Đạp xe đi làm bùng nổ thời xăng tăng và "bão giá" bị nhiều người cho là phi thực tế, vậy người trong cuộc nói gì?
Dạo gần đây người ta nhắc nhiều hơn đến "đạp xe đi làm" và đỉnh điểm nhất khi giá xăng tăng cao, nhiều người càng bàn luận nhiều hơn về nó. Tuy nhiên, sau những chia sẻ về việc đạp xe đi làm này, không ít cộng đồng mạng có những bình luận cho rằng "quá phi thực tế"?
- "Với cái thời tiết TP. HCM hiện tại, đạp tới công ty xong mồ hôi nhễ nhại rồi sao làm việc?"
- "Mùi mồ hôi thật sự là ảnh hưởng tới mọi người xung quanh"
- "Thay vì cực khổ đạp xe, tại sao không tiết kiệm các khoản chi tiêu vô bổ khác để đi làm suôn sẻ, tránh kẹt xe hay quá mệt mỏi?"
... Đó là những bình luận tiêu biểu và dễ bắt gặp nhất mỗi khi có những bài viết tương tự xuất hiện. Thế nên, chúng tôi đã gặp lại trực tiếp các nhân vật từng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội khi nói về sở thích đạp xe đi làm của mình thời gian gần đây. Để xem, họ có suy nghĩ gì về những vấn đề đặt ra ở trên.
ĐẠP XE ĐI LÀM LIỆU CÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN GIÁ XĂNG TĂNG?
Anh Hoàng Thanh Thắng (hiện đang làm Marketing ở TP.HCM) được nhiều người biết đến khi đạp xe đi làm liên tục trong 4 năm nay. Sau khi đọc các comment của cộng đồng mạng, anh Thắng cho biết bản thân cũng là một nhân sự bình thường chứ không hề sở hữu công ty như mọi người đang đoán. Anh chia sẻ: "Mình đạp xe đi làm cũng đã khá lâu từ năm 2019. Tuy nhiên thời điểm đó mình di chuyển kết hợp vừa bằng xe máy vừa bằng xe đạp. Đến 2020 thì mới chuyển hẳn sang xe đạp. Hiện tại, tổng quãng đường đi làm bằng xe đạp của mình khoảng 22-24km/ngày".
Anh Thắng bắt đầu đạp xe đi làm từ 2019 (Ảnh: NVCC)
Khi hỏi về lí do anh Thắng chuyển hoàn toàn sang xe đạp, anh cho biết không phải lí do xăng tăng mà là do muốn thử thách bản thân: "Bản thân muốn tự ép vào khuôn khổ và lập kế hoạch về việc quản lý thời gian. Mình đi xe đạp mất nhiều thời gian hơn nên phải có sự chuẩn bị mọi thứ rất sớm từ công việc và thời gian đều phải nằm trong tầm kiểm soát. Đồng thời mình cũng muốn cải thiện sức khoẻ, điều chứng minh rằng trước kia mình có hút thuốc lá, nhưng từ khi đạp xe mình đã bỏ được".
Anh Thắng tâm sự thêm: "Đi xe đạp một thời gian mình lại thích không khí thư thái của buổi sớm, không phải hối hả tất bật, không phải bon chen. Mọi thứ đều có dư thời gian nên bản thân luôn có sự chủ động và tăng khả năng kiểm soát cuộc sống của mình".
Đồng quan điểm với anh Thắng, chị Trúc Linh (Nhân viên văn phòng ở TP.HCM) cho biết, bản thân mình cũng đạp xe đi làm từ đợt giãn cách: "Lí do chính để mình hạ quyết tâm đạp xe đi làm cả chục km là mong muốn sức khoẻ tốt lên và được ngắm phố phường, hít thở không khí trong lành. Còn về xăng tăng chỉ là một 'cái cớ' để bổ sung vào những lí do trên thôi".
