Sinh viên đi làm MC kiếm gần chục triệu/ đêm: Đa dạng môi trường, phục vụ đam mê nhưng vẫn đầy RỦI RO
Người dẫn chương trình (hay còn gọi MC) là những người dẫn dắt khán thính giả trong một buổi sự kiện, trình diễn, được xem là nghiệp vụ thuộc về nghệ thuật giải trí. Ngày nay, những bạn trẻ khi còn là sinh viên với năng khiếu của bản thân, một giọng nói tốt và tự tin trước đám đông thường chọn làm nghề MC để có thể trang trải cuộc sống, và kiếm thêm thu nhập cho bản thân.
Dưới đây là một số bạn trẻ đã chọn làm công việc MC ngay từ khi còn là sinh viên. Cùng nghe những lời chia sẻ của họ để hiểu hơn về chinh phục nghề MC khi còn là sinh viên nhé!
Làm MC: Vì đam mê nhưng tiền cũng là yếu tố không thể thiếu
Với sinh viên, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, các bạn thường nhận MC cho các chương trình văn nghệ nhỏ ở trường, sự kiện, đám cưới,... với mức cát - xê dao động khá thấp khoảng vài trăm đến hàng triệu cho một sự kiện.
“Từ hồi còn học cấp 3 mình đã có cơ hội cầm mic tại các sân khấu nho nhỏ tại trường, làng xã. Trước đó mình cũng không biết làm MC là như thế nào, mỗi chiều tối ăn cơm khi xem Chuyển động 24h thấy chị Thuỵ Vân, chị Thu Hương dẫn mình cũng mong sau này được làm BTV giống như các chị. Tới năm lớp 11 khi bắt đầu tìm kiếm ngành học, trường đại học, mình tình cờ biết đến Câu lạc bộ AMC của Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Đây là nơi đã tìm ra và rèn luyện nhiều MC tài năng và nổi tiếng. Mình đã theo dõi ngôi nhà chung này, các anh chị của tiền bối bước ra từ CLB từ khi đó và niềm yêu thích với cây mic cứ thế lớn dần lên.
Lớp 12 mình được thầy Bí thư Đoàn trường mời dẫn Chương trình Trung thu cho các em nhỏ con các thầy cô trong trường, đó có lẽ là chương trình chính thức đầu tiên, mình được tự lên ý tưởng chương trình, viết kịch bản, được thuê váy vóc, makeup để xinh đẹp lên sân khấu. Trộm vía khởi đầu cũng khá suôn sẻ dù đó là một chương trình nghĩ lại thì siêu đơn giản, nhưng có lẽ cũng vì suôn sẻ nên mình mới đủ động lực để tiếp tục chinh phục”, cô bạn Phương Anh (sinh viên năm 4, Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
Phương Anh chia sẻ MC là một nghề "giàu trải nghiệm"
Còn với Lê Minh Đức (sinh viên năm 3 lớp Truyền Hình 39, khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết nghề MC đến với cậu một cách rất tình cờ.
“Mình hoàn toàn không có bất kỳ một kinh nghiệm gì về lĩnh vực MC cho tới khi lên tới năm nhất Đại học. Cũng bởi lẽ ở cấp 3 mình không hẳn là một người rụt rè nhưng chưa có “đất diễn”, chưa có môi trường phù hợp để thật sự bộc lộ được khả năng sân khấu của mình. Nên dường như mình luôn tự dán cho mình 1 cái mác “hướng nội”, và công việc MC là “quá hướng ngoại” so với bản thân mình.
Sân khấu đầu tiên mà mình nhớ nhất là vào Rằm trung thu năm đó, một bạn nữ trong lớp ĐH của mình có rủ mình đi dẫn một chương trình phát quà cho các bệnh nhi tại một Bệnh viện. Không hề có một tý kinh nghiệm nào, kỹ năng cũng vô cùng bản năng chưa qua một trường lớp, hồi hộp, lo lắng dĩ nhiên là cảm xúc của mình lúc đó. Lúc đó cũng không hẳn mình nhận lời vì “dám làm” mà sợ từ chối vì “ngại”. Thế là thôi cứ cắm đầu vào làm kịch bản, chuẩn bị trang phục, rồi cố tập luyện thật nhiều, nghĩ cứ “tới đâu thì tới”.
