Breaking News

Ca sĩ Việt cầm đũa trên bàn tiệc Mỹ: “Phụ nữ châu Á được tôn sùng bởi quan niệm sai lầm về sự nhu mì"

Năm 15 tuổi, Diễm Quỳnh (Juliet) đặt chân tới Mỹ. Tại một nền văn hóa khác biệt, cô gái trẻ trải qua những bài học đầu đời, bao gồm các vấn đề khác nhau về giới tính, chủng tộc. Trong hành trình đó, cô gái sinh năm 2000 luôn biết ơn gia đình bởi họ trao cô cơ hội được khám phá thế giới, nhưng cũng ghi nhớ mình là người Việt.

Không chỉ mang những nét văn hóa phương Đông vào các sản phẩm âm nhạc phát hành trên các nền tảng nhạc số, Juliet còn khẳng định nguồn gốc của cô ở những hành động thường ngày, ví dụ đơn giản như dùng đũa. Trò chuyện với Dân Việt, nữ ca sĩ sinh năm 2000 khẳng định: "Di sản văn hóa đối với tôi vừa là một đặc ân, vừa là quyền lợi. Nó là một phần trong con người tôi, chứ không phải một vai diễn tôi đang tham gia, hay một trang phục tôi khoác vào người".

Vừa theo học ngành thiết kế đồ họa tại Savannah College of Art and Design, Juliet vừa say mê sáng tác nhạc và biểu diễn tại các tụ điểm biểu diễn nhỏ của New York. Cô cũng sở hữu cộng đồng Indie của mình trên kênh nghe nhạc trực tuyến Spotify với hơn 30.000 người nghe hàng tháng cho các bản phát hành trong năm 2023. Mới đây, nữ ca sĩ trẻ vừa cho ra mắt sản phẩm mới – ca khúc mang tên Any Other Way.

Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với cô về âm nhạc, cũng như cuộc sống của Juliet tại Mỹ.

Ca sĩ Việt cầm đũa trên bàn tiệc Mỹ: “Phụ nữ châu Á được tôn sùng bởi quan niệm sai lầm về sự nhu mì"- Ảnh 1.

Hình ảnh Juliet cầm đũa trên bàn tiệc kiểu Mỹ. (Ảnh: Đức Việt)

Di sản văn hóa với tôi là một đặc ân

Hình ảnh Juliet cầm đũa ngồi bên chiếc bàn bày đồ ăn kiểu Mỹ gây ấn tượng với đông đảo người xem. Đây có lẽ không chỉ là một sắp đặt ẩn dụ cho sự pha trộn của văn hóa Đông Tây, mà còn phần nào cho thấy việc khẳng định bản sắc phụ nữ Việt tại một quốc gia nhiều chủng tộc. Ngoài đời, bản sắc đó được khẳng định như thế nào?

- Trước hết, ngoài đời, tại Mỹ, tôi cũng ăn bằng đũa.

Còn trong mỗi tác phẩm, tôi đương nhiên cần khiến thông điệp của mình trở nên rõ ràng, bởi đó là bản chất của phương tiện biểu đạt. Là một nghệ sĩ, nghệ thuật trở thành mục đích sống của tôi, sáng tạo nghệ thuật cũng chính là việc tôi làm trong đời thực. Với riêng hình ảnh này, đôi đũa không phải là thứ dùng để thể hiện nền văn hóa – mà với tôi, đó là chủ nghĩa tượng trưng không mang cảm giác chân thành. Trên thực tế, nó như một phép ẩn dụ cho cách tôi tham gia vào nền văn hóa Mỹ. Bữa ăn là nước Mỹ, tay cầm đũa là tôi. Thật khó xử và lạc lõng – đó cũng chính là cảm giác của tôi khi là người nước ngoài ở quốc gia này.

Di sản văn hóa Việt, đối với tôi vừa là một đặc ân, vừa là một quyền lợi. Gọi đó là đặc ân bởi tôi được tham gia vào đó. Trong cộng đồng những người Việt, chúng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng kỷ niệm những ngày lễ lớn. Gọi là quyền bởi đó là thứ không thể bị lấy đi khỏi con người tôi, tôi sinh ra với nó, nó tồn tại trong tôi, hoàn toàn không giống một vai diễn hay một chiếc áo khoác lên người.

