ĐH Stanford khoe 6 tân sinh viên "đỉnh" nhất trường năm nay: Hồ sơ cỡ này bảo sao đỗ trường top đầu thế giới!
Đại học Stanford là một trong những trường đại học tư thục nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Nằm ở trái tim của Silicon Valley, nơi được mệnh danh là cái nôi của ngành công nghệ cao, Stanford đã trở thành một điểm sáng về sự đổi mới và khởi nghiệp.
Tỷ lệ chấp nhận của Đại học Stanford hàng năm đều rất thấp, dưới 4% mỗi năm. Đơn cử như khóa 2026 có 56.378 sinh viên nộp đơn ứng tuyển vào trường nhưng chỉ có 2.075 sinh viên được nhận, với tỷ lệ chấp nhận là 3,68%. Khóa 2025 có 55.471 hồ sơ và 2.190 thí sinh trúng tuyển, tỷ lệ chấp nhận đạt 3,95%. Tổng cộng, hơn 1.700 sinh viên đã được nhận vào Stanford trong giai đoạn nộp đơn sớm vào mùa thu năm 2024.
Có thể nói, để vào được trường Stanford, bạn phải là "học bá" trong các "học bá". Để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, Stanford Report mới đây đã tiết lộ lý lịch của 6 sinh viên có thành tích nổi bật hàng đầu mới được nhận vào trường.
Khuôn viên Đại học Stanford
Suze van Adrichem đến từ Hà Lan và đang cân nhắc giữa chuyên ngành sinh học và khoa học máy tính.
"Mình luôn thích đi học và luôn muốn hiểu rõ những gì mình đang học. Khi còn nhỏ, mình rất tò mò và hỏi bố mẹ hoặc giáo viên rất nhiều câu hỏi, đôi khi đến mức họ không thể kiếm tìm được câu trả lời nữa. Mình biết trường đại học là nơi hoàn hảo để tôi giải đáp sự tò mò của bản thân", nữ sinh chia sẻ.
Ở trường trung học, Suze van Adrichem thích học sinh học và toán. Cô bạn cũng thành lập câu lạc bộ đầu tiên do học sinh điều hành ở trường trung học của mình. Đó là một câu lạc bộ khoa học máy tính. Tại Stanford, nữ sinh mong muốn được nghiên cứu về lĩnh vực sinh học, nhưng cũng rất sẵn sàng tiếp cận với các kiến thức trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và AI.
Suze van Adrichem
"Giáo dục là điều mình cũng thực sự quan tâm. Ở trường trung học, mình làm giáo viên và gia sư vào mỗi cuối tuần. Mình thực sự thích giảng dạy và giải thích các khái niệm cho phép mọi người tự suy nghĩ và đạt được những điều lớn lao hơn. Khi giúp một ai đó đạt được nguyện vọng, mình rất mãn nguyện", cô nói.
Ngoài ra, Suze van Adrichem cũng rất yêu ngôn ngữ: "Đối với mình, ngôn ngữ rất đẹp. Thật thú vị khi thấy chúng khác nhau như thế nào giữa các quốc gia và châu lục. Ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là tiếng Hà Lan nhưng mình nói tiếng Anh và hiểu tiếng Đức khá tốt. Mình cũng đã học một chút tiếng Pháp và tiếng Latin ở trường trung học. Hiện, mình đang học tiếng Nhật trên Duolingo và hy vọng một lúc nào đó sẽ được tham gia các lớp học tiếng Nhật tại Stanford".
Luis Cortes đến từ Mozambique và đang cân nhắc theo học chuyên ngành trong lĩnh vực STEM.
Nam sinh mở đầu: "Ở quê hương Mozambique của mình, văn hóa được xác định bằng việc vui chơi ở mọi giai đoạn trong cuộc đời, đồng thời làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ của mình. Ví dụ, khi ở nhà, mình đã tối đa hóa cơ hội học tập của mình song song với tận hưởng điều mình thích làm nhất - chơi bóng rổ".
