3 bà mẹ trong phim Thương Ngày Nắng Về: Mỗi người thương con một cách, người tâm lý hết mực, người lại nuông chiều đến mù quáng
Những ngày gần đây, bộ phim Thương Ngày Nắng Về 2 đang trở thành chủ đề hot được đông đảo công chúng đón xem và bàn tán rôm rả. Dù khai thác đề tài gia đình, tình cảm mẹ con tưởng chừng quen thuộc trong các phim Việt nhưng Thương Ngày Nắng Về vẫn thu hút người xem bởi những khoảnh khắc cao trào, những mâu thuẫn, xúc cảm được đan xen tạo nên nhiều xúc động.
Hơn hết, những tình huống trong phim vốn rất gần gũi, dễ thấy trong cuộc sống gia đình thường ngày. Nhiều khán giả xem phim như tìm thấy được chính mình trong hoàn cảnh đó. Đặc biệt, bộ phim khắc họa rõ nét hình tượng 3 bà mẹ hoàn toàn trái ngược nhau. Một bà Nga (NSƯT Thanh Quý) tần tảo, một bà Kim Nhung (NSND Minh Hoà) với nhiều tham vọng và một bà Hiền (NSND Lan Hương) ghê gớm.
Mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau từ đó tạo nên sự khác biệt cả trong tính cách nuôi dạy con cái. Người tâm lý hết mực, người vì đường cùng mà bỏ rơi con nhưng cũng có người lại nuông chiều con đến mù quáng. Điểm chung duy nhất của 3 bà mẹ này đều là thương con, làm tất cả cũng chỉ vì con.
Một bà mẹ "thương cho roi cho vọt" nhưng tâm lý thì không ai bằng
Trong phim, bà Nga đại diện cho những người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó. Chồng mất sớm, một mình bà chăm chỉ làm việc với ước mong ba cô con gái có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Chỉ cần các con gặp vấn đề gì hay bị người ngoài "tấn công", bà sẵn sàng đứng ra để bảo vệ, che chở. Đáng trân quý hơn, bà Nga không hề phân biệt giữa con đẻ và con nuôi. Đối với con gái nuôi, bà vẫn chăm sóc chu toàn, thậm chí còn cố gắng bù đắp nhiều hơn cho những tổn thương mà con từng gặp phải.
Bà Nga là mẫu hình một người mẹ tảo tần, hi sinh tất cả vì con
Với con gái lớn, bà luôn ân cần phân tích mỗi khi con làm điều chưa đúng. Đôi khi không kiềm chế được cảm xúc, bà buộc phải tát con một cái thật đau điếng để răn đe. Bên ngoài cộc cằn, khó tính với con là vậy nhưng bên trong, bà Nga lại là người đau lòng hơn ai hết. Giống như nhiều bà mẹ khác có con gái đi lấy chồng, bà Nga luôn âm thầm giúp đỡ từ việc chăm sóc các cháu, dọn dẹp nhà cửa,... để các con yên tâm làm ăn. Hay khi thấy con gái mình bị gia đình chồng đối xử tệ bạc, đổ tiếng xấu, bà không ngần ngại bênh vực, mở rộng vòng tay vỗ về, an ủi.
Còn với con gái út, bà Nga từng cấm cản không cho theo nghề hội họa bởi sợ con gái sẽ khổ. Thế nhưng bà vẫn biết con vẽ đẹp đến thế nào, gương mặt con hạnh phúc ra sao khi được làm điều mình yêu thích. Trải qua nhiều thăng trầm, bà đã chấp nhận để con thực hiện niềm đam mê của mình. Bởi ngoài kia thế giới bao la đến đâu thì thế giới của bà cũng chính là 3 cô con gái yêu quý, ước mơ của các con cũng là ước mơ của mẹ.
Bà Nga là tuýp phụ huynh có thể phũ phàng, đánh đòn, mắng con hết lời nhưng sau tất cả, bà vẫn là người dành cho các con sự quan tâm nhiều nhất. Những săn sóc, yêu thương đôi khi không thể hiện khoa trương mà cứ diễn ra thầm lặng để rồi đến khi phát hiện ra, các con mới rưng rưng xúc động, càng thêm yêu và hiểu mẹ nhiều hơn.
