Breaking News

Kể chuyện làng: Một thời giếng nước cần quay

Thật ngạc nhiên khi nhiều sự thay đổi diễn ra quá nhanh, có những chuyện mới gần đây thôi mà tưởng đã xa xôi như cổ tích. Hầu như ở mọi nơi bây giờ, nước máy, nước giếng khoan vào tận nơi, chỉ cần mở vòi và dùng đã trở nên quá quen thuộc. Vậy nhưng một thời cách đây chưa xa, nước sinh hoạt là một vấn đề khó khăn và là điều người ta quan tâm đầu tiên khi tìm một nơi ở.

Kể chuyện làng: Một thời giếng nước cần quay- Ảnh 1.

Một chiếc giếng cũ giữa lòng thành phố Pleiku. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Đã có biết bao câu chuyện được viết nên từ hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Chiếc giếng làng là nơi ghi dấu bao kỷ niệm, là nơi hò hẹn của biết bao chàng trai cô gái. Những chiếc gàu sòng, gàu dai, hình ảnh cô gái tát nước dưới trăng đã tạo nên một câu ca đẹp mà có lẽ không xa lạ với nhiều thế hệ người Việt Nam. Với những người đã đi qua những năm 80, 90 của thế kỷ trước việc nhọc nhằn xách từng gàu nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp là ký ức đi cùng năm tháng và không thể nào quên được.

Tôi lớn lên ở một xã vùng ven của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Quê tôi trồng rau và lúa nên việc xách nước, tưới rau là việc hằng ngày của mỗi gia đình. Và những đứa trẻ đủ lớn là bắt đầu giúp cha mẹ xách nước từ giếng lên đổ vào những hồ xây bằng xi măng, rồi lấy nước từ những cái hồ ấy tưới những đám rau trong vườn. Mỗi ngày xách vài chục đến vài trăm gàu nước, tưới hết vườn rau mới đi học là chuyện hàng ngày của thế hệ 6x, 7x chúng tôi ngày ấy. Công việc làm miết cũng quen và những giếng nước ở đây cũng cạn, chỉ cần thả dây gàu, xách lên vài lần là đưa được gàu nước lên. Những giếng nước sâu hơn một chút thì người dân nghĩ ra cách dùng cần vọt: một thanh tre nối với dây gàu còn đầu kia là một vật nặng. Những chiếc cần vọt làm việc xách nước trở nên nhẹ và dễ dàng hơn.

Những vùng đất cao trên các gò đồi của Tây Nguyên, giếng đào có khi mấy chục mét mới có nước thì người ta đã dùng cần quay, một ứng dụng của ròng rọc để kéo nước. Lần đầu tôi biết đến giếng quay là khi lên 10 tuổi, vào chơi với anh trai ở trường nội trú anh dạy. Giếng nước sâu hun hút, mấy thầy thay phiên nhau quay từng thùng nước bỏ vào những chiếc thùng phuy để các cô nhà bếp nấu ăn và các thầy cô dùng tắm giặt. Tôi lúc đó còn nhỏ không thể quay nổi thùng nước lên khỏi giếng, nhưng rất tò mò nhìn anh và mấy thầy thả chiếc gàu lớn xuống từ từ theo những vòng dây trên chiếc cần rồi lấy hết sức quay nước lên. 

Thật không dễ dàng gì, có cả những nguy hiểm nếu chẳng may dây đứt hoặc tuột tay quay. Tôi từng chứng kiến chiếc cần quay vù vù không kiểm soát được, may thay người quay nước đã kịp tránh đi. Những tai nạn từ chiếc cần quay ấy cũng từng xảy ra chỗ này, chỗ khác trên các giếng nước sâu của vùng núi đồi cao nguyên này. Những giếng nước ấy như thách thức khả năng của con người. Mùa mưa giếng nhiều nước còn đỡ, tới mùa nước cạn, gặp năm hạn hán sẽ thật vất vả. Lấy nước khó khăn mà những con đường vườn rẫy đầy bụi đỏ, việc giặt giũ rất khó khăn và thật không dễ dàng để làm sạch những vết đất bám trên quần áo, nhà cửa. Màu đất đỏ đặc trưng từng là nét nhận dạng của người sống vùng núi đồi Tây Nguyên.

Kể chuyện làng: Một thời giếng nước cần quay- Ảnh 2.

Chiếc giếng cũ được tạo cảnh ở một quán cà phê. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Những ngày học ở trường Cao đẳng Sư phạm, ký túc xá mới xây còn thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm việc lấy nước từ những chiếc giếng sâu bằng cần quay để phục vụ sinh hoạt. Thật vất vả và cũng thật khó quên. Giờ đây đã mấy chục năm qua rồi, chúng tôi mỗi khi gặp lại nhau, trong những câu chuyện không thể thiếu việc nhắc đến chiếc giếng quay ngày nào. Hình như trong khổ cực, vất vả, người ta gắn kết với nhau nhiều hơn.

Rồi điện đã đi vào cuộc sống ở khắp mọi nơi. Những giếng nước với gàu và cần quay dần dần trở thành kỷ niệm. Những chiếc giếng được đậy kín bằng nắp bê tông với mô tơ bơm nước lên đã phổ biến. Rồi người ta làm giếng khoan, những đường dây nước máy cũng dẫn nước đi khắp nơi. Trên các vườn rau, trang trại, hệ thống tưới tiêu tự động cũng đã được lắp đặt, tiết kiệm rất nhiều sức người. Hình ảnh cực nhọc xách từng gàu nước đã không còn nữa. Một công việc vốn quen thuộc mỗi ngày đã trở thành cổ tích với thế hệ trẻ.

Năm nay, mùa mưa đến muộn, nắng nóng và hạn hán lan rộng khắp vùng Tây Nguyên. Những đám ruộng nứt nẻ, những vườn cà phê héo khô làm xót xa lòng người nông dân. Lại nhớ những mùa khô tôi đã đi qua, những ngày cao điểm nắng hạn khi giếng nhà khô cạn phải đi xin từng gánh nước ở xa về dùng cho mọi sinh hoạt gia đình, hoa màu không cứu nổi cũng đành để chết khô. 

Giờ đây, dù công nghệ đã đóng góp nhiều vào cuộc sống, con người cũng không thể khắc phục được hoàn toàn những quy luật tự nhiên. Và vì thế, những giếng nước, nguồn nước sạch luôn cần thiết và cần được gìn giữ cho chính cuộc sống chúng ta và cho con cháu mai sau.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305

No comments

Khau Trang Y Te