Chị Trúc Linh đạp xe đi làm sớm tận hưởng không khí và check-in các địa điểm thường ngày ít có dịp lui tới (Ảnh: NVCC)
Việc đi làm bằng xe đạp và vượt qua gần chục km như vậy đồng nghĩa với việc dậy sớm, kéo theo đó là sắp xếp thời gian biểu sao cho thật phù hợp. Cả hai chia sẻ thường ra ngoài trước giờ làm 2 tiếng, đạp xe cho chậm, thong thả, ghé tiệm ăn sáng và lân la uống cà phê với bạn bè hoặc check-in một địa điểm nào đó.
"CÔNG TY CHÚNG TÔI ĐỀU CÓ PHÒNG TẮM NÊN CÓ THỂ THAY ĐỒ NGAY KHI ĐẠP XE TỚI NƠI"
Hiện nay, các hội nhóm thể thao về xe đạp cũng xuất hiện nhiều trên MXH với số lượng thành viên rất đông đảo bao gồm cả bộ môn xe đạp và nhóm sử dụng xe đạp đi làm. Việc người trẻ đi làm bằng xe đạp giờ đã là một điều gì đó không quá mới mẻ và kỳ lạ trong mắt mọi người nữa.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt nhiều thắc mắc khi đi xe thì có rất nhiều cái "bất tiện" ví dụ như chuyện mồ hồi, chuyện trễ giờ...
Anh Hoàng và chị Trúc Linh cùng cho biết: "Tại công ty đều có phòng tắm nên thường nếu ra mồ hôi nhiều sẽ vệ sinh và lấy đồ mới để thay. Trời mưa thì mặc áo mưa, gặp vũng nước thì né như bao người thôi. Nhưng xác suất đi gặp trời mưa thì rất thấp. Còn nếu có chuyện cá nhân gì gấp thì sẽ bắt xe công nghệ hoặc taxi để đi".
Khi hình ảnh đạp xe giữa đường phố của anh Hoàng với chiếc túi laptop ở đằng trước được dân mạng bàn tán xôn xao với câu hỏi: "4 năm liền chiếc túi này sao vẫn còn nguyên được vậy?".
Anh Hoàng cũng chia sẻ thẳng thắn: "Thông thường mình không mang gì khi đi làm, đợt ghi hình là sau một chuyến công tác ở Hà Nội về mình mới mang đồ lên lại công ty. Việc giật cướp mà mọi người nghĩ tới nó cũng thú vị ghê. Mình đi tuyến đường 8 làn xe, di chuyển vào ban ngày với mật độ giao thông dày đặc. Việc mình treo đồ nhìn đơn giản nhưng cũng có khoá tử tế".
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận việc đi xe đạp cũng giúp tiết kiệm một khoản trong chi tiêu gia đình, có lẽ anh Thắng và chị Trúc Anh cũng như vậy. Đặc biệt, dạo gần đây người ta thường xuyên nhắc về vấn đề "bão giá" khi đồng loạt mọi thứ đều tăng lên.
THỜI "BÃO GIÁ" LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG CẢM THẤY ÁP LỰC?
Quả thực, việc đạp xe là một hoạt động vô cùng tích cực với nhiều lợi ích ở phía sau nhưng không phải ai cũng phù hợp. Có một câu khá đúng trong trường hợp này đó là "nếu thích thì bạn luôn tìm cách, còn không thích bạn sẽ luôn tìm lý do". Nên hoạt động đạp xe với một số người có thể không giải quyết được quá nhiều về vấn đề, may ra là có thêm vài bát phở mỗi tháng cho căng cái bụng hơn. Nhưng với những người yêu đạp xe, quá bận rộn để đến phòng gym mỗi tối thì phương pháp này cũng được xem là lý tưởng nếu bản thân họ cảm thấy "chẳng có vấn đề gì để bàn".
Và nếu bạn là người không hợp, không thích đạp xe thì có thể tìm phương pháp khác để cải thiện tài tình hình tài chính qua nhiều cách khác nhau. Có thể là kiếm thêm việc tay trái, đầu tư với số vốn phù hợp, hoặc đơn giản nhất là chọn cách tiết kiệm - nếu bạn không ngại việc chi tiêu trong cuộc sống trở nên có quy củ hay eo hẹp hơn.
No comments