Đó cũng là lần đầu tiên mình hiểu hết những quy trình 1 MC phải chuẩn bị những gì trước mỗi chương trình, những tình huống gì có thể phát sinh mà MC cần phải xử lý. Những luống cuống ngay cả trong lúc giở từng tờ kịch bản, rồi nói nhịu nói vấp tới ngượng “chín cả mặt” tất nhiên là không tránh khỏi. Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Dẫn một chương trình dù chỉ là phi lợi nhuận, khán giả đa số là những em nhỏ, nhưng lần hóa thân thành “Chú Cuội” đó đã giúp mình dạn dĩ hơn rất nhiều”.
Minh Đức tâm sự về nghề MC
Nhiều bạn cho rằng, ban đầu đi làm MC, thu nhập chỉ để đủ trang trải cho tiền xăng xe, phục trang và những phí lặt vặt khác. Tuy nhiên, đổi lại các bạn được học hỏi rất nhiều điều từ công việc này.
Phương Anh cho biết bén duyên với nghề dẫn từ năm nhất nên đã không phụ thuộc vào tài chính của gia đình nhiều mà tự chủ hoàn toàn vào bản thân: “Mình nghĩ các bạn sinh viên đi dẫn sẽ có mức thu nhập ở mức khá thôi, cao hơn nhiều nghề nhưng cũng thấp hơn nhiều nghề. Nói chung MC sinh viên “giàu”, nhưng là “giàu trải nghiệm”. Còn bật mí về job nhận được mức tiền cát-xê khá cao thì… là mức đủ để mình trở thành nhà tài trợ đồng hành cho một chương trình ở trường mình thôi”.
Phương Anh cho biết bén duyên với nghề dẫn MC từ năm nhất
Trong khi đó, khi được hỏi mức lương khi làm MC, cậu bạn Ngọc Tân (sinh viên năm 3, Khoa Khoa học Quản Lý CLC TT23, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) lại thật thà: “Nghề MC sau một lần dẫn có mức lương khá cao, nhưng đấy là dành cho các anh chị tiền bối, MC có kinh nghiệm dẫn lâu năm, nổi tiếng hoặc có quan hệ lâu dài với đối tác mới có thể nhận được mức lương từ 2-3 con số thậm chí hơn”.
Cậu chia sẻ thêm đối với mình, hay các bạn MC trẻ mới là học sinh sinh viên thì điều tự chủ tài chính từ MC chắc là khó vì cậu bạn còn phải quan tâm đến nhiều thứ hơn ở môi trường sống tại Đại học. Tân tiết lộ một bí mật, có lần cậu bạn dẫn một chương trình có một khoảng tiền gần 10 triệu đồng chỉ trong một lần dẫn, đây là số tiền cao nhất mà một job mà tân từng kiếm được.
Học theo những người đi trước để vượt qua những khó khăn trong nghề
Để trở thành một MC chuyên nghiệp không chỉ có ngoại hình mà còn có cả tư duy, chẳng hạn như bản lĩnh sân khấu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng biên tập giọng nói, nụ cười,... Muốn như vậy, mỗi ngày, ngoài việc học hỏi ở trường, các bạn sinh viên còn phải học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, để từ đó tìm được “chất dẫn riêng” cho bản thân mình.
Với Diệu Anh, ngay từ khi bước chân vào nghề, cô bạn đã xác định phong cách dẫn và kim chỉ nam cho công việc chính là sự điềm đạm, chân thành. Đồng thời yếu tố biết được sự nổi bật của bản thân cũng là một trong những điều quan trọng giúp Diệu Anh trở thành gương mặt tạo được dấu ấn đối với khán giả
“Công việc MC là một công việc được nhiều khá nhiều bạn trẻ hướng tới và có cạnh tranh. Nhưng mình luôn biết cách làm mình nổi bật và biết được điểm yếu của mình ở đâu, điểm yếu thì mỗi ngày mình biết cách trau dồi thêm và khắc phục, còn điểm mạnh thì mình sẽ phát huy và biến nó thành màu sắc riêng của mình. Để đến khi mọi người nhớ đến mình qua các chương trình thì mình sẽ lấy đó làm động lực để tiến tới và phát triển”.