Một bà mẹ yêu thương con đến mức mù quáng
Trái ngược hoàn toàn với bà Nga, bà Hiền trong phim đang là nhân vật mẹ chồng bị cho là đáng ghét nhất từ trước đến nay. Tất cả những gì bà thể hiện ra chỉ khiến người ta nhớ đến hình ảnh một bà mẹ ồn ào, ích kỉ và luôn săm soi, làm khó con dâu. Cũng vì tính cách ấy, bà Hiền được người xem nhận xét là "cơn ác mộng" của những nàng dâu.
Thế nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác thì bà Hiền cũng là một người mẹ thương con, thậm chí là yêu con đến mù quáng. Người ta thường nói, dù con cái có lớn thế nào hay dựng vợ gả chồng thì trong mắt mẹ mãi luôn là những đứa trẻ. Với bà Hiền cũng vậy, bà luôn nghĩ con trai mình vẫn là một thằng bé chưa lớn ngày nào, vẫn cần sự chăm sóc đặc biệt từ mẹ. Do đó, bà luôn yêu chiều, không muốn con phải khổ hay động tay chân làm bất cứ việc gì.
Cũng vì thương con trai mình quá mà thành ra bà có ác cảm với con dâu. Tâm lý này hẳn những bà mẹ có con trai và đang làm mẹ chồng đều từng trải qua. Nhiều người thậm chí còn khó chấp nhận cảm giác đứa con mình nuôi nấng, trân quý từng ngày giờ lại đem tình cảm cho một "người xa lạ" chẳng máu mủ ruột già. Tình yêu này có thể gọi là ích kỉ nhưng cũng có thể vì yêu quá nên chỉ muốn giữ con trai cho riêng mình.
Bà Hiền vì quá thương con trai thành ra ác cảm với con dâu
Đối với con gái, bà Hiền cũng cưng chiều không kém, thậm chí còn thương hơn con trai. Cũng bởi tâm lý sợ con gái đi lấy chồng sẽ khổ nên bà "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Bà bất chấp việc con làm sai, dung túng cho mọi lỗi lầm, thậm chí còn không ngại quay lưng với tất cả để đứng về phía con. Tuy nhiên, cách yêu thương, nuôi dạy con này của bà Hiền lại chưa thực sự đúng đắn khiến con trai thì ỉ lại, con gái thì hư hỏng.
Một người ân hận cả đời vì hoàn cảnh đưa đẩy phải bỏ rơi con
Hình mẫu bà mẹ cuối cùng trong phim là bà Nhung, một người mẹ với nhiều nỗi khổ tâm. Vì số phận ép buộc, bà quyết định phải bỏ con gái lại để lo cuộc sống mưu sinh. Sau nhiều năm, thoát cảnh nợ đầm đìa, trở nên thành đạt hơn nhưng bà Nhung vẫn mang trong lòng nỗi ân hận, day dứt vì tưởng rằng con mình đã mất. Khoảnh khắc bỏ rơi con gái ở chợ trở thành nỗi ám ảnh lớn, một vết thương hằn sâu trong tim bà.
Nhiều khán giả chê trách bà Nhung ham giàu, vô tâm nên mới bỏ con lại cho người xa lạ nuôi. Nhưng nếu đặt trong hoàn cảnh của bà khi đó, việc không đem con gái đi cùng lại là lựa chọn tốt nhất, yêu thương nhất mà một người mẹ dành cho con của mình.
Hơn nữa, nếu không phải người phụ nữ có tấm lòng bao dung, bà Nhung đã không yêu thương con trai nuôi của mình đến vậy. Vốn là nữ Tổng Giám đốc lạnh lùng với tất cả mọi người nhưng với con trai nuôi lại cực kì ân cần, quan tâm. Giống với nhiều bà mẹ khác, bà Nhung luôn mong muốn con được làm việc và sống trong môi trường tốt nhất, xứng tầm với gia thế.
