Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy: "Tôi không nghĩ trước khi rời xa sân khấu lại được trao giải thưởng Đào Tấn"
Giải thưởng Đào Tấn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc kết hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức, được khởi xướng từ năm 2000. Giải thưởng Đào Tấn là giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, có đóng góp tích cực cho tiến trình giao lưu, hội nhập văn hóa đất nước trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Phát biểu tại lễ trao giải, Nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, TBT Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn cho biết, giải thưởng Đào Tấn 2024 bắt đầu với nhiều niềm tin khi nghệ thuật dân tộc đang có nhiều chuyển biến lạc quan. BTC đã lựa chọn được gần 50 tác phẩm, tác giả, đơn vị nghệ thuật phù hợp với 2 tiêu chí lớn của Giải thưởng để trình Hội đồng xem xét trao giải.
Sau một thời gian xem xét, tham khảo ý kiến các văn nghệ sĩ và nhà lý luận phê bình có uy tín cao, Hội đồng đã thống nhất trao giải thưởng cho 11 cá nhân, 5 vở diễn của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và 2 đoàn tuồng bán chuyên nghiệp.
"Có 2 giải thưởng hầu như đã được thống nhất ngay từ đầu là Giải thưởng Thành tựu trọn đời trao cho Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy và Giải thưởng Nhà quản lý văn hóa xuất sắc trao cho TS. Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở VHTT TP.Hải Phòng", nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.
Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy là một tên tuổi của làng cải lương Việt Nam. Từ năm 16 tuổi, bà đã đoạt giải thưởng Thanh Tâm – một giải thưởng danh giá dành cho những tài năng cải lương. Tính đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy đã có hơn 60 năm cống hiến cho nền nghệ thuật cải lương nước nhà.
"Qua bao biến thiên dâu bể của cuộc đời và nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy vẫn là một "cô đào ngoại hạng" với giọng hát kim pha thổ trời cho có một không hai, luôn giữ cách ca diễn mộc mạc chân phương và lối sống bình dị, dân dã như một người dân Nam Bộ bình thường, không gì thay đổi được. Sự hâm mộ bất chấp thời gian và thay đổi thời cuộc của công chúng mọi miền đất nước dành cho Lệ Thủy có lẽ là vì những vẻ đẹp của sự thủy chung, gan góc gần như độc nhất vô nhị này.
Hiện nay, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy vẫn tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng khắp nơi và dành nhiều thời gian đi làm từ thiện trên khắp đất nước. Đêm nay bà có mặt trong lễ trao giải của chúng ta, còn sáng sớm ngày mai bà và bạn bè của mình sẽ tạm biệt thủ đô Hà Nội lên Lào Cai để trực tiếp giúp đỡ đồng bào mình đang trong hoạn nạn", nhà báo Nguyễn Thế Khoa bày tỏ
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy cho biết: "Khi nhận được giấy mời ra Hà Nội nhận Giải thưởng Đào Tấn, tôi cũng bỡ ngỡ và có chút hoang mang, không biết có đúng sự thật hay không. Tôi phải gọi điện ra cho BTC hỏi lại thì mới dám tin. Biết mình được trao giải "Thành tựu trọn đời" của Giải thưởng Đào Tấn tôi xúc động lắm! Tôi không ngờ, trước khi rời xa sân khấu lại nhận được giải thưởng cao quý như thế này.
Từ hôm nhận được giấy mời đến hôm nay ra nhận giải, tôi luôn trong trạng thái lâng lâng, vừa mừng vui, vừa hồi hộp, vừa bất ngờ. Tôi không nghĩ là những năm tháng cuối đời rồi mà còn nhận được giải thưởng lớn như thế này".
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy, bà gắn bó với sân khấu nói chung, nghệ thuật cải lương đến nay đã hơn 60 năm. Trong 60 năm đó, bà không thể nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu vở diễn, bao nhiêu vai diễn. Bà chỉ nhớ, ngày xưa, cứ vài tháng bà lại đóng một vai chính trong một vở diễn lớn.
"Trước năm 1975, tôi có nhiều vở cải lương cổ trang được khán giả nhớ đến như: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Đưa em về Tây Hạ… Sau 1975, tôi may mắn có nhiều vở tâm lý – xã hội: Đời cô lựu, Tô Ánh Nguyệt… Nhất là vai Tô Ánh Nguyệt - khán giả nhớ đến rất nhiều. Tôi nhớ có lần biểu diễn vở này ở Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô, khán giả xem khóc sướt mướt, xong chạy ra hậu trường "trách" tại tôi mà họ khóc sưng cả mắt".
