Ngôi sao showbiz không phải trên bầu trời mà nằm trong trái tim khán giả…
Bốn tháng đầu của năm 2023 showbiz Việt không có quá nhiều khởi sắc, sản phẩm ấn tượng đậm dấu ấn nghệ thuật vẫn hoàn toàn vắng bóng.
Ngay cả bộ phim mang về cho Trấn Thành doanh thu gần 500 tỷ - Nhà Bà Nữ - vẫn vướng tranh cãi và tất nhiên chưa thể định vị là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Nhưng showbiz Việt không bao giờ thiếu ồn ào, scandal.
Gần đây nhất, cũng chính Trấn Thành, người lập thành tích doanh thu cho phòng vé phim Việt, làm dậy sóng dư luận bởi phát biểu "Đời nghệ sĩ khó nuốt" và "Ai muốn thử hào quang thì hãy nếm để biết nó thế nào".
Đàm Vĩnh Hưng giới thiệu dự án phim về cuộc đời nhưng làm nhiều khán giả phản ứng khi gắn chữ "The King".
Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng đều có lý do khi phát biểu như thế hoặc chọn cái tên cho bộ phim của mình. Họ không dùng từ nào trực diện khẳng định bản thân quyền lực, đứng trên mọi người nhưng khán giả vẫn bức xúc vì cảm thấy Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng cũng như một số nghệ Việt đang mắc bệnh ảo tưởng quyền lực.
Trao đổi với chúng tôi về những ồn ào thời gian qua của showbiz Việt, nhạc sĩ Thế Hiển đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Theo dõi những lùm xùm trong giới nghệ thuật vừa qua, tôi cảm thấy đau buồn. Dường như các em nghệ sĩ trẻ chưa hiểu hết giá trị của nghề biểu diễn. Làm nghệ sĩ là cống hiến hết mình cho cái đẹp của cuộc sống, phải biết trân trọng tình cảm của khán giả. Khán giả chính là nguồn động lực để nghệ sĩ tiếp tục xây dựng con đường của mình. Nếu không có khán giả, nghệ sĩ tài năng đến mấy cũng không thể đạt được hào quang, danh vọng.
Nếu người nghệ sĩ đặt cái tôi của mình lên trên tất cả, không tôn trọng tình cảm khán giả thì đến một lúc nào đó bị quay lưng, họ sẽ nhận quả đắng. Bởi vì trong cuộc sống luôn có luật bù trừ, nhân quả. Bạn gieo một hạt mầm tốt, bạn sẽ có một cái cây sẽ tươi xanh. Bạn gieo hạt mầm không tốt thì sẽ khó có ngày hái trái ngọt.
Tôi quan niệm ngôi sao ca nhạc, của nghệ thuật không ở trên bầu trời, mà nằm trong trái tim khán giả. Nghệ sĩ ảo tưởng sức mạnh, vai trò của mình vì họ chưa hiểu nhiệm vụ của mình trong cuộc sống. Cống hiến của người nghệ sĩ là bằng khả năng nghệ thuật. Họ mang lời ca tiếng hát, khả năng nghệ thuật để cống hiến cho cuộc đời. Nhiều năm trước, nghệ thuật Việt Nam đã có rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tài năng, nổi tiếng, cả cuộc đời cống hiến âm thầm nhưng không ai vỗ ngực xưng tên, coi thường khán giả.
Thời nay, không ít nghệ sĩ cảm thấy mình là người đương thời và tự cho mình quyền được đứng trên tất cả. Suy nghĩ đó là sai lầm bởi người nghệ sĩ càng cao danh vọng bao nhiêu càng nên khiêm tốn bấy nhiêu.
Trên thế giới, có nhiều ngôi sao bóng đá, thiên tài âm nhạc, hội họa nhưng không ai vỗ ngực xưng tên mình là ông vua, hoàng đế cả. Khiêm tốn mới là đỉnh cao của người theo con đường nghệ thuật. Thầy tôi, NSND Quốc Hương, từng dạy dù có trở thành ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thế nào cũng cần phải khiêm tốn. Bởi mỗi người chỉ là cá thể rất nhỏ nhoi và sự đóng góp của mình cũng rất nhỏ bé trong đất nước, cuộc đời.
Là nhạc sĩ, ca sĩ biểu diễn khắp các tỉnh thành, tôi nhận thấy đất nước mình có nhiều tấm gương, biết bao con người đã cống hiến công sức, thậm chí cuộc sống của mình cho đất nước. Do đó, tôi cảm thấy việc đóng góp của mình rất nhỏ nhoi trong tất cả những sự hy sinh thầm lặng và sự cống hiến của nhiều người. Tôi quan niệm rằng trách nhiệm của nghệ sĩ là hãy cống hiến, đóng góp hết mình, mang đến những điều gì tốt đẹp cho khán giả.
Ngược lại, khán giả chưa bao giờ để nghệ sĩ thiệt thòi. Khán giả luôn trân trọng nghệ sĩ, luôn dành cho người làm nghệ thuật tình cảm và sự ưu ái đặc biệt. Do vậy, nghệ sĩ đừng bao giờ đánh mất tình cảm khán giả đã dành cho mình.
Nghệ sĩ cũng đừng quên rằng chính khán giả đã nhìn thấy, đánh giá sự đóng góp của mình. Khán giả luôn nhận xét công tâm. Ai đúng ai sai, khán giả đều biết. Vì vậy nghệ sĩ không nên ỷ lại việc nhận nhiều tình cảm của khán giả để có thể phát ngôn, hành xử không đúng.
Nếu so sánh với các bậc tiền bối trước đây, thế hệ nghệ sĩ hiện nay may mắn hơn nhiều cũng như có nhiều cơ hội để tỏa sáng, với cuộc sống đủ đầy. Tôi nhớ thầy Quốc Hương, nhiều nghệ sĩ thế hệ của thầy có tài năng và nhân cách lớn nhưng cuộc sống vô cùng khó khăn. Thầy đi hát và đi dạy học bằng xe đạp. Cả đời mơ ước một chiếc cassette nhưng cũng không thể có.
Thầy đi hát bị khan giọng, chỉ nói nhỏ với tôi xuống bếp xin các chị hậu cần một chén nước mắm. Tôi đã thắc mắc không biết thầy đang hát mà xin nước mắm để làm gì. Hóa ra, thầy bị đau họng và đã uống luôn chén nước mắm đó. Sáng mai, thầy lại tiếp tục đi biểu diễn say mê. Khó khăn như thế nhưng chưa bao giờ tôi nghe thầy than thở về nghề. Đôi khi sự giản dị, khiêm cung lại góp phần tạo nên tầm vóc của một nghệ sĩ lớn, chứ không phải vẻ ngoài hào nhoáng.
Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển có gia tài 200 ca khúc trong hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc. Một loạt ca khúc gắn liền với nhạc sĩ Thế Hiển như Tóc Em Đuôi Gà, Hoài Niệm Dấu Yêu, Hát Về Anh, Nhánh Lan Rừng… Ông từng được nhận Huân chương lao động hạng III. Ca nhạc sĩ Thế Hiển sẽ nhận danh hiệu NSND vào tháng 9 tới.
No comments