Breaking News

Lễ khai mạc SEA Games 31: Tái hiện một Việt Nam kiên cường, thân thiện và khát vọng

Với thông điệp "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a stronger South East Asia", Lễ khai mạc SEA Games 31 bao gồm 3 chương Việt Nam thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ, Đông Nam Á tỏa sáng.  1.000 diễn viên bao gồm những nghệ sĩ, sinh viên của các đoàn, trường nghệ thuật đã trình diễn trong 5 đại cảnh lớn ở sân khấu rộng 7.000 m2 của sân Mỹ Đình (Hà Nội), tạo thành một không gian văn hóa tràn ngập màu sắc và thông điệp.

Lễ khai mạc SEA Games 31: Tái hiện một Việt Nam kiên cường, thân thiện và khát vọng - Ảnh 1.

Hình ảnh màn trình diễn tiết mục "Việt Nam xin chào" với biểu tượng cây tre. (Ảnh: Đức Sơn).

Lễ khai mạc SEA Games 31 mở màn với hình ảnh tre Việt Nam - biểu tượng của căn cước văn hóa Việt với hệ quy chiếu: Tổ quốc - Quê hương và Gia đình. Trên sân khấu, màu xanh bao trùm cùng hình tượng cây tre như cách thể hiện mối quan hệ vững bền và tình đoàn kết của các quốc gia Đông Nam Á. Ánh sáng và đồ họa được sử dụng khá dày đặc trong tiết mục, nhằm tăng ấn tượng cho các phân cảnh. 

Hoa sen – loài quốc hoa của đất nước Việt Nam cũng được giới thiệu trên sân khấu lễ khai mạc, với sự xuất hiện của diễn viên múa Linh Nga cùng các bạn diễn. Sở hữu kinh nghiệm sân khấu kỳ cựu và ngoại hình bừng sáng, Linh Nga dẫn dắt được người xem vào không gian đặc biệt, tái hiện lại vẻ đẹp của loài hoa là đặc trưng cho sự trong trắng, thủy chung, thể hiện một cách rõ nét tinh thần và cốt cách của người Việt trong quần thể đa sắc tộc Đông Nam Á.

Lễ khai mạc SEA Games 31: Tái hiện một Việt Nam kiên cường, thân thiện và khát vọng - Ảnh 2.

Màn múa "Hồn sen Việt" với Linh Nga là diễn viên múa chính. (Ảnh: Đức Sơn).

Sân khấu cũng thể hiện hình ảnh biểu tượng văn hóa của các nước Đông Nam Á thông qua các bức tranh dân gian Đông Hồ. Đây là một ý tưởng thú vị, vừa khoe khéo được một di sản phi vật thể cấp Quốc gia, vừa thể hiện sự hữu nghị và kết nối với các quốc gia trong khu vực. 

Trong khi đó, tiết mục múa nón "Đường đến Việt Nam" điểm lại những thành tích và dấu ấn của 30 kỳ SEA Games, thể hiện dòng chảy xuyên suốt của thời gian thông qua hiệu ứng đèn led và ánh sáng. Kết hợp những yếu tố truyền thống và hiện đại, người xem dễ dàng cảm nhận được một hình ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc, nhưng cũng luôn cầu thị, hội nhập và phát triển.

Lễ khai mạc SEA Games 31: Tái hiện một Việt Nam kiên cường, thân thiện và khát vọng - Ảnh 3.

Màn biểu diễn kết hợp nghệ thuật, võ thuật, trống khai hội Countdown và công nghệ mapping của số lượng lớn diễn viên, nghệ sĩ trong lễ khai mạc SEA Games 31.

Tại phần cuối chương trình, màn múa và võ thuật "Chung dòng chảy Đông Nam Á" với số lượng lớn các vận động viên, diễn viên thể hiện hình tượng con thuyền Đông Nam Á cùng nhau vượt qua mọi sóng gió, thăng trầm một lần nữa thể hiện khát vọng đoàn kết, phát triển của các quốc gia trong khu vực. Sử dụng công nghệ mapping, không gian nghệ thuật dường như được mở rộng hơn, gây ấn tượng với đông đảo khán giả.

Màn trình diễn ca khúc chính thức của SEA Games 31 mang tên "Hãy tỏa sáng" - Let's shine" do nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác được đảm nhiệm bởi hai gương mặt kỳ cựu là diva Hồng Nhung và ca sĩ Tùng Dương. So với bản demo được tung ra trước đó, "Let's shine" có không ít thay đổi. Ca khúc được đánh giá là đúng với thông điệp của ngày hội thể thao khu vực - hào hùng, tươi vui, mạnh mẽ và đầy khí thế.

Trong Lễ khai mạc SEA Games 31, nước chủ nhà Việt Nam sử dụng công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - EX), Thực tế ảo (VR-Virtual Reality), thực tế hỗn hợp (MR-Mixed Reality). Cùng với đó là ngôn ngữ biểu trưng của văn hóa dân gian đã trở thành di sản được thế giới công nhận để quảng bá tới bạn bè trong khu vực.

Lễ khai mạc SEA Games 31 đã kết thúc thành công, với một chương trình nghệ thuật khá đặc sắc, kết hợp nhiều yếu tố truyền thống và hiện đại. Hi vọng, đây sẽ là khởi đầu cho sự thành công vang dội của thể thao Việt Nam cũng như nền thể thao khu vực sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch.

No comments

Khau Trang Y Te