Breaking News

Diễn viên Quang Sự: Đóng vai ác bị ghét là một thành công

Diễn viên Quang Sự: Đóng vai ác bị ghét là một thành công- Ảnh 1.

Diễn viên Quang Sự. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bộ phim "Trạm cứu hộ trái tim", gây tranh cãi khi xây dựng quá nhiều drama chồng chất xoay quanh các mối quan hệ gia đình.

Trước "Trạm cứu hộ trái tim", Quang Sự ghi dấu ấn khi đảm nhận vai Công, đóng cặp với Kiều Anh trong phim "Gia đình mình vui bất thình lình", từng góp mặt trong phim "Để mai tính 2", "Ống kính sát nhân", "Đò xuôi vạn lý", "Yêu hơn cả bầu trời", "Người lắng nghe"...

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với diễn viên Quang Sự về vai diễn phản diện "sóng gió", về việc một diễn viên khi phải đứng trong tâm điểm dư luận, hứng chịu nhiều chiều ý kiến.

Sau vai Công trong phim "Gia đình mình vui bất thình lình", Quang Sự có màn lột xác về hình ảnh khi đảm nhận một vai phản diện tàn độc, đứng giữa nhiều tranh cãi của khán giả. Khi kịch bản nhận ý kiến trái chiều, suy nghĩ của anh về vấn đề này?

- Tôi là người đã nắm được câu chuyện, về các tuyến nhân vật, còn khán giả mới chỉ nắm được các tình tiết ở thời điểm phim phát sóng. Tôi từng chia sẻ, khán giả có thể coi Nghĩa là một nhân vật phản diện và lên án anh ta. Nhưng với tôi, nhân vật đó vừa đáng ghét, cũng vừa đáng thương. Tôi có thể nói như vậy từ một người đã đồng hành cùng nhân vật cả chặng đường, còn khán giả sẽ cần thời gian, từng bước một để thấu hiểu cho Nghĩa. Tôi không phản biện hay bảo vệ nhân vật mà tôi mong khán giả có thể tự cảm nhận về Nghĩa theo đủ hành trình.

Trên phim, có những khoảnh khắc mà nội tâm của Nghĩa rất phức tạp. Thử hình dung một người như vậy ngoài đời, có hai cô vợ, một cô vợ thật, một cô vợ giả. Có lúc, Nghĩa phải giả làm người chồng hoàn hảo để tạo niềm tin cho gia đình vợ. Song song với đó, anh ta vẫn có một người tình và cậu con trai. Một người với cuộc sống như vậy, họ khó có một giấc ngủ ngon. Những cảm xúc anh ta thể hiện bên ngoài cũng chỉ là một phần của tâm lý phức tạp đó thôi. Nghĩa cũng là người có động cơ rõ ràng, vì vậy nên anh ta đáng trách nhưng cũng đáng thương.

Nhiều câu thoại của anh như: "Em đang rất ngu", "Ô la la sao em lại khóc" được chia sẻ rầm rộ, nhưng với phần lớn ý kiến chê lời thoại vô nghĩa. Vào vai Nghĩa, anh còn phải đứng trước những phản biện về đài từ, diễn xuất. Điều này có tạo ra áp lực với Quang Sự?

- Với tôi, những đánh giá, bình luận từ khán giả là điều tôi cần phải cảm ơn, vì họ đã dành thời gian quan tâm đến nhân vật và bộ phim, phải để tâm thì mới nhận xét. Điều đó truyền cho tôi động lực nhiều hơn là áp lực.

Tôi cho rằng, một người bình thường đã có ý kiến khen chê, huống gì một người làm nghề “làm dâu trăm họ", có người thương kẻ ghét cũng là bình thường.

Những đánh giá trái chiều lại là một tín hiệu vui, chứ không phải nỗi sợ. Sản phẩm làm ra không ai quan tâm mới đáng buồn. Về cơ bản, tôi không bị áp lực. Tôi lấy ý kiến khán giả làm động lực để cố gắng, hoàn thiện hơn, cùng ê-kíp mang đến những sản phẩm tốt nhất.

Diễn viên Quang Sự trong hậu trường phim “Trạm cứu hộ trái tim“. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đóng chính diện và phản diện - về độ khó và áp lực - giống và khác nhau như thế nào, theo anh?

- Với tôi, nhân vật phản diện hay chính diện đều có những cái khó riêng. Ở góc độ là diễn viên, vai phản diện sẽ có nhiều cung bậc cảm xúc, có nhiều cách để khai thác đa dạng về mặt cảm xúc hơn là vai chính diện. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là đóng vai chính diện dễ. Diễn chính diện thì cũng phải làm sao để khán giả thương, khán giả yêu. Nếu không khai thác nhân vật kỹ, không thay đổi qua từng phân cảnh, các tình huống sẽ lặp đi lặp lại. Nhân vật chính không thể cứ buồn bã, khóc lóc một kiểu. Đều là cảnh khóc, nhưng có sự khai thác khác đi như cảm xúc, cách biểu đạt, kết hợp với góc quay... đều ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem.

Vai phản diện cũng có cái khó riêng, giúp diễn viên có thể khám phá bản thân. Tôi có thể làm mới bản thân với một dạng vai mới, diễn để khán giả tin đó là thật. Có một nhân vật phản diện mà khán giả thật sự ghét, tôi nghĩ đó là thành công.

Anh từng du học tại Hàn Quốc, được tiếp xúc với nền điện ảnh phát triển của quốc gia này. Bộ phim “Trạm cứu hộ trái tim" được cho là có drama gia tộc, báo thù không thua kém những bộ phim đình đám như “Penthouse", “Thế giới tuyệt vời”, “Cậu út nhà tài phiệt", “Eve"... Liệu, đây có phải là niềm vui với Quang Sự, khi có thể phát triển bản thân dưới nhiều dạng vai khác nhau?