Trong một cuộc trò chuyện, bạn có thổ lộ rằng, năm 15 tuổi, khi tới Mỹ, bài học đầu tiên của bạn là về cách đọc suy nghĩ của người Mỹ: Người Mỹ nhìn nhận phái nữ thế nào? Người Mỹ nhìn nhận phụ nữ châu Á ra sao? Vậy rốt cuộc, câu trả lời của câu hỏi này là gì?

- Câu trả lời của tôi cho vấn đề này luôn thay đổi, bởi vì vai trò của phụ nữ, trong đó có phụ nữ châu Á ở quốc gia này cũng luôn thay đổi.

Gần đây nhất, những điều đáng báo động đã xảy ra. Trên khắp nước Mỹ, các bang đang thông qua luật hạn chế quyền phá thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Sự rao giảng của các phương tiện truyền thông về quyền của nam giới được thỏa mãn tình dục từ phụ nữ là mối đe dọa thực sự đối với việc giáo dục đạo đức cho các chàng trai và cô gái trẻ. Những nỗ lực nhằm khơi dậy làn sóng nữ quyền mới có nguy cơ bị cuốn vào chủ nghĩa tư bản Mỹ, biến thành thứ mà thế hệ tôi hay gọi là "chủ nghĩa nữ quyền doanh nghiệp", vốn tồn tại chủ yếu để bán sản phẩm và duy trì nền văn hóa gấp gáp, không lành mạnh dưới chiêu bài trao quyền.

Trong bối cảnh này, phụ nữ châu Á đang ở một vị trí thú vị. Trong lịch sử, người gốc Á ở Mỹ bị coi như một "nhóm thiểu số kiểu mẫu", một cái cớ để chống lại và áp bức những người da màu khác. Phụ nữ châu Á bị tôn sùng bởi những quan niệm sai lầm về sự nhu mì và phục tùng. Thế nhưng, khi mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn về điều kiện lịch sử và xã hội dẫn đến điều này, tôi đã thấy những người phụ nữ châu Á tại đây ngày càng phát triển mạnh mẽ bằng tiếng nói của chính mình, họ khẳng định cái tôi và hòa nhập một cách chính thống vào nước Mỹ.

Trong lời giới thiệu ca khúc I Know It All, bạn có viết: "Tôi phát hành ca khúc này vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Bài hát mô tả sự kết thúc của một mối quan hệ không thành. Tuy nhiên, thực tế là nhiều phụ nữ bị mắc kẹt trong những mối quan hệ tồi tệ vẫn không chịu rời bỏ. Họ sợ hãi, họ choáng váng, họ bị đè nặng bởi những ý tưởng gia trưởng về vai trò phụ nữ, nghĩa vụ và sự hy sinh cũng như vết nhơ của một người phụ nữ bị khinh miệt". Đây có vẻ là ca khúc dành cho những người phụ nữ Việt Nam. Tuy vậy, thực tế là bạn đã rời Việt Nam từ năm 15 tuổi. Thói quen sinh hoạt, cách yêu của người phụ nữ Việt hiện nay cũng đã khác rất nhiều. Liệu cái nhìn về người họ thông qua đôi mắt của bạn có bị cũ kỹ?

- Đương nhiên, mọi thứ đã thay đổi so với năm 2016 – thời điểm tôi đi du học. Thế nhưng, sự thay đổi này đã đủ chưa? Nó đủ lan rộng chưa, hay nó chỉ diễn ra ở khu vực thành thị và tầng lớp trung lưu, nơi phụ nữ có đủ nguồn tài chính để bỏ chồng? Bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, vẫn còn xảy ra ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam. I Know It All kể về câu chuyện của họ, không chỉ riêng một quốc gia nào.

Nói chung, tôi cảm thấy có một chút khác biệt giữa mình và các bạn đồng trang lứa tại Việt Nam, nhưng không phải là khác biệt lớn. Tôi về Việt Nam rất thường xuyên, cập nhật tin tức trên Internet và luôn theo dõi các đồng nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những người trong ngành âm nhạc. Ngoài ra, tôi là một phụ nữ Việt Nam, quan điểm của tôi tuy không đại diện cho tất cả nhưng vẫn là quan điểm của một phụ nữ Việt Nam thực thụ. 

Tại Mỹ, có khi nào bạn bị kỳ thị khi là một cô gái da vàng? Điều đó có tạo ra cho bạn những khó khăn hay cản trở?

