Phim "Mai" ra "biển lớn" liệu có quá tầm với Trấn Thành?
Mai có chất lượng chưa đủ để với tới thị trường quốc tế?
Với 550 tỷ đồng lợi nhuận tại Việt Nam, Trấn Thành vẫn chưa từ bỏ tham vọng và đã đem phim Mai ra một số nước tại thị trường quốc tế, với một số rạp ở Bắc Mỹ, cũng như ở Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan.
Nhờ vậy, phim đã thu thêm khoảng 2 triệu USD và xếp thứ 18 trong bảng xếp hạng những phim điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới, được thống kê bởi chuyên trang Box Office Mojo.
Dù vậy, việc phim Mai xuất ngoại cũng đã nhận về khá nhiều ý kiến trái chiều. Ông Thiên A. Phạm, Giám đốc Công ty 3388 Films, nhà phát hành Mai ra hải ngoại nhận định, những con số mà bộ phim đạt được hoàn toàn đáng khích lệ. Nhưng ý kiến như của anh Siêu Nguyễn (chuyên viên Marketing của HBO từng chạy chiến dịch quảng bá cho các series lớn như: Euphoria, The Idol) nhận định, khán giả đi xem phim đa phần là "người Việt Nam ở nước ngoài và người yêu ngoại quốc của họ".
Khán giả đến rạp chủ yếu là người Việt tò mò hoặc muốn nghe tiếng mẹ đẻ vang lên trong cụm rạp lớn như AMC (phim Mai chiếu trong một rạp tại thành phố Boston, Mỹ). Từ kinh nghiệm sản xuất phim, tiếp xúc và phân tích nhiều kịch bản, Siêu Nguyễn cho rằng, cách xử lý kịch tính đã gây ảnh hưởng tới diễn xuất của diễn viên và cảm xúc của toàn bộ phim Mai.
Từ đó, có nhiều kiến cho rằng, việc phim Mai xuất ngoại có thể bị cho là "quá tầm", "đuối" hay chất lượng chưa đủ để với tới thị trường quốc tế. Vậy với những phim như Mai, tại sao Trấn Thành muốn vươn ra "biển lớn" lại khó đến như vậy?
Tại sao phim Mai vẫn không được giới chuyên môn quốc tế đón nhận?
Ông Park Ki Young – Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) đã có những chia sẻ về chìa khóa thành công của điện ảnh Hàn: "20 năm trước, trong giai đoạn mới phát triển điện ảnh, chúng tôi hết sức băn khoăn, không biết làm thế nào để có những phim hay như Hollywood, nhưng dù có cố gắng ra sao chúng tôi cũng khó có thể theo kịp họ. Chi phí làm phim Mỹ gấp Hàn Quốc từ 10 – 100 lần nên kể cả có cố gắng "bắt chước", cũng là bất khả thi. Chính vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh vào nét đặc trưng của nước mình.
Những bộ phim như Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon Ho mang về giải Oscar nhưng thực tế, bộ phim không hề mang tính toàn cầu mà chủ yếu là những hình ảnh, câu thoại mà chưa chắc người nước ngoài đã hiểu. Thế nhưng bộ phim lại đạt được những thành tựu rất đáng mong đợi. Chúng tôi mới nhận ra có lẽ không quá phải "toàn cầu hóa", hay có bất kỳ sự bắt chước hay gồng mình nào. Khi làm nghệ thuật, nên chú trọng vào tính độc đáo. Để phát triển những nền điện ảnh như Việt Nam, hãy tìm lấy thứ mà chỉ có Việt Nam mới sở hữu, đề từ đó lan tỏa ra thế giới".
Xét về yếu tố đời sống đặc trưng của người Việt, Trấn Thành cũng đã cố gắng đưa vào các bộ phim của mình. Như ở phim Nhà bà Nữ, anh nói về tư tưởng bao bọc con cái của cha mẹ phương Đông, cấm đoán con theo đuổi ước mơ của mình. Hay như ở phim Mai, anh đưa ra bối cảnh về xóm trọ với những người dân lao động, người hàng xóm có cách hành xử thô lỗ, chuyên soi mói chuyện nhà bên. Và chính đạo diễn này cũng thừa nhận, khai thác đời sống hàng ngày là quan điểm làm phim ưa thích của anh, kể cả có khiến nhân vật của mình phải nói tục, chửi bậy nhưng nếu đó là đời sống thì anh sẽ làm.
Vậy tại sao, phim Mai vẫn không được đón nhận nồng nhiệt ở quốc tế? Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận định, phim Mai dù vậy vẫn còn nhiều hạn chế, phim lạm dụng những cảnh flashback (hồi tưởng) nặng tính bi kịch dồn dập của nhân vật chính, phần nào đó khiến bộ phim bị kéo tuột khỏi mạch phim hiện đại được xây dựng khá tốt trước đó, nặng tính bi kịch, nhằm "câu" nước mắt của khán giả. Một số chi tiết ngẫu nhiên của số phận trong phim vẫn nặng tính sắp đặt và hơi thiếu thuyết phục về mặt logic.
Rất nhiều nhà chuyên môn tại Việt Nam cũng cho rằng, bộ phim mang nhiều yếu tố đặc biệt ra sao thì cốt lõi kịch bản vẫn là quan trọng. Nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh nói rằng: "Phát triển là thế, song điện ảnh Việt vẫn chưa thoát khỏi sự non trẻ, cái thiếu nhất hiện nay là đội ngũ biên kịch của Việt Nam không nhiều, tìm được kịch bản hay để đưa vào sản xuất vẫn còn vô cùng khó khăn. Để điện ảnh phát triển, đồng nghĩa với thị hiếu của khán giá cũng khác xưa, mong muốn tác phẩm được làm ra có trách nhiệm".
Đồng ý kiến, nhà sản xuất Trinh Hoan nói: "Điện ảnh Việt thiếu một thứ, đó là kịch bản tốt. Theo tôi, việc thiếu một kịch bản chắc tay đến từ hai lý do: thiếu biên kịch giỏi và thiếu đề tài".
Một bộ phim Việt như Mai của Trấn Thành đạt được Top 20 là đáng trân trọng, bởi nỗ lực, đầu tư làm ra một tác phẩm tâm huyết. Nhưng theo các nhà chuyên môn, để hoàn thiện và mang ra thế giới, cần trau chuốt nhiều yếu tố hơn, đặc biệt là khâu kịch bản.
No comments