Breaking News

Góc nhìn khác biệt về thời chống Mỹ trong cuốn truyện tranh "Sống" của 2 cô gái Pháp

Câu chuyện lớn, nhiều lớp lang trong một cuốn truyện tranh

Khi xuất bản lần đầu tại Pháp, tác phẩm "Sống" được định danh là truyện tranh, nhưng khi Nhà Xuất bản Kim Đồng giới thiệu bản tiếng Việt. Một số nhà văn, nhà phê bình nhìn thấy dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết bởi câu chuyện đồ sộ, nhiều lớp lang. Đặc biệt, người viết ra câu chuyện là Hải Anh - một cô gái Pháp gốc Việt, còn người vẽ tranh là nữ hoạ sĩ người Pháp - Pauline Guitton. 

Tại sự kiện Giao lưu ra mắt sách "Sống" do Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức mới đây, đại diện Nhà xuất bản cho biết, “Sống” là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái về những ký ức ly kì xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu.

Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách song song khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ: Một là cô thiếu nữ tên Linh trong ký ức người mẹ, cô gái trẻ ấy cố gắng thích nghi và hoà mình vào cuộc sống tại chiến khu. Hai là một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và về cội nguồn. 

Góc nhìn khác biệt về thời chống Mỹ trong cuốn truyện tranh "Sống" của 2 cô gái Pháp- Ảnh 1.

Hải Anh (bên phải ảnh) là tác giả Việt kiều Pháp và nữ họa sĩ người Pháp Pauline Guitton. Ảnh: NXB Kim Đồng

Trong đó, tuyến quá khứ là bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cam go những năm 1969-1975. Cô gái tên Linh đã đánh liều đốt hết giấy tờ tùy thân để được ở lại chiến khu cùng ba là một nhà làm phim tài liệu. Lúc đó, cô bé Linh đang giận mẹ, ghét mẹ vì đã bỏ đi lấy người khác sau 10 năm bặt tin chồng. Về sau, ở tuổi trung niên, nhân vật Linh mới hiểu đó là hậu quả đầy day dứt do chiến tranh gây ra.

Trong suốt 7 năm ở chiến khu với các chiến sĩ cách mạng, Linh dần trưởng thành và dấn thân vào con đường điện ảnh. Không khí chiến tranh hiện lên trong những mảnh ký ức không quá căng thẳng nhưng đủ thấy sự khốc liệt qua sự thiếu thốn, khó khăn của đời sống trong rừng. Những chi tiết bếp Hoàng Cầm, ngụy trang thời ấy đã được miêu tả chân thực và sinh động bằng tranh.

Tuyến hiện tại là cô gái Hải Anh mang dòng máu Việt sinh ra và lớn lên trên đất Pháp. Hải Anh luôn cảm thấy có những khoảng cách với người mẹ hiện tại và quá khứ, cội nguồn Việt Nam. Dần dần qua những lần kể chuyện không liền mạch của người mẹ, Hải Anh hiểu được phần nào thời niên thiếu ly kỳ và gian khổ của mẹ gắn với bối cảnh lịch sử của dân tộc. 

Nhà văn Đỗ Bích Thuý cho biết, chị đã 3 lần đọc cuốn "Sống", 1 lần chỉ đọc chữ, 1 lần chỉ xem tranh và cuối cùng là cả tranh và chữ. Nhà văn cho rằng, đây là cuốn truyện tranh nhưng có tinh thần tiểu thuyết bởi đã truyền tải một câu chuyện lớn, nhiều lớp lang, khiến người ta phải đọc đi đọc lại.

"Tính chất điện ảnh trong cuốn sách rất rõ. Tôi rất thích những đoạn kể về cô gái Linh đi làm phim tài liệu, câu chữ tiết chế nhưng dung lượng cảm xúc, thông tin rất lớn. Một người quen viết tiểu thuyết như tôi nhận thấy rằng, đôi khi không cần viết nhiều, nói nhiều nhưng cũng có thể đem đến rất nhiều cảm xúc cho người đọc về tình cảm gia đình, tình yêu đất nước..." - nữ nhà văn chia sẻ. 

Góc nhìn khác biệt về thời chống Mỹ trong cuốn truyện tranh "Sống" của 2 cô gái Pháp- Ảnh 2.

“Sống” đã góp phần tái hiện lịch sử của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở một góc nhìn ít được nhắc đến, chính là câu chuyện về một cô gái sống ở chiến khu cùng với cha mình và đồng đội. Ảnh: NXB Kim Đồng

Góc nhìn khác biệt về thời chống Mỹ trong cuốn truyện tranh "Sống" của 2 cô gái Pháp- Ảnh 3.

