âu Mỹ tại thị trường Nhật Bản ngày càng gay gắt. Kể cả những ca khúc của Taylor Swift - người từng có các buổi diễn thành công tại Tokyo vào tháng 2/2024, cũng không đạt được thứ hạng cao tại Nhật Bản.
“Tôi đã ngừng nghe nhạc phương Tây. Tuy nhiên thói quen này thay đổi rất tự nhiên trong lúc tôi bắt nhịp với các xu hướng thịnh hành", một nghiên cứu sinh 23 tuổi phát biểu với Nikkei.
Giờ đây, anh thường nghe các ca khúc K-pop trong khi di chuyển hoặc ở nhà. Playlist Spotify của anh chứa đầy các bài hát của các nhóm nhạc K-pop như NewJeans và IVE.
Người Nhật trẻ dần "ngoảnh mặt" với nhạc Âu Mỹ
Trong năm 2023, không có một bài hát Âu Mỹ nào lọt vào danh sách top 100 bài hát được phát trực tuyến nhiều nhất tại Nhật Bản trên Apple Music. Dù tính cả nhạc trực tuyến và đĩa CD, nhạc phương Tây có mặt trên bảng xếp hạng hàng tuần Hot 100 của Billboard Japan chỉ chiếm vỏn vẹn 0,3% trong năm 2023. Con số này từng là 29,8% vào năm 2008.
Ca khúc "Anti-Hero" của Taylor Swift dù đứng đầu bảng xếp hạng hàng tuần của Billboard Hoa Kỳ, nhưng lại không thể vượt qua vị trí thứ 34 tại Nhật Bản.
Ngược lại, khi K-pop nổi lên, các bài hát thuộc dòng nhạc này liên tục được ghi nhận. Riêng trong năm 2018, K-pop chiếm 14,2% trong số 100 bài hát hàng đầu tại xứ sở hoa anh đào, vượt mặt các ca khúc phương Tây vốn chỉ đạt 8,8%.
"K-pop đã bổ sung cho nhu cầu về âm nhạc phương Tây", Ko Matsushima, chủ tịch công ty tiếp thị âm nhạc có trụ sở tại Nhật Bản Arne, nhận xét. Nhiều bài hát K-pop đang kết hợp lời tiếng Anh và các yếu tố khác từ nhạc phương Tây trong bối cảnh các nhà sản xuất Mỹ ngày càng tham gia vào quá trình sản xuất âm nhạc của xứ sở kim chi.
Hơn nữa, Matsushima chỉ ra rằng, các bài hát Nhật Bản cũng ngày càng lan truyền mạnh mẽ trên TikTok và gặt hái thành công vang dội. Các ca khúc của các nghệ sĩ như Ado và Yoasobi thường xuyên xuất hiện trong các bảng xếp hạng top 10. "Hệ quả là các ca khúc phương Tây đang bị đẩy ra khỏi các bảng xếp hạng", Matsushima nói.
Ông Nobuhiko Kakihara, giám đốc điều hành của Universal Music Japan nói: “Nhu cầu dành cho âm nhạc phương Tây trước đây xuất phát từ sự ngưỡng mộ của người Nhật đối với phương Tây. Ngày nay, mọi người đang lắng nghe âm nhạc mà không quan tâm nhiều đến xuất xứ".
Nhiều năm trước, các nhóm nhạc phương Tây như Beatles đã chiếm được cảm tình của giới trẻ Nhật Bản, trở thành biểu tượng được hâm mộ. Nhạc Âu Mỹ vẫn phổ biến đến những năm 1990, ảnh hưởng lên những nghệ sĩ chính thống Nhật Bản khi họ sáng tạo âm nhạc với cảm hứng tương đồng.
Thế nhưng, sự ngưỡng mộ ấy đã mờ nhạt khi ranh giới tâm lý ngày càng lu mờ. Giới trẻ Nhật Bản không còn quá quan tâm đến quốc tịch của nghệ sĩ mà chỉ đơn giản thưởng thức những giai điệu thịnh hành trên mạng xã hội, hay những thể loại âm nhạc họ cảm thấy thân thuộc.
Thị trường Nhật Bản có những điểm độc đáo về thể loại nhạc được yêu thích. Theo Kakihara của Universal Music, những bài hát được ưa chuộng có xu hướng dễ nghe, với giai điệu sôi động, dễ nhận biết hoặc các cụm từ lặp lại thường xuyên. Nhạc Rap, vốn thường xếp hạng cao ở Mỹ, đã gặp khó khăn trong việc thu hút người nghe tại Nhật Bản, nơi giai điệu được đề cao hơn, ông nói.
So sánh "độ nói" của các bài hát (cách đo lường được Spotify tạo ra để phân tích số lượng từ mà một bản nhạc chứa đựng), các bài hát phổ biến ở Mỹ có xu hướng chứa nhiều từ hơn so với các bài hát ở Nhật Bản. Chúng cũng ngắn hơn. Độ dài trung bình của top 100 bài hát tại Mỹ trong năm 2023 là khoảng 3,2 phút, trong khi con số tương tự ở Nhật Bản là gần 4 phút.
Một lưu ý nữa là trong khi phát trực tuyến chiếm 90% thị trường âm nhạc Hoa Kỳ, đĩa CD và các phương tiện truyền thông vật lý khác vẫn chiếm 60% doanh số bán hàng tại Nhật Bản. Một phần lý do là nhu cầu mạnh mẽ đối với đĩa CD đi kèm với các phần quà như vé tham gia sự kiện gặp gỡ thần tượng.
Các hãng thu âm đang nỗ lực đưa ra những ý tưởng tiếp thị mới. Khi Taylor Swift đến thăm Tokyo vào tháng 2/2024, Universal Music đã thiết lập vô số biểu ngữ giữa quận Shibuya sầm uất với dòng chữ "Taylor Swift, chào mừng đến Nhật Bản!" và phát các bài hát của cô ấy qua loa được lắp trên phố mua sắm chính.
Sử dụng các bài hát phương Tây cho phim truyền hình và điện ảnh Nhật Bản là một chiến thuật khác. Một bài hát của ban nhạc rock Mỹ OneRepublic sẽ được sử dụng làm nhạc hiệu cho "Kaiju No. 8", một loạt phim hoạt hình dự kiến phát sóng tại Nhật Bản từ tháng 4 tới đây.
Số lượng thanh niên Nhật Bản đến Mỹ và châu Âu để học tập đã giảm trong những năm gần đây. Điều này dấy lên mối quan ngại rằng, người dân đang dần thu mình hơn.
Tuy nhiên, trong âm nhạc, giới trẻ giờ đây ít để tâm đến ranh giới vật lý và lắng nghe bất cứ thứ gì họ thích. Nhiều người nghe các bài hát được sử dụng làm nhạc nền trên TikTok mà thậm chí không biết nghệ sĩ hay xuất xứ của chúng. Cơ hội để một ca khúc phương Tây một lần nữa ghi điểm trong trái tim khán giả Nhật Bản và bất ngờ tạo ra tiếng vang là hoàn toàn có thể.
No comments