Breaking News

Kể chuyện làng: Xuân Cầu và tuổi thơ tôi

Đó là một làng quê nằm bên phải Đường 5 (gọi là chợ Đường Cái) dù trong trí nhớ thì chả thấy chợ bao giờ. Trước khi vào làng sẽ phải qua một con sông không rộng lắm nhưng nước xanh trong. Làng Xuân Cầu là một làng quê mang đậm nét của những làng quê đồng bằng Bắc bộ, với những ngôi nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói cổ màu nâu cũ kỹ. Những cổng ngõ hình vòm được kết lại từ những cây duối xén gọn bên cạnh những rặng nhãn thấp xum xuê. 

Kể chuyện làng: Xuân Cầu và tuổi thơ tôi - Ảnh 1.

Ảnh chụp cây cầu dẫn vào làng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Đặc biệt đường làng được lát gạch xếp nghiêng nối liền xóm nọ với xóm kia tuy nhỏ xinh nhưng nhìn rất quy củ và sạch sẽ. Mẹ tôi kể: "Sở dĩ Xuân Cầu có được đường làng đẹp như vậy là nhờ từ xưa các cụ trong làng đã có lệ thách cưới đối với trai làng khác lấy vợ Xuân Cầu, đó là phải nộp số gạch lát đủ một đoạn đường làng coi như đóng góp với quê ngoại. 

Xuân Cầu có một món đặc sản (giờ nói ra thì nghe hơi sợ nhưng ai đã thưởng thức rồi thì sẽ bị nghiền) đó là món chuột đồng hấp lá chanh chấm muối tiêu. Nhớ hồi đó sau mỗi mùa gặt, ông chú họ của mẹ lại đích thân đi bẫy chuột đồng. Chuột mùa này ăn thóc mới nên thịt thơm ngon chả khác thịt gà. Bẫy chuột về ông tự tay làm sạch, cặp vào lá chanh hấp rồi gửi cho các cháu ở xa. 

Kể chuyện làng: Xuân Cầu và tuổi thơ tôi - Ảnh 2.

Cổng làng mới (mẹ và hai em của tác giả đứng từ bên phải ảnh qua). Ảnh: Tác giả cung cấp

Được ăn từ lúc chưa biết sợ nên sau này ai sợ thì sợ chứ mỗi khi nhận được quà của làng thì hầu như cả nhà đều rất hoan hỉ và thưởng thức nhiệt tình lắm! Khi Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc vào những năm 1964 - 1965. Chị em tôi theo bà ngoại về Xuân Cầu. Đó chính là lúc tuổi thơ có nhiều kỷ niệm với làng quê hơn bao giờ hết. Nhớ nhất là cứ mỗi buổi chiều về. Lũ trẻ lại theo bà ra sông quê tắm. 

Con sông trong xanh mát rượi có bờ cát hẹp thoai thoải là nơi chị em tôi được dịp vùng vẫy nô đùa. Sau này sống ở nơi xa, tôi nhớ nhất là những kỷ niệm với con sông quê ấy. Cũng vào những ngày chiến tranh sơ tán ấy chúng tôi được nghe kể về quê ngoại nhiều hơn. Đó là chuyện ông Tô Hiệu bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La và ông đã trồng một cây đào ở đó (sau này khi có dịp đi thăm nhà tù Sơn La, mấy chị em tôi đã chụp ảnh bên cây đào mang tên ông). Là chuyện họa sĩ Tô Ngọc Vân - một trong bốn cái tên của bốn họa sĩ gạo cội của nền mỹ thuật nước nhà. Là chuyện nhà văn Nguyễn Công Hoan với tiểu thuyết "Bước đường cùng" mà học sinh của thế hệ trước đã từng học...

Kể chuyện làng: Xuân Cầu và tuổi thơ tôi - Ảnh 3.

Ảnh gia đình tác giả chụp cùng ông bà ngoại (bên trái ảnh) và ông chú. Ảnh: Tác giả cung cấp

 Vậy nên có thể nói làng Xuân Cầu là một làng quê có truyền thống cách mạng và khoa bảng. Từng hạt phù sa thấm đẫm truyền thống ấy của làng quê đã chảy vào những thế hệ sau, cho chúng tôi niềm tự hào về ông cha, nhắc nhở chúng tôi tiếp bước thế hệ đi trước mà sống sao cho xứng đáng, nên người. 

Kể chuyện làng: Xuân Cầu và tuổi thơ tôi - Ảnh 4.

Ba chị em họ chụp ảnh cùng cây đào Tô Hiệu ở nhà tù Sơn La. Ảnh: Tác giả cung cấp

Giờ đây, quê ngoại đã khác xưa nhiều lắm! Những ngôi nhà nhỏ lợp rơm hay ngói cũ đã thay thế bằng nhiều nhà mới khang trang. Đường làng trải nhựa rộng thay thế cho những con đường nhỏ ngoằn ngoèo. Con sông xưa dường như nhỏ lại. Nhiều thế hệ cháu con của làng đã như những cánh chim bay xa đi lập nghiệp ở muôn nơi nhưng những kỷ niệm về tuổi thơ và những câu chuyện đẹp về quê ngoại thì không bao giờ phai mờ trong ký ức. 

Tất cả đã trở thành máu thịt trong huyết quản để mỗi khi hướng về nơi ấy lại dạt dào trỗi dậy, nhắc nhở chúng tôi sống sao cho không hổ thẹn cùng những kỷ niệm đẹp và truyền thống của mảnh đất Xuân Cầu.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.

No comments

Khau Trang Y Te