Lớn lên, Luis Cortes đã tham gia nhiều kỳ thi Olympic toán và khoa học quốc tế. Tại đó, nam sinh đã gặp được rất nhiều người giỏi trên khắp thế giới. Sau khi gặt hái được nhiều thành công tại các cuộc thi này, nam sinh nhận ra mình muốn hòa mình vào một cộng đồng trí thức.
Luis Cortes đến từ Mozambique
"Có rất nhiều điều đang chờ đợi mình đến khám phá tại Stanford. Trong thời gian học tập tại đây, mình hy vọng có thể khám phá những lĩnh vực mới và có thể liên kết chúng với sở thích hiện tại của mình. Chẳng hạn mình muốn khám phá sự giao thoa tiềm năng giữa khoa học máy tính và nhiếp ảnh", Luis Cortes bộc bạch.
Không chỉ vậy, nam sinh còn muốn sử dụng những nguồn lực sẵn có của mình để giải quyết các vấn đề đang xảy ra tại châu Phi theo cách của châu Phi. Tương lai của châu Phi chỉ có thể được đảm bảo khi người dân ở đây giải quyết những thách thức lớn nhất của họ bằng trí óc tò mò và trái tim kiên cường.
Baraa Abdelghne đến từ Arizona (Mỹ) và đang theo học chuyên ngành tính toán y sinh
Baraa Abdelghne sinh ra ở Syria. Năm 2011, nam sinh và gia đình bị bao vây bởi xung đột và phải sống trong khoảng thời gian chiến tranh, bom đạn triền miên, cuộc sống thì thiếu thốn không có điện, nước. Nhớ lại vào một ngày của tháng 7/2013, trong khi gia đình đi mua đồ ăn thì anh trai của Baraa Abdelghne bị bắn vào vai. Điều đó khiến gia đình của Baraa phải bỏ lại mọi thứ ở Syria và theo anh trai lên xe cứu thương đến Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị y tế. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đó không thể phục hồi khả năng cử động ở cánh tay của anh Baraa, vì vậy gia đình của nam sinh này đã nộp đơn lên Liên hợp quốc và chuyển đến Arizona với tư cách là người tị nạn vào năm 2015.
"Ở cạnh anh trai trong bệnh viện suốt 40 ngày trong khi anh nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, chính điều đó đã truyền cho mình động lực phải giúp đỡ mọi người. Ở Arizona, mình bắt đầu làm tình nguyện viên tại các bệnh viện và gây quỹ cho bệnh nhân ung thư. Mình đã trở thành trợ lý điều dưỡng được chứng nhận. Chính sự kiện đó cũng thúc đẩy niềm đam mê trở thành bác sĩ của mình. Hiện, anh trai mình đã bình phục và đang theo học ngành an ninh mạng tại Đại học bang Arizona (Mỹ)" , nam sinh bày tỏ.
Chân dung nam sinh Baraa Abdelghne
Dù vẫn chưa có quyết định chính thức về chuyên ngành mà bản thân sẽ học tại Stanford, nhưng Baraa Abdelghne đang nghiêng về ngành tính toán y sinh. Nam sinh hy vọng bản thân có thể kết hợp tình yêu với y học và công nghệ.
"Mình hy vọng các lớp học sẽ tạo động để mình theo đuổi đam mê với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu và từ đó giúp đỡ những người yếu thế, không có cơ hội được tiếp cận với y tế" , Baraa Abdelghne kết luận.
Christian Figueroa đến từ California (Mỹ) và đang cân nhắc theo học chuyên ngành lịch sử.
"Mình tham gia các hoạt động xã hội từ năm 13 tuổi. Mình gần như sống và hít thở 24/7 với các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng. Mình đặc biệt quan tâm đến việc vận động các chính sách liên quan đến sức khỏe tâm thần, cộng đồng LGBTQ+ cũng như khoa học và công nghệ.
