Breaking News

“Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng được đưa lên nhạc kịch sẽ có gì khác lạ?

"Bỉ vỏ" là tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng được Tự Lực Văn Đoàn tặng giải Nhì năm 1937. Tác phẩm này từng nhiều lần được dựng thành kịch, cải lương, phim truyền hình… Năm 2015, Nhà hát Kịch Hà Nội đã dàn dựng "Bỉ vỏ" dưới bàn tay tài hoa của NSND Dãn Hoàng Giang.

Vở nhạc kịch "Bỉ vỏ" do Ths. Nguyễn Thị Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam làm Tổng đạo diễn, được thể hiện bởi các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Hải Phòng.

“Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng được đưa lên nhạc kịch sẽ có gì khác lạ?- Ảnh 1.

Nhạc kịch có thời lượng khoảng 80 phút đưa người xem đến với mạch kịch được kết nối gồm 3 hồi, 15 cảnh. Ảnh: BTC

Vở nhạc kịch có thời lượng khoảng 80 phút, vở diễn đưa người xem đến với mạch kịch được kết nối gồm 3 hồi, 15 cảnh. Trong đó, hồi I có tên "Trùm cuối", lấy bối cảnh Hải Phòng năm 1937, trong xã hội thực dân nửa phong kiến khi đó, nhiều người bị bần cùng, tha hóa, trở thành dân anh chị giang hồ mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật trung tâm.

Hồi II có chủ đề "Cuộc rượt đuổi số phận" khắc họa về những mảnh đời cơ cực, đói rách, những con người lương thiện bị bức ép vào con đường lầm lỗi như Tám Bính. Trong thế giới "anh chị" khốc liệt, máu lạnh ấy vẫn có một Năm Sài Gòn - gã đàn anh của Bến 6 Kho - Hải Phòng nghĩa khí, phóng khoáng, hảo hán, chỉ lấy của người giàu và bọn quan quyền bóc lột.

Hồi III với tên gọi "Con đường bụi mờ" phơi bày bộ mặt bất công của xã hội đương thời đè nặng lên những người dân lương thiện, tạo nên những bi kịch thảm khốc và đầy nước mắt.

“Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng được đưa lên nhạc kịch sẽ có gì khác lạ?- Ảnh 2.

Vở nhạc kịch mang đến hình dung sống động về thân phận cùng cực của những con người nhỏ bé sống dưới đáy xã hội. Ảnh: BTC

Qua sự kết hợp của âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất, vở nhạc kịch mang đến hình dung sống động về thân phận cùng cực của những con người nhỏ bé sống dưới đáy xã hội thực dân nửa phong kiến. Họ bị bần cùng hóa, tha hóa, bị đẩy vào con đường ăn chơi trụy lạc, lưu manh trộm cướp, trở thành dân anh chị giang hồ mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật trung tâm.

Mặc dù vậy, từ những kiếp người ám ảnh như Năm Sài Gòn, Tám Bính, vẫn nhận ra những khao khát của con người dưới chế độ xã hội tàn khốc. Đó là khát khao được sống cho ra sống, được cảm nhận ánh sáng của tự do, hạnh phúc, dù đó chỉ là hy vọng le lói nơi cuối con đường hun hút, xa xăm…

Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của "Bỉ vỏ" là trong những câu chuyện khổ đau, nhơ nhuốc, người đọc vẫn cảm nhận được vẻ đẹp lấp lánh của tinh thần nhân văn. Và đó cũng chính là điều mà tác giả kịch bản, tổng đạo diễn Tuyết Minh cố gắng thể hiện trong vở nhạc kịch.

“Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng được đưa lên nhạc kịch sẽ có gì khác lạ?- Ảnh 3.

Tổng đạo diễn Tuyết Minh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng khi dàn dựng "Birvor". Ảnh: BTC

Nhạc kịch "Bỉ vỏ" sẽ kể câu chuyện đầy nhân văn về tình người

Theo Tổng đạo diễn Tuyết Minh, chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng.

"Tôi không muốn nhạc kịch "Bỉ vỏ" chỉ là minh họa lại tác phẩm văn học mà muốn kết nối với tư tưởng của quá khứ và hiện tại. Từ trang sách của nhà văn Nguyên Hồng, các nhân vật như Tám Bính hay Năm Sài Gòn quen thuộc sẽ bước lên sân khấu để kể câu chuyện bằng âm nhạc đầy nhân văn về tình người, sự đoàn kết và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng" - đạo diễn Tuyết Minh chia sẻ.

Nhạc sĩ Lưu Quang Minh chia sẻ, anh nhận lời tham gia sản xuất âm nhạc cho nhạc kịch "Bỉ vỏ" không chỉ vì bản thân là người con của đất cảng Hải Phòng, mà còn bởi câu chuyện và kịch bản đã chạm tới cảm xúc của chính anh. Điều khiến anh thấy áp lực nhất là phải tìm cho ra mạch âm nhạc để lột tả được hết những sắc thái cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm văn học đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ.

Trong vở diễn, có một số ca khúc được anh đưa chất liệu rock vào để nhấn sâu hơn sự u tối, dữ dội, giằng xé của hiện thực phũ phàng. Chất liệu rộn ràng của Funky hay cách điệu của Jazz, cùng một số kỹ thuật sáng tác chuyển điệu hòa thanh đột ngột cũng được khai thác để mang đến nhiều sắc mầu cho vở nhạc kịch.

Vở nhạc kịch "Bỉ vỏ" được thực hiện dưới chỉ đạo nghệ thuật NSND Khánh Hòa - Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng; Tổng đạo diễn, kịch bản: Nghệ sỹ Tuyết Minh; biên đạo múa: Nghệ sỹ Tuyết Minh – Nghệ sỹ Ưu tú Văn Dũng; dàn dựng hợp xướng: NSND Hà Thủy - Chinh Ba; Giám đốc âm nhạc: Lưu Quang Minh cùng sự tham gia biểu diễn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố.

Nhạc kịch "Bỉ vỏ" sẽ công diễn vào tối 29/6 tại Nhà hát Lớn Hải Phòng và Truyền hình trực tiếp trong Chương trình Sân khấu Truyền hình - Đài Truyền hình Hải Phòng - THP.

No comments

Khau Trang Y Te