350.000 tỷ đồng cho chấn hưng văn hóa: Điều quan trọng là số tiền đó sẽ về đâu?
Chiều 29/2, tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với 210 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có bài phát biểu về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Theo đó, ông cho rằng, con số 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa mà Bộ VHTTDL đề xuất vẫn là con số rất ít ỏi. Ý kiến của nhà thơ kỳ cựu lập tức gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Để rộng đường dư luận, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa về chủ đề này.
Quan trọng là chúng ta sẽ tiêu gì?
Nhận định về quan điểm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng: "Quan trọng là chúng ta sẽ tiêu gì với 350.000 tỷ đồng đó? Nếu đưa vào hạ tầng, cơ sở vật chất thì đó đúng là con số không lớn. Việc đặt hàng, kích thích sự sáng tạo của những người làm văn hóa là yếu tố vô cùng quan trọng, thế nhưng bấy lâu này không được chúng ta lưu ý tới. Số tiền đưa tới văn nghệ sĩ rất ít, đa phần những người làm nghệ thuật chân chính đều có cuộc sống không mấy dư dả. Chúng ta rất cần đầu tư để có các công trình nhằm định hướng văn hóa cho thế hệ trẻ như: thư viện, bảo tàng, công trình nghệ thuật... nhưng đa phần các nơi đều đang thiếu thốn. Ngược lại, nhiều lễ hội, sự kiện nhân danh văn hóa được tổ chức khắp nơi nhưng không hề mang yếu tố văn hóa, không đem lại giá trị cho nhân dân, đơn giản chỉ là những đêm văn nghệ được truyền hình trực tiếp, tiêu tốn tới hàng ngàn tỷ đồng".
TS Trần Hữu Sơn khẳng định, việc đầu tư cho văn hóa một cách chính xác hoàn toàn có thể mang về lợi nhuận. "Đừng nghĩ văn hóa là vui chơi, nhảy múa. Một liveshow của các ngôi sao lớn như Taylor Swift hay BlackPink có thể mang lại hàng ngàn tỷ đồng, những địa chỉ du lịch được quảng bá thông qua phim ảnh Hàn Quốc tạo nên hàng triệu lượt khách du lịch. Rõ ràng, nếu đầu tư đúng thì chúng ta không sợ lỗ" - TS Trần Hữu Sơn chia sẻ với PV Dân Việt.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cũng bày tỏ sự quan ngại khi tỉnh nào cũng làm tượng đài, cho rằng "những thứ đó lãng phí và không cần thiết". Trong khi đó, các hoạt động văn hóa theo chiều sâu lại ít ỏi, thiếu sự đầu tư: "Giá như việc số hóa các thư viện diễn ra mạnh mẽ hơn, đồng bào, học sinh trên vùng cao sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc tiếp thu tri thức. Cũng bởi vậy, những người chịu trách nhiệm chi phải hiểu rất rõ việc mình sẽ chi vào cái gì, đâu mới là điều cần thiết".
Trao đổi với PV Dân Việt, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, người nhiều năm theo đuổi các dự án nghệ thuật công cộng cũng cho rằng: "Vấn đề ở đây không phải là nguồn vốn. Quan trọng hơn, chúng ta cần xây dựng một cơ chế hoạt động hiệu quả. Tại đó, quỹ ngân sách dành cho văn hóa được công khai, những đơn vị tư nhân, nhóm nghệ sĩ đều có thể được đăng ký, đề xuất các khoản chi. Các dự án này sẽ được lên kế hoạch cụ thể, sau đó thông qua một hội đồng thẩm định bao gồm những chuyên gia trong xã hội. Từ đó, hoạt động nào có ý nghĩa sẽ được đầu tư, những dự án không hiệu quả bị loại bỏ. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đang vận hành nền văn hóa theo cách như vậy. Tại đó, Bộ và các cơ quan quản lý chỉ giữ vai trò điều tiết, còn những sự kiện văn hóa sẽ diễn ra theo nhu cầu của xã hội, sự mong muốn của cộng đồng".
Vấn đề của văn hóa Việt Nam hiện nay không phải là tiền
Trong khi đó, NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) nhận định: "Vấn đề quan trọng đối việc chấn hưng nền văn hóa Việt không nằm ở tiền bạc. Đó là ý thức, là sự hiểu biết về văn hóa cộng đồng, là trách nhiệm của mỗi con người trong việc giữ gìn văn hóa. Đối với tôi, văn hóa không có nghĩa là đàn, ca, sáo, nhị, là những giải thưởng hay danh hiệu, văn hóa nằm ở nhân cách, nhân phẩm trong mỗi con người trong xã hội. Cũng bởi vậy, tiền không thể quyết định được".
NSND Thanh Hoa cho rằng, nếu Bộ VHTTDL không có một đường lối rõ ràng trong việc giáo dục nhân cách con người thì dù chi ra một số tiền khổng lồ, chúng ta cũng không thể chấn hưng nền văn hóa, mọi thứ chỉ như muối bỏ bể. "Bất cứ những ai quan tâm tới đời sống - xã hội đều có thể cảm nhận rõ rệt sự xuống cấp của văn hóa Việt những năm gần đây. Việc giáo dục một con người không thể chỉ kéo dài trong một năm, hai năm hay 10 năm. Nó phải bắt đầu trong từng gia đình, nhà trường, vun đắp từ nhiều thế hệ".
Theo nữ nghệ sĩ, việc Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL quan tâm, thúc đẩy việc chấn hưng văn hóa tạo ra những động lực cho sự thay đổi. "Tuy nhiên, tôi mong rằng các quyết sách sẽ không chỉ nằm ở phía ngoài, mang tính hình thức, mà đi sâu vào cốt lõi bên trong, thông qua những hành động cụ thể, từ đó tạo nên ý thức văn hóa trong cộng đồng" - NSND Thanh Hoa bày tỏ.
No comments