Bìa cuốn sách "Sống". Ảnh: NXB Kim Đồng

Tìm lại nguồn cội Việt Nam qua truyện tranh 

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách "Sống" ở Hà Nội, tác giả Hải Anh cho biết, từ khi 4, 5 tuổi, cô đã thường xuyên được nghe mẹ kể về quãng thời gian 7 năm sống trong rừng, làm việc trong chiến khu. Những câu chuyện tủn mủn đó được Hải Anh chia sẻ với bạn bè ở Pháp. "Khi nghe tôi kể mẹ tôi từng sống trong rừng, nhiều bạn bè người Pháp của tôi ngạc nhiên lắm", cô cho biết.

Hải Anh chia sẻ thêm, cô may mắn vì hầu như năm nào cũng được về Việt Nam vào mỗi dịp hè, sống cùng với ba. Tuy ba mẹ chia tay nhau, nhưng họ luôn tạo điều kiện cho cô tìm hiểu về nguồn cội qua việc học tiếng Việt từ nhỏ. 

"Việt Nam là văn hoá của ba mẹ, tuy rằng tôi sống ở Pháp nhưng luôn muốn gần gũi Việt Nam, Việt Nam cũng là nhà của tôi. Việc viết cuốn sách "Sống" cũng giống như Hải Anh tìm lại nguồn cội của chính mình, dù rằng chúng tôi chưa bao giờ sáng tác truyện tranh. Nhưng ba mẹ luôn luôn nói với Hải Anh rằng muốn thì sẽ làm được" - Hải Anh chia sẻ. 

Góc nhìn khác biệt về thời chống Mỹ trong cuốn truyện tranh "Sống" của 2 cô gái Pháp- Ảnh 4.

Nữ tác giả Hải Anh chia sẻ với độc giả tại lễ ra mắt sách "Sống", bên phải ảnh là đạo diễn Việt Linh - mẹ của Hải Anh; bên trái ảnh là hoạ sĩ Pauline Guitton. Ảnh: NXB Kim Đồng

Có mặt tại buổi ra mắt cuốn sách, Đại sứ Pháp Olivier Brochet nhận định, truyện tranh có vị trí quan trọng ở Pháp với lịch sử phát triển lâu dài, nhiều tác phẩm thành công rực rỡ trên toàn cầu. Pháp cũng tổ chức Liên hoan truyện tranh uy tín tại Angoulême và "Sống" đã đoạt giải ở liên hoan danh giá này. 

“Tôi đọc cuốn sách thấy rất vui, cảm động. Với tôi, đây không đơn thuần là truyện tranh mà nó có tính chất tiểu thuyết. Câu chuyện chiến tranh gợi lại không gian Việt Nam những năm 1960, 1970 nhưng có cách nhìn gần gũi" - Đại sứ nói. 

Đạo diễn Việt Linh, cũng là mẹ của tác giả Hải Anh xúc động cho biết, không ngờ những câu chuyện lặt vặt bà kể mỗi ngày lại gây ấn tượng cho con gái để rồi góp nhặt thành "Sống". Hải Anh đã về Việt Nam sống 9 tháng trời để "ngửi" không khí Việt Nam, cảm nhận hơi thở sống tại Việt Nam. 

"Đọc sách của con, tôi thấy có 3 điều đặc biệt. Thứ nhất, mẹ với con là bạn, khi tôi là phụ nữ đơn thân nuôi con, tôi đã học cách làm bạn với con. Thứ 2, trẻ con lưu nhớ hết những gì chúng ta kể, có đôi khi là những câu chuyện đáng yêu, có đôi khi nguy hiểm vì không phải bài học nào cũng hay ho. Thứ 3 là bớt sân si. Nếu bạn ghét ai đó thì hãy thử nghĩ xem mình sắp chia li người đó, biết đâu sự ghét sẽ khác" - bà nói.  

Góc nhìn khác biệt về thời chống Mỹ trong cuốn truyện tranh "Sống" của 2 cô gái Pháp- Ảnh 5.

Cô thiếu nữ tên Linh trong truyện chính là đạo diễn Việt Linh bây giờ (Mê thảo thời vang bóng), đồng thời chính là mẹ của tác giả Hải Anh. Ảnh: NXB Kim Đồng

Góc nhìn khác biệt về thời chống Mỹ trong cuốn truyện tranh "Sống" của 2 cô gái Pháp- Ảnh 6.

Hai nữ tác giả người Pháp chụp ảnh kỷ niệm cùng các biên tập viên của NBX Kim Đồng trong buổi lễ ra mắt sách.

No comments

Khau Trang Y Te