Breaking News

Nghệ sĩ Quyền Linh: "Tiền thù lao cho bộ môn biểu diễn hiện nay quá thấp, trong khi giá cả thị trường tăng cao"

Mới đây, trong phiên chất vấn kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đưa ra đề xuất viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc danh mục công việc nặng nhọc, nguy hiểm như: xiếc, múa ballet... được nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng khi đã đóng đủ 20 năm BHXH.

Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng, các nghệ sĩ, diễn viên thuộc lĩnh vực này được đào tạo trong 7 - 12 năm, một số bộ môn 15-16 năm. Tuổi đào tạo nghề từ 10 tuổi và phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn của họ bình quân 15-20 năm. Vì vậy, các nữ nghệ sĩ tuổi từ 35 - 40 tuổi, nam nghệ sĩ từ 40 - 45 tuổi hầu như bị suy giảm khả năng biểu diễn, hoạt động chuyên môn.

Trước đề xuất này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với một số nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau và lắng nghe những chia sẻ của họ:

NSND Tâm Chính

NSND Tâm Chính - chủ nhân của tiết mục Cô nàng giải khát nổi tiếng thế giới, giám đốc nữ đầu tiên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm 1987 đến năm 2004 cho biết: "Hiện tại, các nghệ sĩ xiếc được nghỉ sớm không quá 5 năm so với quy định (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ). Tuy vậy, tôi cho rằng, nếu ai có nguyện vọng nghỉ từ 50, 55 tuổi thì cũng nên tạo điều kiện cho họ, để họ được hưởng nguyên chế độ khi về hưu. Như vậy mới thực sự thỏa đáng cho ngành xiếc".

Nghệ sĩ Quyền Linh: "Tiền thù lao cho bộ môn biểu diễn hiện nay quá thấp, trong khi giá cả thị trường tăng cao" - Ảnh 1.

NSND Tâm Chính. (Ảnh: TL)

Là một người theo đuổi nghệ thuật xiếc từ năm 15 tuổi, NSND Tâm Chính cho rằng, ngành nghề xiếc có đặc thù riêng, khắc nghiệt và phải cống hiến rất nhiều. "Lĩnh vực này khó nhọc, vất vả hơn những ngành nghề khác. Nhà nước và Quốc hội cũng nên quan tâm đến ngành xiếc. Nếu đang bàn thảo vấn đề này thì tôi nghĩ việc được phê duyệt là điều tốt". 

Nữ nghệ sĩ gạo cội cũng lấy ví dụ về sự khó khăn của những nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nhào lộn: "Sau khi lấy chồng, sinh con, nghệ sĩ xiếc quay lại bộ môn này rất khó khăn vì họ phải nghỉ 2 năm từ lúc mang thai đến khi nuôi con. Trong bộ môn xiếc, các loại hình như ảo thuật, tung hứng nhẹ nhàng thì không nhất thiết cho nghỉ hưu sớm. Tuy vậy, những nghệ sĩ lao động nặng như uốn dẻo, nhào lộn hay phải có những động tác bế phức tạp thì nên có chế độ đó".

Biên đạo múa Tuyết Minh

Chia sẻ với PV Dân Việt, biên đạo múa, nghệ sĩ Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam khẳng định: "Từ lâu, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã đưa ra chế độ riêng cho những lĩnh vực nghệ thuật có nhiều vất vả, rủi ro trong quá trình lao động như: xiếc, múa ballet, múa cổ truyền, tuồng... Với xiếc, có thể là ảnh hưởng về chấn thương, hệ thống xương, cơ. Với nghệ thuật múa ballet, nghệ sĩ phải rèn luyện từ khi còn rất nhỏ (khoảng 10 tuổi). Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, họ thường gặp các chấn thương, đặc biệt ở phần chân.

Được mệnh danh là môn nghệ thuật bác học, các nghệ sĩ tuồng cũng vất vả không kém. Họ trải qua quá trình tập luyện khắt khe mới thể hiện được các bộ múa, trình thức múa, thậm chí cả những động tác võ thuật phức tạp".

Nghệ sĩ Quyền Linh: "Tiền thù lao cho bộ môn biểu diễn hiện nay quá thấp, trong khi giá cả thị trường tăng cao" - Ảnh 2.

Biên đạo múa, nghệ sĩ Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. (Ảnh: TL)

Nghệ sĩ Tuyết Minh đánh giá, việc Bộ VHTTDL xác định đây là những loại hình nghệ thuật nặng nhọc, thời gian rèn luyện lâu dài, khả năng biểu diễn suy giảm sau thời gian 10 - 15 năm là chính xác. Tuy nhiên, giải pháp để nghệ sĩ nghỉ hưu sớm chỉ có giá trị với một nhóm người nhỏ, không giải quyết triệt để vấn đề.

"Với những nghệ sĩ đã không còn khả năng biểu diễn và có nguyện vọng nghỉ hưu sớm, đây là cơ hội tốt cho họ. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề lớn nhất đặt ra với các ngành này là tìm ra giải pháp để họ tiếp tục cống hiến, thay đổi vai trò, vị trí của họ trong nền nghệ thuật biểu diễn.

