Breaking News

Trung Quốc tẩy chay video phản cảm về Tôn Ngộ Không, Khổng Minh

Gần đây, các video sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp hình ảnh từ các tác phẩm kinh điển Trung Quốc đang lan truyền trên mạng xã hội nước này. Những đoạn phim ngắn như "Khổng Minh bắn súng", "Tôn Ngộ Không đánh Đường Tăng" hay phiên bản hành động của "Hồng lâu mộng" nhanh chóng thu hút hàng tỷ lượt xem trên các nền tảng như Douyin. 

Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ mang lại tiếng cười giải trí mà còn dấy lên nhiều tranh cãi về văn hóa, bản quyền và giá trị đạo đức.

Trung Quốc tẩy chay video phản cảm về Tôn Ngộ Không, Khổng Minh

Các video kể trên thường tạo nên những tình tiết hoàn toàn trái ngược nội dung gốc, chẳng hạn như Gia Cát Lượng trong "Tam Quốc diễn nghĩa" sử dụng súng hiện đại, hoặc Tôn Ngộ Không và Đường Tăng trong "Tây du ký" đánh nhau. 

Cộng đồng mạng chia làm hai luồng ý kiến: một bên cho rằng đây là những sáng tạo hài hước, phù hợp xu hướng giải trí hiện đại; bên còn lại lo ngại về sự méo mó giá trị văn hóa mà các tác phẩm kinh điển vốn gìn giữ.

Trung Quốc tẩy chay video phản cảm về Tôn Ngộ Không, Khổng Minh- Ảnh 1.

Hình ảnh gây tranh cãi trong phim ngắn Tôn Ngộ Không hôn yêu quái. Ảnh: Stheadline.

Đáng chú ý, các tác phẩm được sử dụng đều là những phim kinh điển Hoa ngữ như: "Tây du ký" (1982), "Hồng lâu mộng" (1987), "Tam Quốc diễn nghĩa" (1994) hay "Chân Hoàn truyện". 

Theo Jimu News, việc sử dụng AI biến đổi các tác phẩm này không chỉ vi phạm bản quyền mà còn làm mai một ý nghĩa lịch sử và xã hội vốn gắn bó với các danh tác cổ điển. Hơn nữa, những nội dung sai lệch có nguy cơ ảnh hưởng đến nhận thức của khán giả, đặc biệt là người trẻ.

Trước làn sóng tranh cãi, ngày 10/12, Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc đã ban hành "Chỉ thị quản lý vấn đề AI biến hóa video". Theo đó, các cơ quan cấp tỉnh cần tổng hợp và kiểm duyệt nghiêm ngặt nội dung video sử dụng AI. Các nền tảng mạng xã hội phải hiển thị rõ ràng liệu một video có được tạo ra bởi AI hay không. Quy định này nhằm đảm bảo môi trường mạng trong sạch, tránh những vi phạm đi ngược lại giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, việc quản lý các video "AI biến hóa" vẫn là bài toán phức tạp. Theo Southern Metropolis Daily, để đánh giá liệu một video có vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật hay không, cần xem xét từng trường hợp cụ thể, đôi khi phải nhờ đến sự thẩm định của tòa án. Trong thực tế, không ít đơn vị sở hữu bản quyền hoặc các diễn viên lại cảm thấy thoải mái với những video này, coi đây là một hình thức quảng bá sáng tạo.

Trung Quốc tẩy chay video phản cảm về Tôn Ngộ Không, Khổng Minh- Ảnh 2.

Video sử dụng AI bùng nổ trên Internet Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Một số chuyên gia văn hóa cho rằng, thay vì cấm đoán, cơ quan chức năng nên có cái nhìn cởi mở hơn với ứng dụng AI trong lĩnh vực giải trí. Nếu được kiểm soát hợp lý, AI không chỉ giúp làm mới các tác phẩm kinh điển mà còn mở ra nhiều tiềm năng lớn trong việc tạo ra những hình ảnh và câu chuyện sáng tạo chưa từng có. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần đặt nền tảng trên việc tôn trọng nguyên tác và tuân thủ pháp luật, từ đó khai thác giá trị của trí tuệ nhân tạo một cách bền vững.

Hiện tại, dù các video AI vẫn gây sốt trên mạng xã hội nhưng nhiều ý kiến dự đoán trào lưu này sẽ nhanh chóng lỗi thời. Việc ban hành quy định kiểm soát video AI mang nội dung tiêu cực vẫn được xem là bước đi cần thiết nhằm bảo vệ giá trị văn hóa và duy trì sự phát triển lành mạnh của môi trường Internet.

No comments

Khau Trang Y Te