Thầy giáo dạy con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn: “20 năm đi dạy, tôi chưa thấy ai đặc biệt như bố con Bôm”
Thời gian qua, câu chuyện xúc động về tình phụ tử thiêng liêng giữa nghệ sĩ Quốc Tuấn và con Nguyễn Anh Tuấn (tên thường gọi là Bôm) đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Sau 7 năm, cậu bé Bôm ngày nào giờ đã là chàng nghệ sĩ 22 tuổi. Ngày 10/6 vừa qua, Bôm đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp hệ Trung cấp chuyên ngành Piano Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm 9,3. Hội đồng chấm thi đánh giá phần thi của Bôm rất tốt, phong độ ổn định.
Ngay từ khi còn nhỏ, Bôm không may mắc căn bệnh Apert (bệnh xương cứng sớm cục bộ, hẹp đường thở) hiếm gặp. Căn bệnh khiến các ngón tay, ngón chân dính nhau, xương sọ bị đóng kín sớm, vì vậy, người bệnh cần phải có nhiều đợt phẫu thuật để tách rời các ngón tay, ngón chân và nới xương sọ...
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Nguyễn Mạnh – Trưởng khoa Jazz, chuyên ngành Piano Jazz để hiểu thêm về hành trình 7 năm vượt qua bao khó khăn của nghệ sĩ Quốc Tuấn và Bôm.
Anh là thầy giáo dạy trực tiếp cho Bôm (Nguyễn Anh Tuấn) – con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn tại khoa Piano Jazz, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ những ngày đầu tiên và đồng hành cùng Bôm tới 7 năm liên tục. Mới đây, Bôm đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp hệ Trung cấp với số điểm rất cao. Anh nói gì về thành tích của học trò?
- Trong kỳ thi tốt nghiệp hệ Trung cấp diễn ra mới đây, Bôm được Hội đồng đánh giá rất cao. Hội đồng ngoài 7 vị giảng viên trong Học viện thì còn có hai vị giám khảo chấm độc lập, một là giảng viên Mai Kiên - Đại học văn hóa Nghệ thuật Quân đội, hai là Nhà lý luận phê bình âm nhạc người Anh Paul Zetter. Tôi không được ngồi trong Hội đồng chấm phần thi tốt nghiệp của Bôm vì theo quy định, thầy giáo không được chấm sinh viên do mình hướng dẫn. Hội đồng chấm rất khách quan và công tâm nên kết quả 9,3 điểm của Bôm là một thành tích đáng tự hào, đánh giá đúng năng lực của em.
Theo quy chế, mỗi sinh viên sẽ có khoảng 30-35 phút để thể hiện phần thi tốt nghiệp của mình. Các bạn sinh viên khác đa số chọn 6 bài và đánh dài hơn cho đủ thời lượng quy định thì Bôm đánh tới 7 bài. Điều này cho thấy Bôm rất nỗ lực, đam mê và có năng lực thực sự.
Tôi rất vui mừng khi học trò Bôm cùng các học trò khác đạt được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp Trung cấp và Đại học vừa qua. Với những người thầy cô thì đây quả là những "trái ngọt", xứng đáng với những gì chúng tôi đã truyền dạy cho các em.
Là một người thầy đồng hành cùng Bôm từ những ngày đầu mới bước chân vào khoa Piano Jazz, tập làm quen với phím đàn, nốt nhạc… anh đánh giá sao về sự tiến bộ của học trò?
- Với vai trò là giảng viên, tôi đánh giá Bôm là một sinh viên hết sức chăm chỉ, nỗ lực và nghiêm túc với việc học. Tôi cũng nhận thấy, để Bôm đi được trọn vẹn hành trình 7 năm là nhờ có sự đồng hành giữa bố và con, giữa nghệ sĩ Quốc Tuấn và Bôm. Chưa bao giờ Bôm vắng mặt bất cứ cứ một buổi học nào dù mưa hay nắng và trong tất cả các buổi học của Bôm đều có sự có mặt của bố bạn ấy là nghệ sĩ Quốc Tuấn. Lúc tôi thấy anh Tuấn ngồi dưới quán cà phê đợi con, lúc lại ngồi dưới lớp chăm chú theo dõi con học.