Cô bạn Diệu Anh luôn thể hiện sự chỉn chu nhất
Về phần mình, với khoản kinh nghiệm tích lũy được, Minh Đức nhận định bên cạnh việc học hỏi, trau dồi từ những tiền bối đi trước thì một MC thành công cần có 3 yếu tố:
- Có nội dung: đơn giản là họ có khả năng biến những thông tin mà “ai cũng biết” thành những điều “ai cũng muốn nghe”.
- Có khán giả: không nhất thiết phải là fan hâm mộ, mà đó là sự công nhận, yêu mến từ một bộ phận những người nghe họ nói.
- Có thâm niên: “Thời gian sẽ trả lời”, mình sẽ không thể coi ai đó là “thành công” trong nghề nếu tuổi nghề của họ mới chỉ vỏn vẹn 1, 2 năm.
Nhiều ý kiến cho rằng: “Nếu muốn nhìn nhận một người thành công hay không thì hãy nhìn vào tiền đồ, sự nghiệp của họ. Nếu như họ có tiền đồ vững chắc, họ sẽ có được tất cả những gì họ mong muốn và chắc chắn sẽ thành công”. Còn với nghề MC, sự thành công của nghề là sự ghi nhận của khán giả.
Cậu bạn Minh Đức điển trai, luôn cố gắng trong nghề
Chính sự yêu mến của khán giả sẽ là động lực khiến mỗi bạn nhận ra rằng cuộc sống này còn nhiều điều thật đẹp, và việc làm MC truyền hình sẽ là cầu nối giúp lan tỏa sự tốt đẹp tới hàng chục, hàng trăm ngàn con người khác.
Phương Anh luôn coi những áp lực vô hình là chìa khóa giúp bản thân biết được mình thực sự muốn gì cần gì, “hình như mình cũng không đặt nặng phải “khác biệt hơn” so với người khác đâu, vì vốn dĩ mỗi mỗi người một cuộc sống và một hành trình mà.
Có một câu nói như thế này: “Khi bên trong đã đủ đầy thì áp lực phải làm dày lớp vỏ bên ngoài cũng nhẹ bớt đi”. Khi bản thân mình tự thấy mình đã điều phù hợp thì tự khắc mình sẽ khác biệt thôi”.
Cân bằng giữa việc học với đam mê của bản thân, đôi lúc có thể là trái ngành
Không phải ai cũng may mắn tìm được công việc yêu thích hay đúng chuyên ngành đào tạo mà mình đang học, cũng không phải ai cũng có thể cân bằng giữa việc học và việc làm. Các bạn sinh viên làm MC cũng vậy, để cân bằng khối lượng công việc, vừa theo đuổi được ước mơ là cả một quá trình gian nan, vất vả.
Với Ngọc Tân (sinh viên năm 3, Khoa Khoa học Quản Lý CLC TT23, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn), để có thể cân bằng chuyện học, làm MC và tham gia các CLB là một hành trình khá gian nan, nhưng cậu bạn vẫn cố gắng cân bằng việc học và làm nghề,
Ngọc Tân tâm sự: “Việc học vẫn là việc mình phải ưu tiên nhất và MC là một niềm đam mê nên là sau những giờ học mình sẽ dành thời gian học tập, luyện tập ở các trung tâm luyện giọng. Nếu có sự kiện, mình sẽ bàn bạc lại với ban tổ chức về thời gian để làm sao cân bằng nhất giữa việc học và việc đi làm MC”.