- Thật ra, đóng vai Nghĩa cũng là một niềm vui của tôi. Tôi có mong muốn làm mới bản thân, khiến khán giả nhớ đến tôi như một diễn viên đa màu sắc. Nghĩa cũng là nhân vật đáng nhớ trong hành trình diễn xuất của tôi. Khán giả có thể có một góc nhìn mới về cái tên Quang Sự. Đề tài báo thù, sóng gió gia tộc đã khá quen thuộc trên màn ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc hay Thái Lan. Với tôi, mỗi tác phẩm đều có những cái hay, nét đặc sắc riêng.

Quang Sự từng chia sẻ khi đóng cặp cùng Kiều Anh, ở hậu trường anh gọi bạn diễn là chị vợ. Vậy với Hồng Diễm, anh tạo kết nối với “người vợ” này như thế nào?

- Ở hậu trường, tôi và các anh chị em hay tương tác, trò chuyện với nhau. Tôi gọi chị Diễm là chị, lúc nào vui đùa có thể gọi nhau bằng tên. Dàn diễn viên thân thiết, vui vẻ với nhau. Đó là chất xúc tác để hỗ trợ cho quá trình ghi hình. Các đồng nghiệp đều là những diễn viên chuyên nghiệp, có thâm niên, nên việc tạo cảm xúc cho vai diễn đã diễn ra khá tự nhiên.

Nhân vật Nghĩa có đến hai người tình, và khi ở bên mỗi người lại có một bộ mặt khác nhau. Quang Sự làm thế nào để tách biệt cảm xúc và thể hiện tính hai mặt của nhân vật?

- Thật ra, khá khó để nói chi tiết việc tách biệt cảm xúc. Điều đó còn phụ thuộc vào trải nghiệm cuộc sống của mỗi diễn viên, cách mỗi người quan sát mọi thứ xung quanh, cách họ tiếp cận với vai diễn. Tôi có một thói quen khi làm việc là phải phân tích nhân vật, xây dựng một hồ sơ riêng, trong đó bao gồm những thông tin như hoàn cảnh, công việc, xuất thân, thành phần gia đình, môi trường công việc...

Tiếp theo là ngoại hình, tâm lý của nhân vật. Với các mối quan hệ của nhân vật, tôi cũng tạo những hồ sơ riêng. Đó là nguồn dữ liệu để tôi chuẩn bị kỹ cho nhân vật đó. Tôi xác định rõ ràng tâm lý nhân vật ở từng giai đoạn, ví dụ như hình dung An Nhiên là người thế nào, giai đoạn này mối quan hệ với Ngân Hà ra sao. Lên kế hoạch từ ban đầu, tôi sẽ không chệch hướng, có tài liệu để hỗ trợ.

Việc liên tục “quay vòng” dàn diễn viên ở các dự án phim, khiến những gương mặt đang dần trở nên quen thuộc quá mức, thậm chí có thể dùng từ “nhàm chán” với vài trường hợp. Anh dự liệu thế nào cho mình để tránh “kịch bản” này?

- Tôi muốn được trải nghiệm nhiều số phận nhân vật khác nhau, nhiều con người khác nhau. Định hướng của tôi là mỗi vai, tôi thể hiện những màu sắc khác nhau, những sự lựa chọn tiếp theo của tôi cũng sẽ như vậy. Từ đó, khán giả có thể thấy được năng lực thực sự của tôi, đánh giá tôi trên góc độ chuyên môn chứ không phải những câu chuyện ngoài lề. Đóng nhiều dạng vai cũng tạo cơ hội để tôi khám phá thêm khả năng của mình.

Gia đình phản ứng thế nào khi xem vai Nghĩa trên màn ảnh?

- Gia đình hiểu và tôn trọng công việc của tôi, luôn động viên tôi. Mẹ tôi ở quê gặp vài người hỏi sao Quang Sự đóng cái vai ác thế, nói này nói kia. Mẹ tôi cũng chỉ biết nói là nhân vật như thế nào thì tôi đóng như thế chứ biết sao giờ. Bà hiểu rằng đó là công việc, là nhân vật trên phim mà thôi.

Nhiều phân đoạn của nhân vật Nghĩa được cắt ra và chia sẻ trên mạng xã hội. Với anh, mạng xã hội có phải thước đo cho thành công của một bộ phim?

- Quan điểm của tôi là, vì khán giả của phim truyền hình đa dạng, trải dài trên nhiều độ tuổi, nên ý kiến trên mạng xã hội chỉ là một phần ý kiến của khán giả. Những bài viết, lượt xem hay bình luận đánh giá phim cũng vậy. Tôi thấy phim "Trạm cứu hộ trái tim" chiếu khung giờ 21h40, đối tượng khán giả đông đảo là chị em phụ nữ, độ tuổi trưởng thành trở lên. Trong đó, có thể họ không sử dụng mạng xã hội, không bình phẩm nhiều. Tôi quan sát thấy hơn nửa bình luận trên các trang mạng là các bạn trẻ. Nhiều khi họ chỉ xem đoạn cắt, một phần nhỏ rồi đánh giá toàn bộ tác phẩm.

Việc phim được quan tâm trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy phim có sức hút nhất định, nhưng rõ ràng còn rất nhiều người xem không hoạt động, tương tác trên các nền tảng số. Họ cũng sẽ hiếm khi bình luận chi tiết, đưa quan điểm qua lại trên mạng xã hội...

No comments

Khau Trang Y Te