Giữ gìn văn hóa các dân tộc ở "đất ngọc" Lục Yên qua hàng loạt lễ hội mùa Xuân
Lễ hội mùa xuân đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân
Lục Yên được mệnh danh là "đất ngọc", cũng là nơi sản sinh ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt, với 20 di tích lịch sử - văn hóa, chưa kể các danh lam thắng cảnh gắn liền với lễ hội cổ truyền. Mỗi dịp đầu xuân, khắp nơi trên vùng đất ngọc Lục Yên đều diễn ra lễ hội, có đến hàng chục ngày hội, chưa kể các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dân tộc, rồi hoạt động văn nghệ, thể thao… với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Lễ hội mùa xuân náo nức, tưng bừng kéo dài từ tháng Giêng cho tới tháng Ba âm lịch.
Đã thành thông lệ, cứ 3 năm, Lễ hội cầu an, cầu mùa ở đình Khai Trung (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) tưng bừng được mở ra với đầy đủ phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện rất tỉ mỉ với 4 thầy làm việc liên tục trong hơn 1 ngày. Mỗi thầy có một nhiệm vụ riêng: Thầy bản vương, thầy khai thiên lập địa, thầy cầu phúc – cầu lộc – cầu tài và thầy có nhiệm vụ mời các thần linh về chứng giám, phù hộ cho lễ hội. Phần hội là những trò chơi dân gian như ném còn, đánh quay, bịt mắt bắt vịt…
Lễ hội cầu mùa năm nay còn có một niềm vui đặc biệt khi đình Khai Trung được UBND tỉnh Yên Bái cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Để tiếp tục phát huy giá trị di tích, ông Hoàng Văn Câu - Chủ tịch UBND xã Khai Trung cho hay: "Hiện nay, cơ sở vật chất đình còn thiếu thốn, khó khăn, chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực mà chủ yếu là xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm đầu tư để tôn tạo di tích đình Khai Trung…".
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, lễ hội đền Suối Tiên (xã Tô Mậu, huyện Lục Yên) lại được tổ chức, thu hút đông đảo du khách tham quan, chiêm bái, cầu mong Tiên cô phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt,… và tưởng nhớ công ơn những bậc tiên hiền một thời đã có công khai sơn phá thạch, chiêu dân lập làng mở chợ, xây dựng thành luỹ, giữ yên bờ cõi...
Lễ hội đền Suối Tiên dù được khôi phục muộn hơn, nhưng với sự linh thiêng của nơi này đã nhanh chóng thu hút rất đông du khách tham quan, chiêm bái và công quả đóng góp xây dựng. Do vậy, đền Suối Tiên đã nhanh chóng được tu bổ, xây dựng tạo nên vẻ uy nghiêm, trang trọng như hôm nay.
Cũng như các lễ hội khác diễn ra trong năm, lễ hội đền Suối Tiên gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi thức mang tính tâm linh, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu. Còn phần hội là các trò chơi dân gian giúp mỗi người đi hội có được tinh thần sảng khoái để bắt đầu công việc cho một năm mới.
Anh Hoàng Trọng Bình – một du khách đi trẩy hội xuân chia sẻ: "Tôi đi tất cả các lễ hội của Lục Yên và đến đâu tôi cũng thấy được nét đẹp dân tộc qua trang phục, qua phong tục rồi các trò chơi dân gian…"
Lễ hội mùa xuân ở Lục Yên có quy mô rộng cả một vùng và liên vùng, hoặc có quy mô trong một làng, một bản, một dòng tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giao lưu văn hóa, nhu cầu giải trí và ngưỡng vọng tâm linh, giải tỏa những tình cảm dồn nén. Đây chính là dịp để con người thăng hoa trong tâm thức, được hòa đồng vào không gian thiêng, đảm bảo sự cân bằng về tâm lý, tình cảm giúp họ lao động, sản xuất tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người vui chơi, ca hát, không phân biệt giàu nghèo,..
Giữ gìn văn hóa qua lễ hội mùa xuân
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp và Ban quản lý di tích lễ hội ở các địa phương trên địa huyện Lục Yên đã làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, làm cho người dân có ý thức làm chủ, tự giác và chấp hành tốt trong việc bảo vệ và đóng góp công sức, vật chất, phát huy hiệu quả di tích, lễ hội gắn với phát triển du lịch.
Đặc biệt, làm tốt việc giới thiệu về lịch sử, tính chất, ý nghĩa của lễ hội, giúp cho mọi người hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa, nét đặc sắc của di tích, danh thắng. Từ đó nhân lên niềm tự hào và ý thức gìn giữ và đóng góp công sức làm đẹp cho di sản văn hóa của đất nước và của quê hương.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phùng Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Yên cho biết, các lễ hội đầu năm trên địa bàn huyện được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tại các lễ hội, bên cạnh phần lễ, phần hội có các các hoạt động thể thao hiện đại kết hợp với tổ chức các môn thể thao dân tộc (bắn nỏ, đẩy gậy…) trò chơi dân gian (đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, đánh quay, đánh yến, chơi chuyền…) độc đáo đã góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội,…
"Thông qua các lễ hội đã giữ gìn, tôn vinh được bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của mỗi địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương của cộng đồng các dân tộc. Ngoài ra, lễ hội được tổ chức đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện" - Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lục Yên chia sẻ.
No comments