Ngọc Tân luôn xem việc học là ưu tiên hàng đầu
Cậu bạn cũng chia sẻ ưu điểm của mình là sức trẻ, màu sắc mới mẻ và tinh thần không bị ràng buộc quá nhiều bổi cậu còn là sinh viên nên cậu có thể tạo ra màu sắc đa dạng hơn, góc nhìn trẻ trung hơn. Ngọc Tân không học ngành liên quan đến việc làm MC, cậu bạn học ngành Khoa học Quản lý nên cậu bạn xem việc làm MC như là ngành thứ hai mình học.
“Mình vẫn sẽ chăm chỉ, theo đuổi ngành học mình tại trường Đại học. Còn nghề MC là niềm đam mê, mình có thể kiếm ra tiền từ niềm đam mê đó nên là mình sẽ phải học thêm, luyện tập thêm, cứ coi đó như là học “bằng kép” đi”, Ngọc Tân cười.
Ngọc Tân, chàng MC vui tươi và hoạt bát
Diệu Anh (sinh viên năm 3, khoa Phát thanh truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng băn khoăn, tìm cách cân bằng giữa việc học và đi dẫn chương trình. Tuy nhiên, cô bạn xem việc làm MC như một công việc để có thể duy trì, trang trải học phí.
Diệu Anh nói: “MC có mức lương khá cao so với các bạn sinh viên, công việc này giúp mình tự lập tài chính mà không cần xin trợ cấp từ gia đình. Mức lương đầu tiên mình nhận được khi đi dẫn tầm khoảng 12 triệu/tháng, sau đó mình cũng làm thêm và có thêm jobs từ bên ngoài để trang trải học phí, phí sinh hoạt”. Diệu Anh luôn cố gắng, sắp xếp và ưu tiên việc học hơn sắp xếp việc dẫn chương trình, làm MC làm sao để thuận tiện cho lịch học nhất.
Diệu Anh xem MC là công việc này giúp mình tự lập tài chính
Về phần mình, Quỳnh Diễm (sinh viên năm 3, Luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) chỉ mới bén duyên với việc cầm mic từ năm 2 Đại học, từ đây cô bạn mới tìm cách theo đam mê MC. Trước đó, Quỳnh Diễm định hướng ban đầu của mình cũng sẽ theo nghề Luật bởi đây là nghề truyền thống của gia đình Diễm. Vừa học, vừa làm đôi lúc Diễm cũng cảm thấy có một chút khó khăn bởi rất nhiều lần cô bạn rơi vào trường hợp có những show, sự kiện trùng lịch học ở trường, bởi nghề MC không có thời gian cố định.
“Có một khoảng thời gian mình đã rất áp lực giữa việc phải chọn điều gì thực sự cần với bản thân. Mình nghĩ rằng, việc cân bằng này cũng nên linh động. Ở các giai đoạn khác nhau, mình sẽ sắp xếp thời gian của mình theo các cách khác nhau để phù hợp với các mục tiêu. Với mình được sống và làm những điều mình đam mê chính là hạnh phúc”, Quỳnh Diễm tâm sự đôi lúc cũng gặp chút khó khăn.
Nói về nhược điểm khi vừa làm vừa học, Quỳnh Diễm chia sẻ mình chưa thể dành toàn bộ thời gian để theo đuổi đam mê được vì mình còn phải đi học.
Quỳnh Diễm, cô nàng MC xinh xắn đến từ ĐH Luật Hà Nội
Có thể thấy, MC được đánh giá là một trong những nghề hot, và là ước mơ, mục tiêu phấn đấu của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên. Nhiều người lầm tưởng làm MC chỉ việc nói, đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thực chất vô cùng khó khăn, vất vả. Với các bạn sinh viên thì việc vừa theo đuổi khối lượng công việc MC vừa cân bằng việc học không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên nếu dành đủ thời gian, đầu tư và cống hiến thì đây thật sự là một công việc có tiềm năng vô cùng lớn.
Ảnh: NVCC
https://kenh14.vn/sinh-vien-di-lam-mc-kiem-gan-chuc-trieu--dem-da-dang-moi-truong-phuc-vu-dam-me-nhung-van-day-rui-ro-2022050323471458.chn
No comments