Không chỉ Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy mà con trai của bà là ca sĩ Dương Đình Trí cũng được trao giải "Người kiến tạo chương trình nghệ thuật xuất sắc". Ca sĩ Dương Đình Trí với 15 năm sáng lập và đạo diễn, sáng tác kiêm ca sĩ đã đưa chương trình nghệ thuật "Bước chân hai thế hệ" trở thành một "món ăn tinh thần" cho khán giả trong và ngoài nước thưởng thức. Chương trình được ký hợp đồng phát sóng 52 tập liên tục trong năm 2023, được VTV4 mua lại nội dung để phát sóng.
Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy và con trai cùng nhận giải thưởng Đào Tấn
Trong khi đó, TS. Trần Thị Hoàng Mai là người có vai trò quan trọng trong việc biến các chủ trương đúng đắn sáng tạo của Thành ủy, UBND TP.Hải Phòng thành hiện thực: Hải Phòng đã thực sự trở thành 1 điểm sáng của ngành văn hóa và thể thao đất nước, lấy lại danh hiệu trung tâm văn hóa lớn của đồng bằng Bắc bộ, một cửa ngõ giao lưu văn hóa lớn của đất nước. Giàu thực tế trong ngành, chịu khó trau dồi kiến thức và trình độ quản lý, được lãnh đạo thành phố tin tưởng, cấp dưới khâm phục, bạn bè trong nước yêu mến, TS Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng, xứng đáng là một nhà quản lý văn hóa xuất sắc như tên giải thưởng Đào Tấn mà chị được trao tặng.
Năm nay, về văn học, Giải thưởng Đào Tấn giành 3 giải tác phẩm xuất sắc để tặng cho các tác phẩm: Trường ca "Những người lính của làng" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và hai Tuyển thơ của hai nhà thơ Trần Vũ Mai và Đỗ Nam Cao.
Tác phẩm được trao giải Đào Tấn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một tác phẩm ông viết năm 1981, cách đây đã gần 43 năm, năm ông mới 24 tuổi. Trường ca "Những người lính của làng" nói về những chàng trai, cô gái đi ra mặt trận từ một làng quê nhỏ bé, bình yên, và đã thành những người "suốt đời mười tám tuổi" khi bay về với những ngôi nhà xưa yêu dấu của mình.
Đây là tác phẩm rất ít được nhắc đến của Nguyễn Quang Thiều, nhưng cần phải được coi là tác phẩm rất đáng tự hào của ông, bản trường ca về thời chống Mỹ của một nhà thơ thế hệ sau xứng đáng đứng bên cạnh những trường ca xuất sắc của các nhà thơ hàng đầu thế hệ chống Mỹ như: Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Vũ Mai. Điều thú vị là trong những trang viết tri ân những người lính trẻ ở trường ca này, đã xuất hiện những khúc ca hay nhất dâng tặng những người mẹ Việt Nam vĩ đại.
Về điêu khắc, Giải thưởng Đào Tấn 2024 trao cho hai nhà điêu khắc Vương Duy Biên và Lưu Thanh Lan. Nghệ sĩ Nhân dân, nhà điêu khắc Vương Duy Biên gây tiếng vang với tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nam Định. Năm nay, ông đã hoàn thành một tượng đài đã ấp ủ nhiều năm về Hồ Chủ tịch với câu nói đầy xúc động "Miền Nam luôn trong trái tim tôi". Đây là tượng đài Bác Hồ đặt trên đảo Phú Quốc cao 20,7m, nặng 93 tấn bằng chất liệu hợp kim đồng, vừa được hoàn thành dịp 19/5 năm nay.
Về âm nhạc, giải tác phẩm xuất sắc duy nhất năm nay được trao cho ca khúc đặc sắc "Bà về ngự chốn non Tiên" của nhạc sĩ Hình Phước Liên. Bài hát mới đầy chất âm nhạc tâm linh Việt Chăm này là một đóng góp độc đáo cho âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Ở lĩnh vực sân khấu, Giải thưởng Đào Tấn trao cho 5 tác phẩm: Nợ nước non của Nhà hát Cải lương Việt Nam; kịch nói Mưa bóng mây của Công ty HeroFilm TP Hồ Chí Minh và vở chèo Mưa đỏ của Đoàn Chèo Hải Phòng, Đại đội trưởng của tôi của Nhà hát chèo Quân đội và Nắm xôi kỳ diệu của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Bên cạnh các giải thưởng trên, Giải thưởng Đào Tấn còn dành trao tặng cho 2 đơn vị tuồng không chuyên: Đoàn tuồng xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và Đoàn tuồng thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh. Đây vẫn là những bảo tàng sống lưu giữ di sản tuồng cổ trong đó có tuồng Đào Tấn mà chúng ta ngày càng phải quan tâm hơn…
No comments