Breaking News

Chuyện tình đặc biệt phía sau những ca khúc cách mạng nổi tiếng

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật, được ông sáng tác trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại vào năm 1969. Năm 1971, tác phẩm được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và trở thành ca khúc nhạc Đỏ phổ biến, in sâu trong tâm hồn của người nghe nhiều thế hệ.

"Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây".

Tạ Quang Thắng và Thùy Chi thể hiện ca khúc "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" trong "Giai điệu tự hào". (Clip: YouTube Tạ Quang Thắng)

Theo chia sẻ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, bài thơ được sáng tác tại làng Cổ Giang, tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ một câu chuyện tình có thật. Khi ấy, một anh lính ở phía Tây Trường Sơn yêu cô y tá đang làm nhiệm vụ tại phía Đông Trường Sơn. Trong lần ngồi chung xe, anh liên tục kể với nhà thơ về cô gái ấy. Sau khi ra đời, bài thơ được bộ đội và thanh niên xung phong trên chiến trường chép lại, để trong túi áo để học thuộc.

Câu hò bên bờ Hiền Lương

Câu hò bên bờ Hiền Lương được nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết vào năm 1956, khi tác giả đang sống xa quê hương An Giang. Một buổi chiều, ông gặp anh gác đèn biển Cửa Tùng (Quảng Trị), cũng là người miền Nam tập kết ra Bắc. Khi họ cùng ngắm cảnh biển, anh bỗng tâm sự với nhạc sĩ: "Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy. Có vài lần, tôi trông thấy ai như vợ con tôi đang từ trong xóm ra bãi biển để nhận cá mang ra chợ bán như hồi tôi còn ở làng bên ấy. Tôi muốn kêu to lên gọi tên vợ con tôi nhưng kêu sao được".

Ca sĩ Trọng Tấn thể hiện ca khúc "Câu hò bên bờ Hiền Lương". (Clip: YouTube Trọng Tấn)

Những tâm sự của anh đã khiến trong đầu người nhạc sĩ đột nhiên vang lên những âm thanh đầu tiên. Câu hò bên bờ Hiền Lương ra đời mang đậm chất trữ tình nhẹ nhàng, thấm sâu vào lòng người nghe. Ca khúc cũng trở thành tác phẩm cổ vũ chiến sĩ bên chiến tuyến và nhân dân hậu phương thêm quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Hành khúc ngày và đêm

Hành khúc ngày và đêm (nhạc: Phan Huỳnh Điểu - Bùi Công Minh) luôn được coi là bản tình ca nồng cháy, hào hùng của những người thanh niên hế hệ chống Mỹ. Cho tới nay, ca khúc vẫn thường được sử dụng trong các sự kiện chính trị - xã hội trên khắp đất nước.

Ca khúc "Hành khúc ngày và đêm" do NSND Quốc Hưng và NSND Trần Hiếu thể hiện. (Nguồn: YouTube NSND Quốc Hưng)

Nhà thơ Bùi Công Minh từng kể lại, vào năm 1968, ông được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong các đêm lửa trại, những người trẻ thường kể cho nhau nghe những câu chuyện tình yêu. Trong số đó, ông ấn tượng với câu chuyện một nữ sinh nhận được thư người yêu gửi về từ chiến trường. 

Đồng cảm với cô gái bởi bản thân cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự, nhà thơ Bùi Công Minh đã viết nên tác phẩm "Ngày và đêm". Tới năm 1972, khi tình cờ đọc được bài thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ngay lập tức quyết định phổ nhạc, đổi tên thành "Hành khúc ngày và đêm". Ông muốn gửi tặng con trai - một anh bộ đội công binh đang có người yêu làm giáo viên tại Hà Nội. 

Ngay sau khi ra đời, bài hát đã lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần của các chiến sĩ trên chiến trường cũng như những người ở hậu phương đang làm nhiệm vụ sản xuất, cống hiến xây dựng đất nước.

Tàu anh qua núi

Ca khúc Tàu anh qua núi ra đời năm 1977, trong chuyến công tác của NSND Thanh Hoa và người chồng đầu tiên của bà - nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Bà từng kể lại, thời điểm đó việc đi tàu rất vất vả, cứ hết một ga lại phải đợi đến 3, 4 tiếng mới được đi tiếp. Khi đi đến đèo Hải Vân, người trưởng tàu tên Quý bỗng kéo một hồi còi rất dài rồi cho dừng tàu, sau đó anh có cuộc trò truyện với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Theo lời anh kể, người yêu anh đã hy sinh ở đoạn đèo khi gỡ mìn để nối đường ray. Cũng bởi vậy, mỗi lần qua đèo, anh đều kéo một hồi còi dài để tưởng nhớ.

Ca khúc "Tàu anh qua núi" do NSND Thanh Hoa  thể hiện. (Clip: YouTube Tiếng hát còn xanh mãi)

Sau đó, ngay trong đêm, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã sáng tác bài Tàu anh qua núi để tặng người trưởng tàu. Đến 8 giờ sáng hôm sau, ca khúc chính thức được hoàn thành.

Tác phẩm sau đó trở thành bản tình ca bất hủ, gắn liền với tên  tuổi NSND Thanh Hoa. Sau này, bài hát còn được một số ca sĩ thể hiện như: Anh Thơ, Trọng Tấn, Thu Minh...

No comments

Khau Trang Y Te