Phải nói thêm rằng, khi học hệ Trung cấp, Bôm không chỉ học kiến thức chuyên ngành mà còn học các môn văn hóa khác để hoàn thiện học phần. Và bất kỳ môn học nào, bố của Bôm cũng bước theo con, học cùng con. Tôi thấy bố Quốc Tuấn của Bôm đã vì con mà có sự hy sinh rất lớn.
Đôi lúc vì tế nhị giữa phụ huynh và thầy giáo nên tôi không giám hỏi nhưng tôi cứ thắc mắc mãi, nếu bố của Bôm theo con suốt như thế thì anh ấy đi làm lúc nào và lấy kinh tế từ đâu để lo cho cuộc sống của cả gia đình. Và tình yêu nghệ thuật của bố Bôm lớn như thế mà anh ấy hy sinh hết vì con vậy anh ấy còn lại gì cho mình… Tuy nhiên, đúng là nếu Bôm không có sự đồng hành của bố thì e là mọi thứ sẽ rất khó khăn và bất trắc.
Mặc dù, bây giờ, sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp, Bôm đã có thể đi làm và kiếm được thu nhập rồi, nhưng hình như bố Bôm vẫn chưa muốn cho con đi làm ngay. Vì hiện tại, Bôm không hoàn toàn tự chủ được do các chức năng về cơ hàm, cơ nhai vẫn chưa hoàn thiện. Tất cả các đồ ăn của Bôm đến giờ phút này vẫn phải được nghiền sẵn, không chỉ mỗi bữa chính mà cả bữa phụ, bánh trái, hoa quả đều phải làm nhuyễn trước khi ăn. Bôm gần như cần rất bàn tay chăm sóc của bố.
Tôi chứng kiến rất nhiều lần anh Tuấn phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị các thứ cho con đi học. Đôi lúc học đến muộn, không kịp về nhà nấu bữa trưa, thì anh Tuấn lại phải nấu từ sáng sớm, cho vào cặp lồng mang theo để trưa ăn.
Tôi thấy đôi lúc lại bạn bè mời bố con Bôm đi ăn uống, anh Tuấn phải xách cặp lồng theo, đến quán mở ra nhờ người ta hâm nóng, lo cho con ăn xong rồi bố mới ngồi được với mọi người, điều này khiến tôi rất xúc động. Phải nói thật, tôi thấy anh Tuấn vất vả quá. Trong 20 năm đi dạy, tôi chưa thấy ai đặc biệt như bố con Bôm.
Tôi được biết, trước đó Bôm có trải qua một số cuộc phẫu thuật nhưng vẫn chưa được thành công, hàm trên của Bôm vẫn chưa ổn. Thương nhất là sau cuộc phẫu thuật đó có một số biến chứng để lại. Vì vậy nếu muốn Bôm tự chủ hơn, tôi nghĩ Bôm sẽ cần thêm sự can thiệp của y học trong thời tới.
Ngoài những tiến bộ trong việc học, Bôm còn trưởng thành như thế nào trong 7 năm theo học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thưa anh?
- Ngoài vấn chuyên môn âm nhạc thì rõ ràng là Bôm đã trưởng thành hơn rất nhiều. Ngay khi tham dự buổi chấm thi tốt nghiệp, NSND Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện đã nhắn tin cho tôi, nguyên văn: Bôm trưởng thành không thể tin nổi, thật là tuyệt vời. Điều đó đã nói lên tất cả về sự trưởng thành của Bôm.
Tôi rất hạn chế trong việc nhận xét học sinh của mình. Nhưng buộc phải nói một lời thì tôi dám nói ngay rằng, Bôm được thừa hưởng "bộ gen" nghệ thuật từ bố Quốc Tuấn nên có sự dạn dĩ, bản lĩnh sân khấu. Điều này không phải ai cũng có được. Vì thực chất, có nhiều học viên khi duyệt bài thể hiện rất tốt nhưng khi lên sân khấu vì áp lực tâm lý dẫn đến lo lắng, hồi hộp nên vẫn còn đánh sai. Ngược lại, Bôm luôn giữ được sự bình tĩnh, tự tin và làm chủ được sân khấu. Tôi nghĩ đó là điểm mạnh nhất của Bôm và bình thường tôi vẫn nói đó là gen trội Bôm thừa hưởng từ bố của mình.