Báo chí chính trị là một lĩnh vực tiềm năng mà mình muốn khám phá vì đơn giản, mình rất yêu viết lách. Mình từng mơ một ngày nào đó sẽ cân nhắc đến việc tranh cử vào một chức vụ chính trị. Ở quê hương miền Nam California, mình từng dẫn chương trình tin tức tại đài truyền hình địa phương về các cuộc họp của hội đồng thành phố. Hiện tại, mình đang đồng tác giả cuốn sách có tên 'Cuộc bầu cử của chúng ta: Người Mỹ trẻ trong thế kỷ 21'. Nó viết về động lực đằng sau hoạt động của Thế hệ Z. Gần đây mình cũng đã gia nhập Stanford Daily với tư cách là người viết tin tức", Christian Figueroa tiết lộ.
Stanford là ngôi trường mơ ước của nam sinh kể từ khi Christian còn nhỏ. Tại Stanford, nam sinh đang cân nhắc theo học chuyên ngành lịch sử.
Christian Figueroa rất đam mê viết lách
Courtney Ogden đến từ Atlanta và đang theo học chuyên ngành Symbolic Systems
Symbolic Systems (SSP) tại Đại học Stanford tập trung vào máy tính và tư duy: các hệ thống nhân tạo và tự nhiên sử dụng các ký hiệu để giao tiếp, và thể hiện thông tin. Chia sẻ về lý do cân nhắc theo học ngành này, Courtney Ogden nói việc nghiên cứu các hệ thống biểu tượng vì sự kết hợp giữa tâm lý học và khoa học máy tính thực sự khiến bản thân nữ sinh tò mò.
Ngoài ra, Courtney Ogden còn rất thích chơi bóng rổ: "Mình yêu bóng rổ từ nhỏ, một phần niềm đam mê đó đến từ bố vì bố của mình chơi bóng ở trường Đại học bang Murray (Mỹ). Mình bắt đầu chơi bóng rổ từ năm lớp ba. Sau khi nhận được học bổng đầu tiên vào năm lớp sáu, khả năng theo đuổi sự nghiệp bóng rổ đã trở thành hiện thực đối với mình. Mình hy vọng có thể chơi bóng rổ chuyên nghiệp sau khi học đại học".
Courtney Ogden thích chơi bóng rổ
Anna Yang đến từ San Jose, California và đang theo học chuyên ngành Symbolic Systems
"Mình luôn là một nhà văn của chính cuộc đời mình. Bản thân mình cũng là một đứa trẻ rất trầm tính nên mình thường viết nhật ký để bày tỏ suy nghĩ và kể về cuộc đời mình. Ký ức đầu tiên của mình về việc làm thơ là với người thầy tuyệt vời năm lớp 4 của tôi. Thầy đã dạy chúng mình cách làm thơ bằng phép ẩn dụ. Mình yêu nó lắm vì nó cho phép mình sáng tạo.
Lần đầu tiên mình đọc thơ mình viết thành tiếng là trước ban giám khảo trong cuộc thi Nhà thơ trẻ Quận Santa Clara vào năm thứ hai bậc trung học cơ sở. Điều đó thật đáng sợ vì khi bạn đọc to mọi thứ lên và ai đó có thể nhìn thấy khuôn mặt cũng như cảm xúc của bạn. Nhưng điều đấy cũng thật đặc biệt vì nó mang lại sự chuyển động cho thơ hoặc cá nhân hóa nó. Thơ cũng vì thế mà mang lại trải nghiệm chân thực, thô sơ mà khán giả có thể liên tưởng đến. Nó có sức mạnh theo cách mà thơ viết không có", Anna kể lại.
Dù năm đó không đạt giải, nhưng nó đã tiếp thêm cho Anna Yang rất nhiều sự tự tin.
Anna Yang đang theo học chuyên ngành Symbolic Systems
Theo Stanford Report
No comments