30 tuổi công việc ổn định, nhà ở trung tâm, thu nhập 3 chữ số nhưng: Tôi không chọn mua ô tô!
Câu chuyện lần đầu mua ô tô, hay có nên mua ô tô hay không đã và đang thu hút nhiều luồng ý kiến trái chiều. Người cho rằng ô tô là tiêu sản, nhưng người lại khẳng định có ô tô giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn, và tận hưởng không có gì là sai cả.
Chúng tôi xin chia sẻ bài viết với quan điểm "Tôi không chọn xe hơi..." của Danh Trần - 1 giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng trước chủ đề rôm rả này:
Danh Trần
-
- Wealth Advisory Manager - Cty CP Chứng khoán VPS.
-
- Giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.
Một buổi tối sau giờ làm, đi qua con đường Hồ Xuân Hương để về nhà, tài xế chở tôi phải dừng lại. Thấy đang đi tự nhiên xe dừng lại, tôi mới ngoái ra nhìn. Thì ra chúng tôi đang mắc kẹt giữa những chiếc ô tô đậu san sát hai bên đường. Thực tế con đường rộng chưa đầy năm mét với hai làn đường không có chỗ cho việc đậu xe, dù các cơ sở quán xá hai bên rất tấp nập. Lúc đó có mấy anh trật tự đang tất bật dọn dẹp và phân luồng để cho dòng xe lưu thông qua lại. Chủ xe thì không biết đang ăn nhậu chỗ nào. Tôi tự nói trong lòng: Những người chủ xe thật thiếu trách nhiệm và ích kỷ.
Đó là thực trạng chung của tất cả các tuyến đường tại Thành phố đã vượt hơn mười triệu dân này. Đường xá, cơ sở hạ tầng thì chưa cải thiện mấy nhưng số lượng xe cá nhân đã tăng lên khủng khiếp dẫn đến ách tắc hoặc vô cùng bất tiện cho người dùng. Để đi lại trong trung tâm thành phố tôi không chọn cầm vô-lăng, vì không thể thoải mái cho những cuộc vui của mình khi mà chiếc xe vẫn ở đâu đó "trái luật", thậm chí có lần tôi phải nài nỉ một người giữ xe trên đường và "boa" khá hậu để được đậu xe một lúc. Ôi! Nhiều lúc chợt nghĩ sao tôi phải khổ thế…
Một người độc thân, nhân viên văn phòng, có chỗ ở trung tâm; có tài chính nhưng tôi vẫn không chọn mua xe hơi. Thay vào đó tôi sử dụng các hình thức taxi, xe công nghệ… cho linh hoạt với nhu cầu của mình và không phải lo lắng chuyện đi đứng, đậu đỗ, hoặc bảo quản nó. Thậm chí nếu chi li về chi phí cho hai sự lựa chọn, tôi thấy không có xe hơi là "rẻ" hơn.
Trong cuốn "Cha giàu - Cha nghèo", Robert Kiyosaki từng định nghĩa: "Tài sản là những gì bỏ tiền vào túi của bạn; còn Tiêu sản là những gì lấy tiền ra khỏi túi của bạn". Ví dụ bạn có một chiếc xe hơi, bạn mua nó để phục vụ đi lại hàng ngày và bạn phải thanh toán đủ mọi thứ chi phí cho nó từ xăng dầu, bảo dưỡng, bãi đậu… thì rõ ràng nó là một loại tiêu sản. Nhưng nếu bạn mua xe để kinh doanh, cho thuê, chạy taxi… để gia tăng thu nhập thì đó lại là một loại tài sản.
Vậy thì trong trường hợp của mình, tôi mua xe hơi sẽ là một loại tiêu sản; có nghĩa rằng tôi đang nuôi thêm một chiếc xe với số tiền đầu tư ban đầu lớn kèm theo đó là những khoản chi phí phát sinh hàng tháng? Liệu có thực sự cần thiết?
Ở tuổi đôi mươi, bạn cần ưu tiên gì?
Ai cũng muốn được sống sung sướng, được hưởng thụ với những thành quả mình có được, để gọi là "đáng sống"; nhưng mọi thứ cần được hoạch định và nằm trong kế hoạch tài chính rõ ràng. Đi giảng dạy, chia sẻ về tài chính cá nhân - đầu tư ở nhiều diễn đàn, gặp gỡ các bạn trẻ tôi luôn bị "phản ứng ban đầu" rằng: "Em thấy nó phức tạp quá! Em chẳng nghĩ nhiều đến vậy…" Và khi tôi hỏi: "Em nghĩ sao nói tôi nghe!" thì bla bla… đúng là phức tạp thiệt.
Ông bà ta ngày xưa có những kinh nghiệm rất hay, vô cùng đơn giản, nó không phải là những bảng excel hay thứ gì đó màu mè, số má: nuôi heo đất, bỏ tiết kiệm, góp vàng… Hay nói cách khác đó là phương pháp sơ khai nhất để quản lý tài chính: Sự phân bổ tài chính.
Ngày nay có nhiều phương pháp khoa học hơn và sát thực hơn đi kèm với sự phát triển của nhu cầu con người. Ví dụ: 6 chiếc lọ, hay 5-3-2. Bạn chỉ cần ướm chừng số tiền từ thu nhập của mình bỏ vào chiếc lọ nào, dùng cho việc gì thì bạn đã biết cách quản lý tài chính rồi. Chưa kể nó giúp bạn luôn ở trong trạng thái vững vàng, hay tự do tài chính.
Xe hơi thông thường phục vụ vào cuộc sống cá nhân, không có giá trị sinh lời hay mang ý nghĩa đầu tư và được xếp vào nhóm chi tiêu tiêu dùng. Bạn không nên chi tiêu quá 50% thu nhập, hoặc tổng tài sản cho nhóm chi tiêu tiêu dùng.
Nếu không có mục đích rõ ràng và động lực phù hợp, thì hãy giành số tiền đầu tư cho "tài sản" thay vì "tiêu sản".
Khi không sở hữu xe hơi, không có nghĩa tôi đang không hưởng thụ.
Từ trải nghiệm của mình, tôi vẫn cảm thấy mình rất thoải mái; khi mà đã có người đón, người đưa những lúc đi làm về. Hoặc không phải lo lái xe sau những cuộc vui ngà ngà hơi men; thậm chí mất thêm tiền hay xin xỏ ai đó gửi gắm con xe của mình cùng hàng tá hệ luỵ khác. Và tôi cũng không muốn trở thành những kẻ ích kỷ khi ngang nhiên chiếm lòng đường của người khác di chuyển làm chỗ đậu xe cho mình.
Nhìn qua bạn bè, những gia đình khá giả hơn, tôi vẫn thấy những con xe nằm yên trong garage đóng bụi. Nhưng thôi để đó cũng được, vì nó chỉ là một phần giá trị nhỏ trong tất cả những tài sản khác, một món đồ mua sắm khi dư giả dù chỉ sử dụng đôi lần thế thôi.
Nếu con xe là cả gia tài của bạn? Thì bạn nên cân nhắc!
Hoặc nếu vì để thiên hạ nghĩ rằng "đẳng cấp", khi ngồi sau vô-lăng thì tôi chắc cũng không cần thiết.
No comments