Breaking News

Kể chuyện làng: Thương nhớ sông quê

Chợt nhớ đến bốn câu thơ yêu thích trong bài Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh:

"Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng dòng sông lấp lánh"

Kể chuyện làng: Thương nhớ sông quê- Ảnh 1.

Bến sông quê. Ảnh: Tác giả cung cấp

Đã có một khoảng đời tuổi thơ thật đẹp của tôi gắn liền với dòng sông quê nhà. Dòng sông yên ả trôi đã tắm mát biết bao những tâm hồn ngây thơ vào mấy buổi trưa hè oi ả. Bốn mùa luân chuyển, dòng sông lặng lẽ trải qua biết bao bãi bể nương dâu, vẫn cần mẫn chảy, bồi đắp thêm lớp phù sa màu mỡ cho lúa thêm xanh, bãi mía thêm ngọt, vụ khoai thêm sai củ tốt tươi. Như một người mẹ hiền, dòng sông quê nhà là nguồn cung biết bao thức quà quý giá khác nhau để người dân quê nghèo bám víu vượt qua tháng ngày khó khăn. Cũng chính dòng sông ấy chứng kiến những thay đổi, trưởng thành rồi già đi, biết bao cuộc hội ngộ và chia ly của người dân quê tôi, như đúng cách ông ngoại tôi khi còn sinh thời, vẫn thường nói: "Dòng sông cũng như người, có trôi đi ắt cũng sẽ có ngày quay về bên nguồn cội".

Tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông Trầu. Dòng sông quê tôi dẫu không lớn, nước chảy xiết hoặc bằng phẳng như những con sông chảy qua đồng bằng nhưng với riêng tôi, nó mãi ghi dấu với biết bao ân tình với những nỗi nhớ thương, thao thiết. Có cảm tưởng dòng sông như cũng biết cảm nhận, sẻ chia với người dân nghèo với bốn mùa còn nước lên xuống. Đã có những ngày tuổi thơ tôi theo chân mẹ, chị men theo dòng sông bắt ốc hái rau dớn hoặc phụ các chú bác trong làng tát đìa bắt tôm, cua, cá về đắp đổi bữa ăn cho qua ngày.

Có những buổi trưa hè, bọn trẻ con chúng tôi bất chấp trời nắng oi ả, đi chặt nhựa mít để chạy ra bờ sông châm chuồn chuồn. Chẳng biết đứa nào mách bảo mà ai cũng tin rằng chuồn chuồn cắn rốn thì sẽ biết bơi, đặc biệt là những chú chuồn chuồn to. Thế là cả bọn đều háo hức cho chuồn chuồn cắn rốn, thậm chí, có đứa ngây thơ tưởng chuồn cắn là ngay lập tức sẽ biết bơi rồi liền nhảy tõm xuống sông rồi chìm nghỉm, sặc sụa ngoi lên. Vừa lên đến bờ đã ra sức đuổi đánh thằng bạn hoặc lấy cát ném nhau, tranh cãi chí chóe rồi lại làm hòa. Tiếng cười nói của cả bọn cứ thế khúc khích vang xa, làm rộn rã cả một khúc sông quê yên tĩnh.

Kể chuyện làng: Thương nhớ sông quê- Ảnh 2.

Sông quê. Ảnh: Tác giả cung cấp

Vào khoảng tháng Bảy, tháng Tám, khi con nước lớn tràn về, dòng sông quê lênh loang nước. Đó là thời điểm các gia đình trong làng tôi rủ nhau đi vớt củi từ miền ngược chảy về, để dành đun nấu. Điều háo hức nhất của đám trẻ là trong đám củi thi thoảng lại tìm được mấy quả thiều biêu tròn vo với vị rất lạ, xen lẫn vị đắng và ngọt, lại có mùi ngâm lâu ngày của nước sông. Vùng quê nơi tôi sống không có loại quả này nên với chúng tôi, mấy quả thiều biêu này như một thứ "lộc trời" đặc biệt. Không chỉ mê quả thiều biêu, tôi còn mê vớt cả những chai nhựa trôi nổi trên sông để dành bán phế liệu lấy tiền, hoặc đổi lấy ít kem, vài miếng kẹo kéo thơm ngọt. Dòng sông chắc cũng vì lẽ đó trở nên ngọt ngào đến dịu dàng trong ký ức tuổi thơ của bọn trẻ.

