Phim chiếu mạng độc hại: Kiếm lợi từ sự hỗn loạn không cần biết đúng - sai (Bài 2)
Một số bộ phim ngắn chiếu mạng từ vài phút đến vài chục phút chứa nội dung loạn luân, bạo lực đang gây ra nhiều nỗi lo, bức xúc cho người dân. Những phim mạng độc hại kiểu này thường được hậu kiểm, gỡ bỏ sau khi bị công chúng báo cáo. Nhưng trước khi bị gỡ xuống, nó đã tiếp cận được một lượng người xem. Nhiều phim ngang nhiên tồn tại trên mạng mà chưa bị xử lý.
Theo NSND, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm (Phó Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam) chia sẻ với PV Dân Việt, những phim ngắn trên mạng có mức độ hạn chế về chất lượng và các yếu tố khác.
Câu hỏi đặt ra là điều gì xảy ra nếu những bộ phim ngắn mang tính cá thể được phát hành không chịu sự điều chỉnh của các cơ quan chức năng ngày càng đến với công chúng dễ dàng và nhiều hơn?
Ảnh hưởng của phim chiếu mạng tới công chúng là lâu dài
Còn nhớ một đoạn clip về một người phụ nữ vào quán ăn và có những yêu cầu rất khó chịu và mạt sát nhân viên quán nặng nề, clip nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực (dân mạng gọi là "ném đá") đến mức người trong clip thú nhận đó là cảnh đóng diễn (tất nhiên với người có nghề xem biết ngay đó không phải sự thật).
Trước đây, một bộ phim nội dung giang hồ được thực hiện với sự góp mặt của nhiều tên tuổi giang hồ cộm cán vào các vai diễn trong phim. Tác động của nó tới một bộ phận công chúng là rất khó lường. Sau những bộ phim đó, một vài nhân vật giang hồ đã có một số chuyến thiện nguyện ở vài trường học vùng cao để ủng hộ tiền, tặng bữa cơm nhiều món cho học sinh.
Trớ trêu thay những kẻ vừa trong trại giam ra lại được các thầy cô mời lên nói chuyện với học sinh. Bản thân, Khá Bảnh cũng từng được đón về trường để nói chuyện trước học sinh. Chưa nói đến nguyên do thiếu hiểu biết nào dẫn đến việc này, mà đơn giản là các em được nhìn thấy người trước đó đã xuất hiện trên phim thì đã thay đổi sự tin cậy…
"Sự tồn tại trên nền tảng số với tuổi thọ lâu, tiện ích khi truy cập khiến cho những tác phẩm dạng này có ảnh hưởng lâu dài tới nhiều tầng lớp công chúng, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên trở lên, khi mà năng lực chắt lọc chưa có đủ trải nghiệm và kiến văn mỏng để nhận biết những điều đúng – sai", đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm nhận định.
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm, tính trực tiếp của những dạng phim ngắn khiến cho nhiều người lầm tưởng đó là sự thật hoặc đó là những sản phẩm được phép phát hành, nhất là trong thời điểm mà AI (trí tuệ nhân tạo - PV) đang chớm có những thành tạo bất ngờ nhưng chưa có chế tài.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, người ta có thể tạo ra những clip hoặc phim ngắn với giọng đọc của những BTV, PV có uy tín từ các đơn vị truyền thông Nhà nước chỉ bằng công nghệ giọng nói mã hóa.
Thậm chí, có cả những quảng cáo dạng phim ngắn được dẫn dắt bởi các MC nhà Đài mà không dễ để nhận biết là sản phẩm của cắt ghép. Sự góp mặt của quá nhiều sản phẩm clip ngắn từ tin tức đến phim tài liệu, tình huống đó sẽ tạo ra một trường hỗn loạn bủa vây quanh những thông tin có giá trị thực.
Chia sẻ với Dân Việt về phim ngắn trên mạng, đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, ai cũng có thể "làm phim ngắn", mà thực chất là các tiểu phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, khai thác yếu tố bạo lực, tình dục hoặc các mảng miếng hài một cách thái quá, thậm chí là lố bịch với những màn giả gái để câu view (lượt xem - PV)...
Những "phim ngắn" kiểu này lại thường được thuật toán của các nền tảng hỗ trợ, lan tỏa, thu hút đông đảo khán giả là những thanh thiếu niên mới lớn theo dõi.
"Điều này sẽ để hệ lụy rất lớn đến tư duy, thẩm mỹ và lối sống của cả một thế hệ. Có thể nói, những dạng phim kiểu đó là một thứ "rác văn hóa", chứ không thể được xem là một phim ngắn chuẩn chỉnh cả về nội dung và hình thức biểu đạt", đạo diễn Dũng Nghệ khẳng định.
Nói về ảnh hưởng của các phim ngắn trên mạng chứa nội dung loạn luân, bạo lực và xã hội đen đang gây ra nhiều lo ngại và bức xúc trong cộng đồng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đưa ra nhận định: "Tình trạng phim ngắn độc hại ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của người xem, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên khi việc tiếp xúc với những nội dung này có thể làm tăng nguy cơ hành vi bạo lực, gây ra vấn đề về tâm lý và hành vi không phù hợp đối với một số đối tượng. Phim ngắn chứa nội dung không lành mạnh cũng có thể lan truyền các vấn đề xã hội tiêu cực như bạo lực, tội phạm và tư duy không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến các giá trị văn hóa và đạo đức của xã hội".
Ai được lợi từ sự hỗn loạn trên không gian mạng?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm thông tin rằng, một bộ phim ngắn hay clip khi có lượng tương tác cao thì chức năng thương mại được kích hoạt, nó đem đến lợi ích kinh tế cho cả nhà mạng, chủ app, nền tảng lẫn chủ thể sản phẩm. Chính việc này đem đến sự ra đời của các sản phẩm lấy mục đích thu nhiều tương tác là chính chứ không quan tâm đến đúng - sai. Sự đúng - sai không ảnh hưởng trực tiếp tới chính trị hay kinh tế quốc dân thì thường những nền tảng này bỏ qua và không đánh gậy hoặc cho sập ứng dụng.
Bày tỏ quan điểm trước vấn nạn phim mạng độc hại hiện nay, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm bộc bạch: "Trước khi cùng bàn về biện pháp đối phó thì hãy cùng nhìn ra thế giới, một không gian tự do ngôn luận không hẳn là chấp nhận mọi thứ tung lên mạng.
Câu chuyện của những sản phẩm trên mạng không chỉ dừng lại ở những clip ngắn với nội dung độc hại nữa, mà nó thực sự cần nhìn nhận ở góc độ quy ước về tác động tiêu cực từ những sản phẩm này. Thực tế thì con người đứng giữa những làn nước trong đục có thể hình thành năng lực nhận biết và đối ứng. Nhưng đó không phải là câu chuyện dễ dàng với mỗi người. Và với vị trí ngày càng độc tôn của các nền tảng số truyền thông thì đây sẽ còn là câu chuyện dài với những tiếp biến phức tạp nữa.
(Còn tiếp)
No comments