- Tôi may mắn gặp được nhiều người tử tế hơn là những kẻ mù quáng. Phần lớn những người tôi đã tiếp xúc đều lịch sự, cởi mở và tôn trọng. Tuy nhiên, tôi và những người bạn châu Á của tôi cũng trải qua không ít trải nghiệm với những thành kiến ác ý và vô ý: quấy rối trên đường phố, tiêu chuẩn kép trong môi trường học thuật... Nó đã khiến tôi thất vọng.

Cũng bởi những nguyên nhân này, tôi từng làm việc chăm chỉ gấp đôi, cố gắng nói năng lưu loát gấp đôi chỉ để thể hiện sự quyết đoán, thông minh và năng lực của mình. Ở thời điểm hiện tại, tôi đơn giản hơn, chỉ áp dụng một quy tắc chung là tránh những kẻ phân biệt chủng tộc khi có thể. Thời gian rất quý giá, tôi không muốn lãng phí chúng cho những kẻ không xứng đáng.

Ca sĩ Việt cầm đũa trên bàn tiệc Mỹ: “Phụ nữ châu Á được tôn sùng bởi quan niệm sai lầm về sự nhu mì"- Ảnh 2.

Một hình ảnh của Juliet trong ca khúc "Any Other Way". (Ảnh: Hà Trần)

Ai cũng sẽ thấy cô đơn, lạc lõng

Mới đây, bạn vừa cho ra mắt sản phẩm mới – Any Other Way. Hãy chia sẻ đôi chút về ca khúc này?

- Có thể nói Any Other Way là bài hát vui vẻ đầu tiên của tôi, khi mà tất cả các sáng tác trước đó đều mang phong vị khá buồn bã. Về bản chất, tôi là một người hoài nghi, nhưng ca khúc này lại có cái nhìn đầy hy vọng về tình yêu và các mối quan hệ. Tôi tin rằng, hầu hết các kết nối đều đi kèm với sự mất mát, bất an và sợ hãi, nhưng cũng mang đến cho chúng ta những món quà, đó có thể là một người bạn tâm giao, một cảm giác hồi hộp, phấn khích, là mong muốn được sống tốt đẹp hơn. Tại đó, ta giữ lại những khía cạnh tốt bởi chúng làm cho phần xấu xí trở nên xứng đáng. Sự không chắc chắn của những mối quan hệ cũng chính là cái giá mà chúng ta phải trả để yêu, để có cảm giác mình đang được sống.

Any Other Way hiện lên trong đầu tôi khi đang giặt đồ. Lúc ấy, tôi đang ở Việt Nam và làm một số việc nhà cho mẹ. Đột nhiên, giai điệu xuất hiện trong tôi. Sau câu đầu tiên, tôi nhận ra mình ngân nga một điều gì đó mới mẻ và hay ho, liền chạy khắp nhà tìm điện thoại và ghi âm. Toàn bộ giai điệu của bài hát được hoàn thành trong 3 phút tiếp theo, rồi tôi hoàn toàn quên mất nó. Nhiều tháng sau, khi trở lại Mỹ, tôi mới nảy ra ý tưởng về lời bài hát. Cũng bởi vậy, tôi tìm lại bản ghi âm này, sau đó nhanh chóng hoàn thành ca khúc.

Nhìn một cách tổng thể, đâu là chủ đề chính trong các sáng tác của Juliet?

- Chính là bản thân tôi thôi. Và thực sự, tôi nghĩ mọi nghệ sĩ đều viết về bản thân mình, bởi cốt lõi nghệ thuật chính là một hình thức thể hiện bản ngã. Tôi thích quan sát những thói quen xấu của riêng tôi, sau đó chỉ ra chúng. Có thể đây là một cách để tôi trưởng thành hơn, hoặc ít nhất là thừa nhận vấn đề, rồi khắc phục chúng.

Trong Let’s Stay in Love, tôi viết về quán tính của mình, về nỗi sợ thay đổi dẫn đến việc tôi rơi vào tình trạng ngày càng tồi tệ: "Hãy cứ yêu nhau/Một cặp đôi còn nên làm gì khác chứ?" Sự bướng bỉnh này đã dẫn cả tôi và người bên tôi đến một kết cục tồi tệ: "Nếu có đáng nguyền rủa, tôi thà bị nguyền rủa cùng với anh". Trong Michelangelo, tôi nói về sự thiếu sẵn sàng về mặt cảm xúc của mình và xu hướng ẩn sau những lời hoa mỹ trí tuệ để không phải đối mặt với cảm xúc chân thật bên trong: "Họ chưa bao giờ dạy tôi ở trường rằng phải làm gì khi bạn bắt đầu khóc". Trong dự án mới của tôi, Any Other Way, tôi nói về việc đối mặt với nỗi sợ hãi trong một mối quan hệ và nhận ra rằng nỗi sợ hãi và những cảm xúc mạnh mẽ đi kèm với nó không phải là điều xấu, đó đơn giản là một phần của cuộc sống.

