Breaking News

Kể chuyện làng: Thương tiếng leng keng của cà rem đổi dép

Anh trai bảo, mùa này mà vừa hái xoài chua nhà bà Triền vừa cắn ngập que kem trong cái tê răng nhíu mắt thì vui hết sẩy. Tôi nhìn sang, thấy nắng đang lén leo lên mái đầu sớm lốm đốm muối tiêu vì vất vả của anh, chợt nhớ tới tuổi thơ dữ dội của những ngày xưa lúc cả hai tóc còn để chỏm: Cái thời mà cây kem vẫn được gọi là cà rem và tiền thì được định giá bằng những đôi dép đứt…

Ngày ấy vui lắm, những niềm vui giản đơn của đứa trẻ nông thôn chỉ cần vài ba thứ quà ăn vặt là đủ sung sướng cả buổi. Tôi nhớ mình hay chạy chân trần theo anh trai, nhướn dáng người lùn tịt để cố với tới cái thùng cà rem sau xe đạp chú Sáu. Lúc bọn bạn tản ra, mỗi đứa cầm một que hít hà, tôi bất giác nhìn xuống đất, cọ hai chân không dép, bẹp miệng khóc òa.

Kể chuyện làng: Thương tiếng leng keng của cà rem đổi dép- Ảnh 1.

Que cà rem ngày nào. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Anh trai vốn không tính mua, thấy vậy lúng túng tháo một chiếc dép đang mang, đổi cho tôi được nửa cây sứt sẹo. Nước mắt tôi quyện cùng chút cà rem tan chảy dưới nắng, ăn lem nhem như một chú mèo lười. Anh thấy vậy cũng bật cười, nhưng về đến nhà phải khóc liền: Ba đánh anh mấy roi vì tội làm rơi mất giày.

Nhà thiếu ăn nhưng "thừa" nhân khẩu nên hai anh em đang tuổi lớn luôn vần vò đói bụng. Những cây cà rem được đổi bằng dép lúc đó trở thành thức quà cứu đói, mang chút đường vỗ về dạ dày trống hoác của chúng tôi, thần kì đến nỗi khi giờ này nghĩ lại vẫn như còn thấy vị ngọt ngào thấm đẫm môi lưỡi. Tuổi thơ của tôi cũng vì vậy mà luôn đong đầy tiếng leng keng từ thùng cà rem của chú Sáu. Tiếng rao dạo vang trong gió, luồn qua tán cây bàng trước làng, kéo chân tôi chạy theo như một thói quen vô thức.

Buồn cười là dù có dép để đổi hay không thì tôi cũng muốn xúm xít lại quanh thùng cà rem lành lạnh, như thể chỉ cần đứng gần nó một chút, hít nhiều hơi từ đó một xíu thì sẽ no căng bụng vậy. Chú Sáu lắm lúc mủi lòng liền cho hai anh em một que cà rem còn dư cuối buổi bán. Có lẽ ánh mắt của chúng tôi khi đó đã ảnh hưởng tới chú Sáu cũng nên: Thứ ánh mắt đơn thuần nhưng đầy khát vọng rực cháy.

Trong xó bếp nhà tôi có một ngách nhỏ. Đó là "căn cứ" bí mật của hai anh em. Chúng tôi giấu những đôi dép đứt lượm được ngoài bãi rác, chờ gom đủ số lượng sẽ đem đi đổi cà rem. Có năm vào 27 Tết, mẹ dọn dẹp nhà cửa, lôi được đống dép cũ bị chuột cướp làm ổ ra, tức quá đánh chúng tôi một trận nhừ tử. Hai anh em sau đó bị phạt khoanh tay đứng úp mặt vào xó đấy một buổi. Đến giờ nhớ lại, tôi còn thấy ong ong cả đầu vì như ngửi được cái mùi ẩm thấp của dép cũ xộc vào cánh mũi.

Kể chuyện làng: Thương tiếng leng keng của cà rem đổi dép- Ảnh 2.

Tôi ngó ra con đường trước nhà, nhưng chẳng còn tiếng cà rem ngày xưa nữa. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Anh lớn dần rồi đi học xa. Có năm Tết không về nhà vì phải ở lại phụ quán nước trên thành phố. Tôi ngồi trước hiên ngóng nhìn ra đầu ngõ, mắt ảm đạm vì chẳng thấy bóng anh. Xe đạp của chú Sáu vẫn leng keng, nhưng tôi chẳng muốn chạy theo nữa. Xó nhà sạch sẽ hơn, chỉ dư lại hai đôi dép cũ tôi để dành chờ anh về cùng đi đổi cà rem như dạo trước. Thế nhưng tới khi tiếng leng keng đã vẳng xa, cửa nhà lại chẳng bật ra với câu nói "Anh đã về" như mong ước. Lúc ấy, nước mắt chợt trào khỏi mí. Tôi nghĩ chắc đây cũng giống câu thơ hôm nọ cô giáo dạy: "Mẹ chưa đánh roi nào đã khóc". Có lẽ, nước mắt đã trở thành thứ ngôn ngữ thay thế khi mọi câu nói trở nên khó diễn đạt nổi bằng lời.

Năm tôi vừa tốt nghiệp thì ba mất. Tết đó nhà vắng teo. Anh trai xoa đầu tôi, lén dúi vào tay tôi que cà rem ướp lạnh. Tôi không còn thèm đường vì đói bụng nữa nhưng vẫn chậm rãi ăn. Nước mắt lại quyện cùng chút kem chảy ra, pha mặt tôi thành bảng màu loang lỗ. Anh lại bật cười như lúc nhỏ, nhưng trong mắt thì đỏ hoe ươn ướt. Lần này, sẽ chẳng phải khóc vì bị đánh đòn nữa rồi. Nhưng sao mà… tim chúng tôi lại đau đớn quá đỗi!

Rồi nhiều năm trôi qua chẳng chờ tôi kịp lành hẳn vết sẹo ký ức. Mẹ già đi như vốn dĩ phải thế. Đôi chân mẹ bị tê cứng không còn đi lại được. Xó bếp hôm 27 Tết cũng chẳng còn tinh tươm như ngày bé. Đêm 29 Tết, anh em tôi về nhà, đốt cho ba cây nhang, rồi lụi cụi dọn mớ mạng nhện trong góc, chợt rưng rưng mắt khi thấy lại hai đôi dép ngày nào.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.

No comments

Khau Trang Y Te