Hàng nghìn người đội mưa, tranh nhau hứng tiền "lộc" tại lễ khai hội chùa Hương 2024
Sáng ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết) chính thức khai hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội Chùa Hương năm 2024 với chủ đề "Lễ hội Chùa Hương an toàn-văn minh-thân thiện," nhằm khẳng định giá trị văn hóa Lễ hội chùa Hương và phát huy giá trị quần thể Khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt. Thời tiết sáng nay tại đây mưa nặng hạt nhưng nhiều người dân vẫn háo hức chờ đợi.
Khoảng 8h30, trong một tiết mục văn nghệ, nghệ sĩ ngẫu hứng tung tiền, nhiều khách hành hương tham gia "hứng lộc". Mọi người quan niệm cầm được tờ tiền lộc này sẽ mang lại may mắn trong năm mới.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, kế hoạch an ninh dịp này được thông qua, tiểu ban an ninh cho ngày khai hội.
Theo thống kê của Ban quản lý khu di tích, 3 ngày qua nơi này đón khoảng 80.000 khách, riêng mùng 5 Tết đón hơn 40.000 người. Dự kiến ngày 15/2 (mùng 6 Tết) đón khoảng 30.000 khách. Số lượng du khách ước tính cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng tôi thực hiện ra quân ngay từ ngày mùng 2 Tết (ngày 11/2). Từ mùng 4 Tết có lượng lực tăng cường của công an thành phố vào các chốt chặn. Chúng tôi huy động khoảng 150 người thuộc các lực lượng nhằm đảm bảo an toàn, duy trì an ninh trật tự cho người dân trong thời điểm diễn ra lễ hội", ông Hiển nói.
Nhằm chấm dứt nhiều bất cập liên quan đến giá vé đi đò tại đây, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương quyết định thành lập HTX Dịch vụ du lịch Chùa Hương - đơn vị quản lý các hoạt động lái đò ở khu di tích. Đơn vị này đã tuyển chọn và tập huấn đội ngũ lái đò với 3.800-4.500 phương tiện. Đò được đánh số, lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, ô che mưa nắng, lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự.
"Sau khi đón khách bằng hình thức vận hành đơn vị quản lý đò mới không còn xảy ra tình trạng chặt chém, lái đò không mời chào, chèo kéo dọc đường. Toàn bộ các lái đò thực hiện nội quy một cách nghiêm túc, quy củ, chuyên nghiệp", ông Hiển cho biết.
Trưởng BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn nói rõ sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để lễ hội phát huy đúng chủ chủ đề An toàn, văn minh, thân thiện trong mùa lễ năm 2024.
Đặc biệt, đổi mới công tác điều hành vận chuyển khách: Thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự; Thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.
Cụ thể: Về thời gian vận chuyển xuồng đò khách tham quan lễ phật: Từ thứ 2 đến thứ 6: Thời gian vận chuyển từ 5h đến 20h; Thứ 7 và Chủ nhật: Thời gian vận chuyển từ 4h đến 20h; Tiếp tục vận hành thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển trong khu vực lễ hội từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong khu vực lễ hội: Bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương tích, ga Cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn cho du khách.
Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương cho biết, tất cả các tự viện đã chuẩn bị đầy đủ vật chất, tăng ni phật tử, nghi lễ, triển lãm lễ hội Phật giáo, với 18 tự viện trong toàn khu di tích Hương Sơn, 30 tăng ni, trên 100 phật tử với tinh thần phục vụ mọi người là công đức cao cả nhất của tăng ni phật tử chùa Hương từ lâu nay.
Giá dịch vụ đò hai chiều năm nay tăng, đi tuyến Hương Tích 85.000 đồng/ người (tăng 35.000 đồng), tuyến Long Vân - Tuyết Sơn 65.000 đồng (tăng 30.000 đồng). Giá vé thắng cảnh cũng tăng từ 80.000 lên 120.000 đồng/ người/ lượt. Giá vé cáp treo, khứ hồi là 220.000 đồng với người lớn, 150.000 đồng với trẻ em. Giá vé một lượt, người lớn là 150.000 đồng, trẻ em 100.000 đồng.
No comments