Trong 7 năm thầy trò đồng hành, có thời điểm nào Bôm phải đối diện với những khó khăn về học tập?
- Trong 7 năm theo học hệ Trung cấp, có một số lần thi học kỳ, do tâm sinh lý thay đổi nên Bôm cũng gặp đôi chút khó khăn trong thi cử. Nhưng sau đó rất nhanh, em ấy đã lấy lại được sự cân bằng. Do một số hạn chế về cơ ngón tay nên đôi khi Bôm gặp cản trở hơn các bạn khác. Một số bản nhạc mà người có sự linh hoạt về bàn tay chơi cũng rất khó, đối với Bôm sẽ càng khó khăn hơn. Đôi lúc tôi cũng lo sợ nếu Bôm bị căng ngón tay quá sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng Bôm đã vượt qua rất tốt. Tất cả những điều ấy chỉ để chứng minh cho nghị lực phi thường của cả Bôm và cả bố Tuấn. Rõ ràng, sự đồng hành của anh Tuấn với Bôm là cả một hành trình dài.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn có chia sẻ rằng, Bôm rất chăm chỉ và đam mê tập đàn. Ngoài thời gian cho sinh hoạt đời thường thì gần như Bôm sẽ dành thời gian toàn bộ thời gian để luyện đàn. Thói quen đó liệu có còn giữ đến bây giờ không?
- Thói quen đó vẫn còn được duy trì cho đến tận bây giờ. Thật sự là trong suốt gần 20 năm dạy học của tôi, chưa có học sinh nào mà tôi không phải nhắc là tập đàn, thế nhưng với Bôm, tôi chưa bao giờ phải nhắc bạn ấy về việc này. Gần đây nhất sau khi thi cử xong, nghệ sĩ Quốc Tuấn cũng có tâm sự với tôi là gần đến sát ngày thi, anh ấy phải "phạt" Bôm bằng cách không cho tập đàn, vì bạn ấy quá say mê việc luyện đàn. Chiếc đàn Piano như là một người bạn rất thân của Bôm. Tôi cho rằng, có khi thành tích đạt loại Giỏi trong tốt nghiệp vừa rồi của Bôm lại đến từ việc cấm tập đàn. Việc cấm em ấy tập đàn sẽ gây nên một chất xúc tác giúp bạn ấy bình tĩnh hơn khi bước vào phòng thi. Với cương vị của người giảng viên hướng dẫn, tôi rất hài lòng với kết quả tốt nghiệp của Bôm.
Thực ra, đối với các bạn như Bôm, ngoài việc việc dạy dỗ kiến thức thì thầy giáo đôi khi còn như một người cha, một người bạn. Giữa anh với Bôm có kỷ niệm gì mà mỗi khi nhớ lại vẫn khiến anh xúc động?
- Trước đây, Bôm hay chia sẻ là thần tượng Modern Talking, gần đây nhất cậu ấy nói thần tượng tôi. Điều này khiến tôi cực kỳ xúc động. Việc các nghệ sĩ Jazz ảnh hưởng lẫn nhau là điều dễ hiểu, nhưng điều khiến tôi vui nhất là cho đến bây giờ, thẩm mỹ âm nhạc của Bôm đã được cập nhập thêm những xu hướng chung của Jazz quốc tế. Và mặc dù Bôm còn phải học tập rất nhiều, nhưng em ấy đã dần định hướng được cho mình phong cách riêng. Có thể nói, Bôm đã "manh nha" xây dựng một "nghệ sĩ Bôm Piano Jazz" với phong cách rất riêng.
Tôi nhớ cách đây 1 hay 2 năm gì đó, Bôm đã được mời đi diễn, kiếm được cát-sê. Với bất kỳ một người thầy nào cũng đều mong mỏi học trò của mình thành công, tự lập, thậm chí là giỏi hơn cả thầy. Và tôi nghĩ đây không phải tâm nguyện của riêng tôi mà còn của anh Quốc Tuấn. Tôi hiểu anh Tuấn cũng đang bước vào giai đoạn có tuổi, chặng đường sau này của Bôm có lẽ mong nhất là Bôm có một cái nghề để mang lại cho em ấy một cuộc sống bình thường.
Cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Mạnh đã chia sẻ thông tin.
No comments