Có cần phải làm lại căn cước công dân sau phẫu thuật thẩm mỹ?
Phẫu thuật thẩm mỹ có phải làm lại CCCD?
Làm đẹp ngày càng trở thành nhu cầu phổ biến của các chị em phụ nữ, thậm chí cả nam giới. Trong đó phẫu thuật thẩm mỹ với sự can thiệp của dao kéo khiến nhiều người dường như “lột xác”, trở thành một người khác hoàn toàn với dung mạo ban đầu trong ảnh giấy tờ tuỳ thân. Vậy trong trường hợp khuôn mặt của người phẫu thuật thẩm mỹ có nhiều thay đổi so với đặc điểm nhận dạng trên các loại giấy tờ tuỳ thân thì cá nhân này có cần làm lại các loại giấy tờ này.
"Đặc điểm nhận dạng" được hiểu là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.
Đặc điểm nhận dạng trên CCCD. Ảnh minh hoạ.
Theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, trong đó có "Thay đổi về thông tin họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng" sẽ phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Cụ thể:
Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
Như vậy, nếu phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng, khiến những người xung quanh không thể dễ dàng nhận ra gương mặt trước và sau phẫu thuật đều là cùng một người thì trong trường hợp này, công dân phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân.
Phẫu thuật thẩm mỹ có thể khiến 1 người hoàn toàn lột xác đến không nhận ra. Ảnh minh hoạ.
Đối với các loại giấy tờ khác
Ngoài Căn cước công dân, nhiều loại giấy tờ tuỳ thân quan trọng khác như hộ chiếu, giấy phép lái xe,... cũng sử dụng ảnh chân dung. Vậy công dân có cần làm lại những giấy tờ này sau khi phẫu thuật thẩm mỹ?
Đối với hộ chiếu:
Theo Điều 7 Luật xuất nhập cảnh 2019 có quy định thời hạn của hộ chiếu phổ thông như sau:
a) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 5 năm và không được gia hạn;
c) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Hiện nay, luật không có quy định cụ thể về các trường hợp thay đổi đặc điểm nhận dạng đến mức độ nào thì phải làm lại hộ chiếu, tuy nhiên đối chiếu với quy định nêu trên, hộ chiếu phổ thông nếu còn hạn thì vẫn được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Tuy nhiên, do hộ chiếu liên quan đến việc xuất nhập cảnh nên để đảm bảo rằng bạn có thể di chuyển giữa các quốc gia sau khi phẫu thuật thẩm mỹ thì bạn nên làm lại hộ chiếu nếu đặc điểm nhận dạng quá khác so với trước khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Có nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ mặt nhưng khi đi du lịch nước ngoài thì không được xuất cảnh vì khuôn mặt không khớp với ảnh hộ chiếu. Ảnh minh hoạ.
Đối với giấy phép lái xe:
Tại Điều 36 Luật giao thông đường bộ 2017 quy định các trường hợp cấp lại giấy phép lái xe gồm:
- Người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng.
- Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.
- Người có giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.
Như vậy không có quy định trường hợp thay đổi đặc điểm nhân dạng thì phải cấp lại giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, nếu việc phẫu thuật thẩm mỹ đã làm thay đổi đặc điểm nhận dạng khiến những người xung quanh không thể dễ dàng nhận ra gương mặt trước và sau phẫu thuật đều là cùng một người thì khi đổi lại thẻ căn cước công dân cũng nên làm lại hộ chiếu và xin cấp lại giấy phép lái xe để tránh tình trạng ảnh trên 3 mẫu giấy tờ tuỳ thân này lại khác nhau quá.
Đọc thêm
No comments