Trend cháy nồi: Trò phá hoại nhất từng biết, đơn vị chức năng lên tiếng cảnh báo về độ nguy hiểm
Trào lưu nguy hiểm xuất phát từ clip 15 triệu lượt xem
Thời gian vừa qua, những tai nạn cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về người và của liên tiếp xảy ra khiến tất cả chúng ta bàng hoàng. Trong khi cộng đồng ra sức tuyên truyền về công tác phòng chống cháy nổ thì gần đây, trên MXH lại xuất hiện trào lưu vô cùng nguy hiểm, xem thường nguy cơ về cháy nổ gọi là: Trend cháy nồi.
Trào lưu này được cho là bắt đầu từ một sự cố bếp núc của cô gái tên Q được đăng tải vào ngày 12/11. Trong clip, Q. cho biết mình đun đường làm nước hàng kho cá nhưng mải săn sale nên quên mất, khiến đường cháy đen và phình to, bám cứng vào nồi. Không biết xử lý thế nào nên Q. nhờ cư dân mạng "giải cứu".
Q. cho biết vì sơ ý khi đun đường nên cô đã nhận về kết quả này
Ngay sau khi đăng tải, clip nhanh chóng viral và thu hút sự bàn tán từ dân tình. Đến thời điểm hiện tại - sau 1 tuần đăng tải, clip thu về gần 15 triệu lượt xem, hơn 432 nghìn lượt yêu thích và hơn 8 nghìn lượt bình luận.
Bên cạnh những ý kiến về cách xử lý chiếc nồi, clip đun đường cháy nồi còn được chú ý vì vết sọc đen trên ngón tay cái của cô gái. Nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu của sức khỏe không được tốt và Q. nên đi khám.
Không lâu sau khi clip của Q. viral, trên MXH bất ngờ xuất hiện hàng loạt clip có nội dung tương tự: đun đường để nấu ăn nhưng làm cháy nồi. Một điểm đặc biệt nữa, nhiều người còn cố ý tô thêm vết sọc ở ngón tay để câu kéo sự chú ý từ cư dân mạng.
Bên cạnh hội tò mò, bắt chước làm theo “trend” cháy nồi một cách vô tư không hề hay biết những ẩn hoạ thì cũng có một nhóm lợi dụng trò này để chèn clip giới thiệu sản phẩm và bán hàng, bất chấp những cảnh báo. Đáng nói, trên nền tảng MXH hiện nay, rất khó để kiểm soát người dùng là đối tượng trẻ em học theo và gây ra những tai nạn nguy hiểm cho bản thân, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập.
Vài ngày gần đây, không khó để bắt gặp những clip đu trend cháy nồi
Đương nhiên những người này không quên khoe hậu quả với cư dân mạng
Một người lồng ghép video PR sản phẩm vào clip đu trend cháy nồi
“Trend phá hoại nhất từng biết”
Có rất nhiều ý kiến phản đối, phẫn nộ bên dưới những clip bắt trend tai hại này. Một số người nơm nớp lo sợ cho những người đang sống cùng (gần) hội bất chấp đu trend mù quáng. Bởi không cần quá nhiều cảnh báo ai nhìn vào cũng biết trò này gây cháy nhà như chơi, chưa kể cột khói bốc lên từ chiếc nồi cháy gây ra mùi rất ngửi ô nhiễm luồng khí, gây phiền hà cho những người sống gần đó…
“Bữa giờ mình thắc mắc là đu trend cháy nồi thiệt hay là vô tình vậy mọi người? Tại nhà mình khét xíu là thấy mùi rồi mà để khói thế này thì không biết mùi cỡ nào?”, "Trend phá hoại nhất mình từng biết. Vừa hư nồi vừa hư bếp lại còn khói với mùi lan ra xung quanh”...