Hãy thử nghĩ xem, một nghệ sĩ ballet rèn luyện từ năm 10 tuổi. Đến hơn 20 tuổi, họ mới có thể đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, nhưng 35 tuổi đã nghỉ hưu. Sau 35 tuổi họ sẽ làm gì? Mức lương của họ khi về hưu vô cùng thấp, họ sẽ làm gì với mức lương đó?", nghệ sĩ Tuyết Minh nêu quan điểm. 

Biên đạo múa gạo cội cho rằng, nên đặt ra những chính sách để các nghệ sĩ giỏi, có nền tảng về kiến thức, kinh nghiệm làm nghề tiếp tục cống hiến cho xã hội: "Chúng ta có thể cho họ đi học, sau đó chuyển đổi những người này làm công việc khác mà vẫn trong biên chế Nhà nước như: đạo diễn, biên đạo tại các trung tâm văn hóa, giáo viên bộ môn ở các trường... Như vậy, chúng ta vừa tận dụng được những kinh nghiệm mà họ đã có, vừa giúp các nghệ sĩ đảm bảo cuộc sống sau giai đoạn đỉnh cao".

Nói về một số ý kiến cho rằng, trong xã hội có nhiều ngành nghề vất vả không kém, tuy vậy chưa có chế độ đặc thù, biên đạo múa Tuyết Minh bày tỏ: "Theo tôi, mỗi nghề đều có sự vất vả khác nhau. Ở lĩnh vực nào, dù làm cái ghế, lọ hoa, con người cũng cần tập trung và sáng tạo. Dù một số nghề mang lại nguy hiểm, nhiều người vẫn phải lao động nhằm đảm bảo cuộc sống cho chính mình, cho người thân của họ. Tôi mong các cơ quan chức năng sẽ có những chế độ, chính sách hợp lý cho mỗi ngành nghề".

Diễn viên xiếc Thanh Hoa

Diễn viên xiếc Thanh Hoa chia sẻ, theo quan sát của chị, những nghệ sĩ từ 40 tuổi trở đi sẽ không còn khả năng diễn các bộ môn nặng, họ thường chuyển sang tiết mục tập thể nhẹ nhàng hơn hoặc diễn hề.

Nghệ sĩ Quyền Linh: "Tiền thù lao cho bộ môn biểu diễn hiện nay quá thấp, trong khi giá cả thị trường tăng cao" - Ảnh 3.

Diễn viên xiếc Thanh Hoa trong một tiết mục. (Ảnh: NVCC)

"Vấn đề lớn nhất hiện nay là tôi thấy các nghệ sĩ đang có tâm tư về việc mức thù lao và bảo hiểm cho xiếc quá thấp. Ví dụ như khi diễn viên xiếc không may bị ngã, chúng tôi chỉ có 80.000 đồng tiền bảo hiểm, nếu đi bệnh viện thì công đoàn chỉ trích ra được 1-2 triệu đồng, đa số mọi người sẽ tự bỏ tiền túi ra để lo chi phí. 

Xiếc không được hưởng những chế độ như thể thao. Kể cả khi chúng tôi thi đấu các cuộc thi quốc tế cũng không có người đi theo nấu ăn hay được tiền chế độ cao khi đạt huy chương. Huy chương của ngành xiếc chỉ được bằng khen và 2 - 3 triệu/người. Khi tập bình thường, các nghệ sĩ không có thù lao, khi có chương trình diễn thì 70.000 đồng/ngày. Thù lao buổi diễn thì chia 50/50 tính theo mức khán giả, nếu đông thì được nhiều, vắng thì được ít" - nghệ sĩ Thanh Hoa chia sẻ với PV Dân Việt.

Nghệ sĩ Quyền Linh

Nghệ sĩ Quyền Linh bày tỏ sự đồng cảm với những diễn viên xiếc, múa ballet, tuồng... vì sự vất vả đặc thù của các ngành nghệ thuật này: "Nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh như chúng tôi không có tuổi về hưu, lứa tuổi nào cũng sẽ có vai diễn nếu được các đạo diễn mời. Tuy nhiên cũng có một số ngành đặc thù như xiếc, họ phải diễn các bộ môn nguy hiểm, rất cần sức khỏe.

Nghệ sĩ Quyền Linh: "Tiền thù lao cho bộ môn biểu diễn hiện nay quá thấp, trong khi giá cả thị trường tăng cao" - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Quyền Linh. (Ảnh: FBNV)

Theo tôi, tiền thù lao cho các bộ môn biểu diễn hiện nay vẫn là mấy chục ngàn thì thấp quá. Trong khi giá cả thị trường tăng thì thù lao cho việc họ tập luyện, biểu diễn lại không tăng. Với xiếc, múa, các nghệ sĩ phải vắt kiệt sức mình, tập ngày đêm miệt mài có khi từ sáng đến 2-3 giờ đêm, biểu diễn thì đến 23 giờ. Tôi nghĩ điều quan trọng là nâng cao thu nhập cho họ".

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc "Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm" được về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm.

Lĩnh vực nghệ thuật có các ngành trong danh mục độc hại, nguy hiểm gồm diễn viên xiếc uốn dẻo, đế trụ, nhào lộn và xiếc khác trên cao; dạy thú và biểu diễn xiếc thú; diễn viên xiếc; múa ballet, múa cổ truyền và hát tuồng...

No comments

Khau Trang Y Te