NSND Tường Vi: Từ cô y tá quân y tới giọng ca bất hủ của dòng nhạc cách mạng
NSND Tường Vi và sáng tạo bất hủ mang tên "Cô gái vót chông"
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tường Vi sinh năm 1938 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Những năm tháng ấu thơ, gia đình bà trở thành nơi đóng quân của bộ đội ta sau các trận chiến cam go với địch. Hàng tuần, cuộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ ngay trên khoảng sân rộng trước nhà diễn ra, truyền cho cô gái nhỏ Tường Vi tình yêu với những ca khúc cách mạng. Thừa hưởng giọng ca từ người mẹ, bà nhanh chóng học thuộc và hát rất hay, thường xuyên ra cánh đồng để truyền lại cho các bạn.
Sau khi bà ngoại mất vì bom đạn, năm 16 tuổi, Tường Vi quyết định xin nhập ngũ, trở thành y tá tại Viện quân y 108. Tại đây, bà vừa chữa chạy cho thương binh, vừa cất tiếng hát động viên tinh thần những người lính, an ủi các anh trong thời gian đau bệnh. Một lần, sau khi biểu diễn, cô y tá Tường Vi được một vị bệnh nhân rất chú ý, quan tâm, sau đó bà mới biết ông là đại tá của tổng cục Chính trị. Vì yêu quý giọng hát của bà, ông đã trở lại bệnh viện Quân y 108, tuyển bà về hát tại đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Đây cũng chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời bà, mở đầu con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đầy dấu ấn của nghệ sĩ Tường Vi.
Năm 1962, nữ nghệ sĩ thi đỗ vào Khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1967. Tới năm 1974, bà theo học 4 năm tại nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nhờ đó, NSND Tường Vi được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phức tạp.
Trong những năm chiến tranh, nữ ca sĩ theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường, dùng tiếng hát át tiếng bom. Bà cũng là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biển diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt sự nghiệp, NSND Tường Vi thu âm nhiều và nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam với nhiều ca khúc bất hủ như: Tiếng đàn Ta Lư; Em là hoa Pơ Lang; Người con gái sông La; Cánh chim báo tin vui; Người lái đò trên sông Pô Cô; Bóng cây Kơ-nia; Suối Lenin… Bà đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như Huy chương Vàng tại Liên hoan giọng hát hay toàn quốc (1962), Huy chương Vàng tại liên hoan ca nhạc quốc tế Xô-phi-a (1968), Liên hoan nhạc quốc tế Beclin (1969)...
Trong số các ca khúc nổi tiếng của NSND Tường Vi, không thể không kể tới Cô gái vót chông. Dù không phải người đầu tiên thể hiện ca khúc, nhưng chính NSND Tường Vi đã đưa tác phẩm này lên một đỉnh cao mới, không chỉ khiến giới chuyên môn thán phục mà công chúng cũng say mê, yêu thích. Ca khúc gắn liền với tên tuổi bà suốt nhiều năm liền, làm nổi bật những ưu điểm của chất giọng nữ cao màu sắc trữ tình (lirico coloratura soprano), một loại giọng hiếm hoi trong làng âm nhạc Việt Nam.
Ca khúc "Cô gái vót chông" do NSND Tường Vi thể hiện. (Clip: Nhạc cách mạng)
Mường tượng ra cảnh núi rừng Tây Nguyên với cỏ cây, muông thú, NSND Tường Vi đã tự sáng tạo bằng cách thêm một đoạn giả tiếng chim hót vào bài hát, khiến ca khúc trở nên tươi mới, đầy sức sống. Tác phẩm nhờ thế lan tỏa mạnh mẽ, chinh phục người nghe nhạc nhiều thế hệ. Sau này, các ca sĩ thể hiện Cô gái vót chông đều hát thêm đoạn này để tăng sự sinh động cho tác phẩm. Cho đến thời điểm hiện tại, ca khúc vẫn vang lên trên nhiều sân khấu, được nhiều nghệ sĩ chọn để dự thi, phô diễn giọng hát.
Cả cuộc đời tận hiến cho âm nhạc
Không chỉ tỏa sáng trong lĩnh vực ca hát, NSND Tường Vi còn để lại những dấu son trong sự nghiệp sáng tác, trong đó nổi bật là tác phẩm Phi đội ta xuất kích - một trong 10 bài hát truyền thống của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.
NDND Tường Vi kể lại, năm 1965, sau khi người phi công đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam bắn rơi máy bay phản lực của Hoa Kỳ trên cầu Hàm Rồng, bà liền tới thực tế trên Sân bay Đa Phúc (nay là Sân bay Nội Bài). Tại đây, bà xem từng chiếc máy bay, gặp phi công trong các biên đội, đặc biệt là biên đội công kích gồm phi công Phạm Ngọc Lan chỉ huy, phi công Phạm Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương. Đặc biệt, trong bài ông Hồ Văn Quỳ đăng trên tờ báo tường của cơ quan ngày đó, bà đọc được câu "Phi đội ta xuất kích, ra đi là mang chiến thắng trở về". Cũng ngay từ đó, những giai điệu đã vang lên trong tâm trí bà.
Ca khúc "Phi đội ta xuất kích" (Sáng tác: NSND Tường Vi) do 135 band thể hiện. (Clip: 135 band)
Ca khúc Phi đội ta xuất kích mang những ca từ vừa giàu hình tượng, vừa đầy hào khí chiến đấu: "Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích/ Đại bàng vút cao lên trời mây/Trận đầu ta đã mang chiến thắng/Dâng Tổ quốc mẹ hiền mến yêu". Tác phẩm sau đó đoạt giải Nhì toàn quốc cuộc thi viết ca khúc về quân đội do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Sau đó, NSND Tường Vi đoạt giải Ba toàn quốc cùng trong cuộc thi viết kể trên với bài Quê hương anh là biển cả... Những ca khúc thiếu nhi của bà cũng để lại ấn tượng như Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hoà bình... Sau này, bà làm giảng viên giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đồng Quang Vinh, Giáng Son... Bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1962 – 1982). Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1962 – 1982).
Năm 1992, khi gặp một số trẻ em mồ côi, bà bắt đầu mở một lớp dạy nhạc cho những trẻ này. Sau đó được sự ủng hộ và quyên góp của nhiều mgười, bà lập nên Trung tâm Nghệ thuật tình thương, nuôi dưỡng nhiều tài năng nghệ thuật bị khuyết tật, thiếu may mắn trong cuộc sống. Ba trung tâm nghệ thuật tình thương do bà sáng lập đã góp phần phục hồi tâm hồn cho nhiều trẻ em thiệt thòi và bước đầu giúp những cô cậu bé khẳng định tài năng của mình như: Khánh Thi (dancesport), Hà Chương (khiếm thị), Sơn Lâm, Hồng Vy… Với bà, đó là "sự nghiệp nhân đạo nho nhỏ", giúp bà hạnh phúc trong những năm tháng xế chiều.
Qua đời ở tuổi 86, NSND Tường Vi đã để lại một sự nghiệp đồ sộ, ở đó, cùng với Cô gái vót chông, giọng ca của bà đã trở nên bất tử. Trong ký ức của nhiều thế hệ, bà mãi là chim oanh vàng của dòng nhạc cách mạng, gắn liền với những năm tháng đẹp đẽ, hào hùng và đầy thiêng liêng của cả dân tộc.
No comments