Tôi viết rất nhiều bản tình ca, nhưng nếu mỗi bản tình ca đều là sự thật thì chắc hẳn tôi đã có một đời sống tình cảm vô cùng sóng gió (cười). Thật ra, cảm hứng của các tác phẩm này đều đến từ những mối quan hệ trong văn học, thi ca và những chương trình truyền hình. Tôi thích lấy chúng làm bối cảnh cho các tác phẩm của mình, sau đó dệt nên câu chuyện bằng quan điểm cá nhân của tôi, làm mờ đi ranh giới giữa hiện thực và hư cấu.

Ca khúc "Any Other Way" của Juliet. (Clip: YouTube Juliet)

Có thể thấy những chất liệu nghệ thuật, văn học rất đỗi đặc trưng trong các tác phẩm Juliet đã công bố. Bạn đã đưa chúng vào trong các tác phẩm như thế nào?

- Thiết kế đồ họa là chuyên ngành học của tôi tại trường đại học. Ở thời điểm hiện tại, vốn kiến thức này ngày càng trở nên hữu ích. Là một nghệ sĩ nhỏ, tôi không có quá nhiều tiền cho mỗi sản phẩm. Kiến thức về thiết kế giúp tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí cho việc tái đầu tư vào sản xuất âm nhạc. Bên cạnh đó, nó cũng giúp tôi có toàn quyền kiểm soát, biên tập, nâng tầm các dự án của chính mình.

Trong các MV, tôi chú trọng thể hiện sự song hành và tương phản giữa văn hóa Việt Nam và Mỹ. Ví dụ như ở Any Other Way, nhóm của tôi nảy ra ý tưởng bố trí một nhà hàng ven đường bên trong ga tàu điện ngầm, qua đó làm nổi bật cảm giác lúng túng, lạc lõng của nhân vật.

Tôi cũng quan tâm đến việc đưa mỹ thuật vào các video ca nhạc của mình. Gần đây, phong cách của họa sĩ Henri Mattise khiến tôi mê hoặc. Một số bức tranh nổi tiếng nhất của ông lấy cảm hứng từ những chuyến thăm tới các nhà chứa ở Bắc Phi, khi nơi đây vẫn còn là thuộc địa của Pháp. Những tác phẩm này khai thác chủ đề phụ nữ, gái mại dâm, và hạ thấp họ từ con người xuống thành vật trang trí trong phòng. Trong Last Time in New York and I Know It All, tôi nhắm đến việc tái tạo nội thất theo trường phái Biểu hiện của Matisse, đồng thời đặt quyền sở hữu của phụ nữ đối với căn phòng của họ lên hàng đầu. Tại đó, tôi trang trí nội thất bằng những đồ vật mang bản sắc Việt Nam. Người phụ nữ trong MV của tôi cũng đốt cháy những ngột ngạt trong đó và lấp đầy bằng cây xanh và sự sống.

Trong những sáng tác của mình, bạn cũng có nói về văn hóa hẹn hò hiện đại: quá nhanh, quá nhiều và vô nghĩa. Vậy so với những người cùng thế hệ, bạn có khi nào có cảm giác lạc lõng. Cách yêu, cách sống của bạn có khác họ?

- Tôi không nghĩ rằng cảm xúc của tôi là duy nhất, hành động của tôi cũng vậy. Có lẽ hầu hết mọi người, hoặc đôi khi mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy lạc lõng. Cách chúng ta tương tác với nhau trong các mối quan hệ xã hội phần lớn được xác định bởi văn hóa chúng ta đang sống: văn hóa hối hả, văn hóa tư bản, văn hóa làm việc cho đến khi kiệt sức. Nó biến con người thành phương tiện để đạt mục đích, làm suy yếu những kết cấu cộng đồng. 

Tại đó, con người nhanh chóng đánh giá người khác hơn, họ cũng tiếp tục tìm kiếm những kết nối mới mà chưa bao giờ thực sự khám phá bất kỳ mối quan hệ nào trong đó. Sống như vậy, ai mà không cảm thấy cô đơn, lạc lõng?

Cảm ơn những chia sẻ của Juliet!

No comments

Khau Trang Y Te