Bàn chuyện chứng khoán ngày thị trường rơi: Cố vấn hay “phím hàng" chỉ là tên gọi, cái đích cuối cùng vẫn là lợi nhuận
Nguyễn Đức Toàn (Gia Lâm, Hà Nội) hiện đang là chuyên viên cố vấn đầu tư chứng khoán tại một công ty công nghệ tài chính ở Hà Nội. Mới đây, cậu bạn đã vượt qua level 2 trên hành trình chinh phục 3 level của chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst: Một chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực: Chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Chứng chỉ này do Hiệp hội CFA Hoa Kỳ - Hiệp hội quốc tế dành cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới biên soạn, cấp văn bằng).
Vốn là người tự tin và có tư duy logic tốt, không khó để Toàn đến với bộ môn chứng khoán, và hiện tại là một công việc về chứng khoán. Cấp 3, Toàn học chuyên Toán của THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Lên đại học, Toàn chọn khoa Kinh tế Đối ngoại của ĐH Ngoại thương. "Hồi đó mình cũng không biết Kinh tế Đối ngoại là ngành gì, thấy điểm cao nên để nguyện vọng 1", Toàn chia sẻ.
Cùng xem hành trình đầu tư chứng khoán, cũng như những quan điểm của 1 cố vấn đầu tư chứng khoán về giới trẻ và thị trường này từ Đức Toàn.
Thị trường uptrend đem đến lợi nhuận, downtrend cho ta bài học
Sau năm nhất đại học, Toàn nhận ra bản thân cần đi làm thêm nên quyết định chọn làm việc tại một công ty chứng khoán. Một vài tháng làm việc, cậu nhận ra chứng khoán là lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đến tính toán và có tính logic cao.
"Tính logic càng cao, dự đoán càng chuẩn và chứng khoán không đơn thuần là dự đoán vu vơ", Toàn khẳng định.
Đây cũng là lý do Toàn quyết định nghỉ việc tại công ty chứng khoán để đi học CFA, với hy vọng sẽ có thêm kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này. Với Toàn, CFA không phải chứng chỉ thần thánh như nhiều người vẫn mô tả, nhưng việc học và thi CFA sẽ giúp ai có đam mê về tài chính có nền tảng vững chắc hơn. Level 1, Toàn ôn trong 50 ngày, Level 2 mất 30 ngày, thay vì 300 ngày ôn thi như mô tả.
Vì mong muốn trở thành trụ cột cho gia đình, nên Đức Toàn không thích sinh sống và làm việc ở nước ngoài. "Mình nghĩ cần kiếm được khoảng 100 triệu mỗi tháng mới có thể lo được cho những người thân yêu, chưa tính lợi nhuận từ đầu tư. Mình đặt mục tiêu làm được việc đó vào năm 25 tuổi", cậu bạn chia sẻ. Tuy nhiên, vì khác biệt thế hệ, bố mẹ không hiểu được hết suy nghĩ của cậu nhưng sau tất cả, Toàn đã được gia đình tin tưởng.
Số tiền hiện tại mang đi đầu tư chứng khoán của Toàn là tổng hợp của tiền cá nhân và tiền được gia đình cho. "Bố mẹ sinh ra ở thời đại khác, không thể hiểu hết được tất cả những gì mình đang làm nên tin tưởng là cách duy nhất mà bố mẹ có thể làm".
Kể về lần đầu tư dễ chơi - dễ trúng nhất, Toàn cho biết mình "all in" vào mã chứng khoán của công ty kinh doanh sách giáo khoa. "Mình cũng nghĩ đơn giản thôi, tháng 9 khai giảng, thì tháng 3 là thời điểm chuẩn bị vào mùa bán được sách. Thế là mình quyết định mua cổ phiếu của công ty đó và lãi 30%".
Mình tham gia thị trường vào thời điểm uptrend, ai mua gì cũng thắng. Cộng thêm việc cũng có chứng chỉ nên rất tự tin. Có thể nói là cái tôi của mình được thổi lên rất cao trong giai đoạn uptrend, và mình nghĩ là sẽ có nhiều nhà đầu tư như vậy: Lúc chiến thắng chắc chắn là do tôi giỏi, tôi làm tốt. Thế nhưng bắt đầu năm 2022, thị trường đi vào giai đoạn khó đánh, sideway. Lúc này thì chỉ cần sảy chân một cái là tài khoản của bạn có thể bay đến 10-20% trong phạm vi T+3. Điều này làm mình nhận ra rằng thành công trước đó của mình là do có sự ủng hộ của thị trường, kết hợp với việc sử dụng đòn bẩy hợp lý, và mình vẫn còn rất nhiều điều phải học. Mình thấy những giai đoạn uptrend có thể cho chúng ta lợi nhuận, còn thị trường downtrend sẽ cho chúng ta nhiều bài học hơn, và về lâu về dài thì uptrend hay downtrend cũng sẽ chỉ làm kinh nghiệm của mình dày lên mà thôi.
