Nghiên cứu của Trung Quốc: Hơn 82% dân số nước này đã mắc COVID-19
Bài nghiên cứu này đã dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) cho biết, từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023 là thời điểm số ca COVID-19 tăng mạnh ở nước này. Nhiều người mắc bệnh có thể chưa được xét nghiệm axit nucleic hoặc kháng nguyên, khiến dữ liệu của CDC Trung Quốc không phản ánh chính xác mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh vào thời điểm đó.
Người dân xếp hàng tại một điểm xét nghiệm Covid ở Bắc Kinh (Ảnh: Getty Images)
Theo nội dung bài viết đăng trên tờ Bắc Kinh buổi chiều, trong trường hợp này, các cuộc khảo sát trực tuyến có thể được sử dụng như một công cụ giám sát nhanh để đánh giá mức độ bùng phát. Theo đó, từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 4 cuộc khảo sát trực tuyến tại 31 khu vực hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc. Các cuộc khảo sát này đã sử dụng bảng câu hỏi ẩn danh, thu thập dữ liệu về giới tính, tuổi tác, địa chỉ, nghề nghiệp, tình trạng tiêm chủng, loại vaccine, thời gian kể từ lần tiêm cuối, tình trạng bệnh (triệu chứng, ngày và phương pháp chẩn đoán) của người tham gia và số người chung sống bị nhiễm bệnh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm tự báo cáo đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ 19-21/12/2022. Tính đến ngày 7/2/2023, 82,4% dân số Trung Quốc đã mắc COVID-19.
Cũng theo nghiên cứu này, việc tiêm mũi tăng cường vaccine có thể ngăn ngừa hiệu quả sự xuất hiện của các triệu chứng như sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng, ho, đờm, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, mệt mỏi và hạ đường huyết. Trong vòng 3 tháng kể từ khi tiêm mũi nhắc lại, hiệu quả phòng bệnh đối với biến thể Omicron là 49%, từ 3-6 tháng là 37,9%. Ngoài ra, trong vòng 3 tháng sau khi được tiêm nhắc lại, hiệu quả ngăn ngừa các triệu chứng bệnh là từ 48,7% - 83,2% và từ 25,9% - 69,0% trong vòng 3-6 tháng.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận, nghiên cứu có những hạn chế nhất định do cuộc khảo sát trực tuyến sử dụng một mẫu tiện lợi thực hiện thông qua WeChat, đường cong dịch bệnh được thiết lập bằng cách sử dụng dữ liệu của 2316 người tham gia với ngày nhiễm bệnh cụ thể, những người tham gia nghiên cứu không được phân bổ đồng đều trên toàn quốc, lịch sử lây nhiễm của người tham gia không được thu thập và số lượng mẫu hạn chế. Tất cả những điều này có thể dẫn đến sai lệch trong kết quả.
No comments