Nghệ sĩ Nhân dân là hậu duệ của danh nhân Chu Văn An, sớm trở thành đại biểu Quốc hội đầu tiên của ngành múa
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Chu Thúy Quỳnh sinh năm 1941 tại Hà Nội, trong một gia đình là hậu duệ nhiều đời của danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An. Từ nhỏ, bà đã yêu nghệ thuật, tỏ rõ năng khiếu nổi trội với bộ môn múa. Năm 14 tuổi, Chu Thúy Quỳnh tham gia thi tuyển vào Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, sau này là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Cùng với các đồng nghiệp, bà có những chuyến công tác dài ngày lên Tây Bắc và về nông thôn, biểu diễn trong giai đoạn Cải cách ruộng đất tại miền Bắc.
Năm 1958, Chu Thúy Quỳnh chính thức theo học múa. Năm 1960, bà đóng vai chính trong vở kịch múa Tấm Cám - một trong 3 vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam. Thập niên 1960, bà công tác tại Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, là diễn viên múa chính của đoàn với những tác phẩm múa như: Cánh chim và ánh mặt trời, Tiếng gọi quê hương, Gặp gỡ bên mâm pháo...
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, NSND Chu Thúy Quỳnh tới các chiến trường biểu diễn cho chiến sĩ. Bà diễn các vở như: Bà mẹ miền Nam, Tiếng gọi quê hương, Gặp gỡ bên mâm pháo, Theo cờ giải phóng..., động viên tinh thần những người lính nơi tiền tuyến.
Năm 1970, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Hà Nam. Sau đó, bà trúng cử làm đại biểu Quốc hội khóa IV (1971 - 1975). Sau này khi đất nước thống nhất, bà vẫn tiếp tục được tin tưởng và trúng cử đại biểu Quốc hội liên tiếp các khóa VIII, IX, X.
Năm 1983, ở tuổi ngoài 40, NSND Chu Thúy Quỳnh tới Ấn Độ học múa. Khả năng vũ đạo của bà khiến các giáo viên kinh ngạc, gọi bà là "ngôi sao múa tới từ phương Đông". Sau khi tốt nghiệp 3 học viện múa ở Ấn Độ, NSND Thúy Quỳnh về nước và đảm nhận vị trí Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, liên tiếp gặt hái các huy chương vàng trong các hội diễn, liên hoan toàn quốc.
Bên cạnh các vai diễn, NSND Chu Thúy Quỳnh còn khẳng định tên tuổi khi viết và dựng những vở kịch múa. Các tác phẩm nổi trội có thể kể tới như: Suối đàn T'rưng, Hương xuân, Mùa xuân trên bản H'Mông, Hoa đất nước... Bà sáng tác được gần 30 điệu múa thuộc nhiều hình thức, thể loại. Cụm tác phẩm Suối đàn T'rưng, Những cô gái làng, Hương xuân... đã mang đến cho bà Giải thưởng Nhà nước năm 2011.
Bà đặc biệt quan tâm đến việc khai thác những chất liệu dân gian trong kho tàng múa dân tộc. Những năm còn công tác, bà không quản ngại khó khăn, trèo đèo lội suối đến tận các vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số để tìm hiểu, khai thác vốn quý trong văn hóa dân gian.
NSND Chu Thúy Quỳnh có 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 2 lần được tặng Huy hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1987, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2015, NSND Chu Thúy Quỳnh được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015.
Ngày 20/2/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017 cho 10 tác giả, trong đó có NSND Chu Thúy Quỳnh với các tiết mục múa: Mùa xuân trên bản H'Mông, Hoa xuân đất nước, Hầu văn Xá Thượng Ngàn.
No comments