Khi đầu tư trong downtrend, bí quyết của mình là giữ tỉ trọng cổ phiếu hợp lý, hạn chế sử dụng đòn bẩy và tuyệt đối không nên mua đuổi. Nhìn chung, cần nghĩ đến rủi ro trước khi nghĩ đến lợi nhuận vì trong downtrend tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội. Tuân thủ quy tắc cắt lỗ cũng là một điều cần thiết để sinh tồn khi thị trường downtrend.
"Có 2 cách cắt lỗ. 1 là cắt lỗ theo một mức phần trăm xác định trước. Cái này thì các bạn nên tham khảo lịch sử giao dịch, thống kê lại và tìm ra con số phù hợp với khẩu vị rủi ro cũng như phương pháp đầu tư của cá nhân. Mình đang để mức là 7%. Cách 2 là cắt lỗ khi thủng những mốc hỗ trợ trọng yếu như đỉnh, đáy, khoảng trống giá, đường xu hướng hay đường MA", Toàn cho biết thêm.
Khi được hỏi về số tiền đang dùng để đầu tư chứng khoán, Toàn cho hay quy tắc của bản thân là không tiết lộ số tiền đang có.
Cố vấn hay "phím hàng" chỉ là tên gọi, cái đích cuối cùng vẫn là lợi nhuận
Bản thân đang là cố vấn đầu tư chứng khoán, Toàn cho răng với việc phím hàng, cậu giữ quan điểm trung lập. "Ta thấy trong nền kinh tế, có người có tiền nhàn rỗi và có nhu cầu đầu tư nhưng lại không có kiến thức về tài chính nên họ cần có điểm tựa để tựa vào, nên nhu cầu này là hoàn toàn bình thường, chính đáng và không hề xấu. Đứng ở góc độ của mình, mình cho rằng mục đích của chứng khoán không đơn thuần chỉ là kênh kiếm lời, nó còn là kênh đầu tư thay thế cho người dân, kênh huy động vốn của doanh nghiệp… Tuy nhiên, nếu ở góc độ của nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cái đích cuối cùng đúng là lợi nhuận. Vì thế, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm một điểm tựa trên con đường đầu tư của mình" - Toàn chia sẻ.
Phím hàng không vi phạm pháp luật, miễn sao nhà đầu tư nên hiểu rằng phím hàng hoạt động dựa trên lòng tin và sau cùng, chính nhà đầu tư là người chịu trách nhiệm với quyết định của họ.
Đức Toàn cho rằng người cố vấn và người phím hàng, suy cho cùng chỉ là tên gọi, điều này không thực sự quan trọng.
Về tâm lý người trẻ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam, Đức Toàn cho rằng thế hệ 10x hiện tại là thế hệ giúp chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới. Toàn cũng cho rằng sức chịu đựng, mức độ chịu rủi ro của người trẻ hiện nay cũng cao hơn thế hệ trước. Điều này liên quan đến xuất phát điểm. Có thể thế hệ ngày nay không phải trải qua nhiều khó khăn về kinh tế nên dám "mạnh tay" hơn.
Toàn có lời khuyên cho bạn trẻ bước chân vào con đường đầu tư chứng khoán: “Một là nên tự bản thân tìm hiểu kiến thức. Hai là tìm người đồng hành có chuyên môn".
Họ có thể là người phân tích chuẩn, nhìn nhận doanh nghiệp hoàn toàn đúng nhưng chưa chắc đã lãi khi đầu tư. Học và thực hành là hai thứ cách nhau một khoảng khá xa. Một người có CFA Level 2 cũng có thể lỗ khi đầu tư chứng khoán. Đó là điều bình thường.
https://kenh14.vn/ban-chuyen-chung-khoan-ngay-thi-truong-roi-co-van-hay-phim-hang-chi-la-ten-goi-cai-dich-cuoi-cung-van-la-loi-nhuan-20220425192459577.chn
No comments