“Không hiểu trend này có gì hay mà nhiều người học theo thế? Không cẩn thận cháy nhà thì mới la lên”, "Cho mình hỏi đu trend này để làm gì? Để làm ô nhiễm môi trường à? Nguy hiểm hơn còn cháy nhà! Lúc ý cháy một mình nhà bạn thì thôi chứ cháy lan sang nhà khác thì sao?”,... là những bình luận bức xúc của netizen.
Bên cạnh đó một số người còn cho biết việc đun đường cháy nồi đã tạo nên lượng khói cực lớn. Điều này kích hoạt hệ thống báo cháy ở chung cư và gây báo động, khiến nhiều người sống chung tòa nhà lo lắng.
Một màn đu trend khiến cả căn nhà bị khói bao phủ
Khuyến cáo của đơn vị chức năng: Cực nguy hiểm!
Khi được hỏi về trào lưu này, thiếu tá Đỗ Tuấn Anh - Phó trưởng phòng Công an PCCC&CNCH TP Hà Nội khẳng định đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm, có thể đem lại rủi ro cao không chỉ với chính người thực hiện mà còn cả với cộng đồng. Vì vậy anh giải thích và đưa ra những khuyến cáo:
“Ngay cả khi đun nấu mà vô tình để quên, không có sự trông coi thì ít nhất đã thiếu sự an toàn. Có thể việc đun đường mà mọi người đang thực hiện không phát sinh nguồn nhiệt hay nguồn lửa đủ lớn để gây bén cho đồ vật xung quanh nhưng rủi ro là chuyện không thể nói trước. Trong tình huống này, nếu đó là người biết kiểm soát, có kỹ năng phòng cháy chữa cháy thì không sao nhưng nếu các em nhỏ xem được và nghịch ngợm với trào lưu thì rất nguy hiểm. Nhiều khi có sự cố, các em không thể chủ động trong việc dập cháy mà thay vào đó là hoảng sợ, bỏ chạy do hiệu ứng về tâm lý thì điều này sẽ gây nguy hiểm cao hơn”.
Về việc trào lưu có thể ảnh hưởng đến mọi người xung quanh thông qua báo động cháy ở chung cư, thiếu tá Tuấn Anh cho biết việc này vừa gây vất vả cho lực lượng chuyên trách an toàn của tòa nhà, vừa gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng dân cư.
“Đun cháy quá mức thường gây ra nhiều khói và kích hoạt hệ thống báo cháy tự động của các tòa nhà. Khi hệ thống báo cháy hoạt động thì quy trình làm việc của lực lượng bảo vệ tòa nhà đầu tiên là phải đi kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong phải ngắt hệ thống báo động đi, tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sự tập trung của họ trong quá trình làm việc. Một chung cư có khoảng 10 người theo trào lưu đó thì lực lượng bảo vệ sẽ rất vất vả.
Đặc biệt việc này gây hoang mang, lo lắng cho cư dân trong tòa nhà khi cứ thấy báo cháy báo liên tục. Sự hoang mang ở đây không chỉ dừng lại ở thời điểm báo động mà còn khía cạnh khác như suy nghĩ: ‘Mình có đang sống trong một khu vực đủ an toàn không?’, ‘Sao mua chung cư cũng nhiều tiền mà chuông báo cháy lại hoạt động liên tục như thế?’,...
Ngoài ra có một số chung cư còn diễn tập PCCC hoặc phát đi báo động cháy giả để nâng cao sự cảnh giác của người dân. Tất nhiên báo cháy của tòa nhà khi ai đó theo trend đun đường cháy nồi là báo động thật, không chỉ khiến mọi người lo lắng mà còn dễ gây nhầm lẫn với chuyện báo cháy thật giả. Tình huống này diễn ra nhiều lần thì đến lúc cháy thật mọi người lại không chạy mà nghĩ báo động giả hay ai đó đu trend thì cực kỳ nguy hiểm. Là đơn vị nghiệp vụ chức năng về PCCC, chúng tôi có một số khuyến cáo như vậy, mong mọi người cẩn thận và cân nhắc để bảo vệ bản thân cũng như người xung quanh”.
No comments