Bố mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm?
Đôi khi buồn bã, nổi loạn, đôi lúc thu mình và thậm chí bị rối loạn cảm xúc là một trong những điều dễ nhận thấy ở trẻ vị thành niên. Nếu những cảm xúc tiêu cực này diễn ra trong thời gian dài, rất dễ gây nên bệnh trầm cảm - một căn bệnh đang có rất nhiều trẻ mắc phải.
Đối với trẻ trầm cảm, bố mẹ phải dành sự quan tâm lớn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm
Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ nhỏ khác với dấu hiệu trầm cảm của những người đã bước vào độ tuổi trưởng thành. Trẻ bị trầm cảm thường biểu hiện bằng triệu chứng cơ thể, trong đó những cơn đau là điều mà trẻ gặp phải nhiều nhất: đau đầu, đau bụng, đau ngực, ngột ngạt kèm cảm giác lo buồn chán nản...
Khi rơi vào tình trạng này, trẻ thường xuyên có cảm giác buồn chán nhưng không thể hiện rõ ràng và không xác định được nguyên nhân cụ thể. Ngoài ra, cảm xúc của trẻ cũng có nhiều thay đổi như hay cáu kỉnh, khó chịu, giảm hứng thú trong học tập, công việc được giao phó và cả trong cuộc sống hằng ngày.
Trẻ mắc bệnh trầm cảm rất nhạy cảm với mọi vấn đề xảy ra xung quanh mình.
Trẻ trầm cảm luôn tự thu mình, cô lập bản thân với môi trường xung quanh, không thích tiếp xúc với mọi người. Khi đứng trước những hoạt động diễn ra xung quanh mình, trẻ sẽ thể hiện rõ thái độ thờ ơ, không có bất kỳ hứng thú nào. Những biểu hiện này thay đổi ở các mức độ khác nhau, từ tình trạng kém nhiệt tình đến thờ ơ.
Bên cạnh đó, trẻ còn thường xuyên mất ngủ, giấc ngủ bị rối loạn, trong nhiều trường hợp trẻ thường xuyên gặp ác mộng. Dấu hiệu của căn bệnh này còn thể hiện rõ ở tình trạng nằm nhiều nhưng lại mất ngủ và sẽ đưa ra những phàn nàn.
Những điều bố mẹ cần làm khi con bị trầm cảm
Thay vì dò xét, phụ huynh hãy cố gắng thể hiện tình yêu thương và quan tâm tới con nhiều hơn. Trong trường hợp không chắc chắn con có bị trầm cảm không, bạn cũng cần phải giải quyết những hành vi rắc rối và rối loạn cảm xúc của trẻ. Bằng cách trò chuyện, chia sẻ những gì mà trẻ đang trải qua và bạn phải thực sự lắng nghe trẻ nói, sẵn sàng giúp đỡ trẻ bất cứ điều gì.
Trầm cảm sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém. Một số thói quen như dậy trễ, ăn món nhiều calo và ngồi hàng giờ bên điện thoại, máy tính rất dễ gây ra bệnh trầm cảm. Lúc này, bạn có thể hỗ trợ con bằng cách tạo lập thói quen sống tích cực như vui chơi và sinh hoạt cùng gia đình vào những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ.
Xây dựng một số hoạt động gắn kết gia đình để trẻ mở lòng hơn với mọi người.
Những đứa trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích và bạn bè. Tuy nhiên, đơn độc chỉ khiến tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ, vậy những gì bạn có thể làm là giúp bé tái kết nối với xã hội. Thường xuyên đưa con ra ngoài chơi trò chơi tập hoặc kết giao thêm một số bạn mới.
Thay đổi lối sống khỏe mạnh hơn và biết hỗ trợ nhau là một cách giúp thế giới của trẻ trở nên khác biệt. Ngoài ra, khi bệnh trầm cảm trở nên trầm trọng, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học.
Bên cạnh đó, việc bạn tập trung quá nhiều sức lực và tinh thần vào bản thân con cái khiến bạn dễ quên đi nhu cầu của bản thân và nhiều thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, bạn nên quan tâm đến chính bản thân và thành viên khác nhiều hơn nữa.
Nguồn: Tổng hợp
No comments