Khi dòng sông quê bước vào mùa nước cạn, đám lục bình xanh um tím biếc dập dềnh trôi, khiến phong cảnh trở nên êm đềm kỳ lạ. Đứa trẻ ngây thơ là tôi khi ấy thường ôm sách vở ra ngồi cạnh sông, an tĩnh ngồi đọc sách, nhìn ra ven bờ, thấy từng đàn vịt trắng phau bơi lội tung tăng, lòng dịu dàng đi trong từng khoảnh khắc. Thi thoảng, mặt sông an tĩnh bỗng lao xao vì một vài chú cá nhảy, đàn tôm nhỏ xinh xinh búng nước hoặc vài con cá bống ngoi lên đớp bình minh. Đó cũng là thời điểm bà con quê tôi thi nhau mang thau mang rổ ra sông bắt trai bắt hến. Mọi người cứ thế miệt mài thế nào cũng bắt được một vài con trai to bự nằm dưới lớp cát, những chú hến tròn mũm mĩm nhưng đầu ngón tay người lớn. Vừa bắt, mọi người vừa rôm rả trò chuyện. Ai nấy đều hớn hở với thành quả của mình vì hôm nay chắc sẽ kiếm thêm thu nhập hoặc ít ra cả nhà sẽ được thưởng thức mâm cơm ngọt lừ từ canh hến, canh trai. Dòng sông quê thân thương nhưng đầy hào phóng ấy đã bao bọc người dân quê tôi vượt qua bao khó khăn của cuộc sống vất vả thường nhật. Có cảm tưởng mỗi khúc sông lại chất chứa biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của mỗi người. Đó là nơi bố nhặt từng giọt mồ hôi, mẹ gom từng hạt nắng, chị kiếm từng que củi, chị em tôi lớn lên cùng con cá con tôm. Tất cả những ký ức ấy tựa hồ như một phần máu thịt theo tôi trên mỗi bước đường đời.

Kể chuyện làng: Thương nhớ sông quê- Ảnh 3.

Sông quê trong ký ức. Ảnh: Tác giả cung cấp

Năm tháng trôi qua, những đứa con của làng quê dần lớn lên. Lại nhớ lần đầu bước lên xe xa quê đến thành phố để bắt đầu việc học, lòng tôi không khỏi xuyến xao, cứ liên tục ngoái đầu lại để nhìn ngắm con sông đầy ký ức tuổi thơ, nơi đã từng lặn ngụp giữa những trưa hè oi ả, nơi soi bóng đàn trâu thong dong trở về với cây rơm thân thuộc, nơi cánh vó bố nâng lấp lánh ánh trăng thu. Bao đời nay, dòng sông vẫn luôn âm thầm chảy, biết bao người dân quê vẫn luôn cần mẫn với cuộc sống bình dị. Sông có đoạn êm đềm cũng có khúc quanh co, đời người cũng có lúc bĩ cực lại đến hồi thái lai, người với sông quê cứ thế bao bọc nhau qua năm tháng thăng trầm, cùng nhau chia mưa sẻ nắng, vượt qua biết bao giông tố bão bùng.

Giờ đây, khi đã xa quê hơn nửa đời người, khoảng thời gian đủ để mái tóc bạc màu theo tháng năm, bản thân tôi lại thèm được về ngồi cạnh dòng sông xưa, ngậm ngùi nhớ thương hình dáng của chính mình ngày thơ bé. Thi thoảng, có dịp quay về quê, tôi thường ngồi lặng lẽ bên sông để tận hưởng trọn vẹn một buổi chiều yên ả. Dẫu dòng sông hiện tại đã khác xưa rất nhiều với các khu dân cư sầm uất và những ngôi nhà cao tầng ngói đỏ soi bóng nước. Dù thế nhưng nét quê vẫn vời vợi bến sông xưa, thấp thoáng luỹ tre, bóng cây gạo bên sông thả từng đốm lửa trời lập lờ trôi về phía biển. Sông là chứng nhân cho bao cuộc chia tay và biết bao người gặp lại. Dòng sông vẫn luôn rộng lòng đón chào tôi như bao người con xa xứ khác. Còn tôi, sau bao giây phút ngẩn ngơ vẫn luôn khe khẽ ngâm nga lời hát: "Qua nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.

No comments

Khau Trang Y Te