Sau bao lâu đau đáu mong ngóng tìm con, hóa ra con gái bà Nhung là ở ngay gần trước mắt. Cảnh bà Nhung nhận ra con gái mình đã lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Khoảnh khắc bà bật khóc nức nở, trong lòng đau nhói với nhiều kí ức đan xen khiến khán giả cũng rưng rưng xúc động. Biết bản thân mình đã có nhiều lỗi sai với con gái nên bà Nhung dù thương con, nhớ con nhưng cũng không mong con sẽ ngay tức khắc nhận mình làm mẹ. Bà tôn trọng quyết định của con gái, dịu dàng đứng bên cạnh và hi vọng một ngày được con tha thứ.
Suy cho cùng, mọi điều mẹ làm cũng vì thương con
Là khán giả trung thành của phim Thương Ngày Nắng Về, cô Hải (59 tuổi) trải lòng: "Tôi cũng cùng thế hệ với những bà mẹ trong phim nên phần nào hiểu được cách mà họ đối xử với con cái của mình. Phải làm mẹ rồi mới biết, các con là tài sản đáng giá đến chừng nào. Trải qua những tháng ngày mang nặng, đẻ đau rồi nuôi con khôn lớn, chẳng có người mẹ nào lại muốn con mình khổ sở hay vất vả. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nên cách yêu thương con của mỗi người không thể giống nhau.
Đối với các con của mình, tôi chọn cách làm bạn với chúng. Có mềm mỏng, tâm sự nhưng cũng có đôi khi phải nghiêm khắc, răn đe để các con trưởng thành. Bố mẹ chẳng thể nào đi cùng đến suốt đời, chúng cũng phải lập gia đình riêng, rồi lại làm bố, làm mẹ. Khi đó, các con sẽ hiểu được lòng bố mẹ".
Lan Anh (27 tuổi) hiện đã có gia đình riêng cho hay: "Mình đồng ý mẹ nào cũng thương con nhưng mình lại không cổ súy cho hành động yêu con mù quáng như nhân vật bà Hiền trong phim. Cũng chính vì sự yêu chiều quá mức mà bà phải nhận về sự xấu hổ, mất mặt khi con gái lớn thì hư hỏng, con trai dù đã lấy vợ vẫn lông bông, mãi không trưởng thành. Mình thấy bà Hiền vừa đáng trách mà cũng vừa đáng thương. Âu cũng vì yêu con quá nên mới như vậy.
Ngoài đời mình cũng đang là con dâu nhưng mẹ chồng mình lại khác hoàn toàn. Mẹ chồng không phân biệt con ruột hay dâu, rể mà đối xử tất cả như nhau, thậm chí còn ưu ái mình hơn một chút. Vì mẹ chồng mình quan niệm, con dâu cũng là con gái nhà người ta, cũng được bao bọc từ nhỏ mà lớn lên lại xa gia đình, chân ướt chân ráo đến làm con nhà người khác nên càng thương nhiều hơn. Mình thì chưa làm mẹ nên cũng chưa biết sau này sẽ ra sao. Thế nhưng mình nghĩ, yêu thương cũng cần phải đúng cách, cha mẹ và con cái phải thấu hiểu lẫn nhau để đưa ra những cách cư xử hợp lý".
Mọi điều mẹ làm cũng vì thương con
Mỗi nhân vật trong phim cũng đều được lấy chất liệu từ đời thật. Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những nét tính cách của các bà mẹ giống như vậy. Suy cho cùng, mẹ vẫn luôn là người phụ nữ vĩ đại nhất trên thế giới. Mẹ và tình yêu của mẹ mang đến sự ấm áp, tiếp thêm sức mạnh, là một nơi để dù đi xa đến đâu chúng ta vẫn có thể trở về. Mẹ cũng từng một thời thiếu nữ, một thời mộng mơ, một thời bé nhỏ, yếu đuối nhưng từ khi chúng ta xuất hiện trong cuộc đời mẹ, mẹ đã dang rộng đôi tay và trở thành một nữ anh hùng thật sự.
Mẹ cũng vất vả nhưng chưa bao giờ kể, cũng muộn phiền nhưng chưa một lần nói ra hay những cô đơn mẹ luôn giấu kín trong lòng. Chắc hẳn cũng sẽ có lúc yêu thương của mẹ sai cách khiến chúng ta khó chịu. Nhưng thử nghĩ mà xem, đây cũng là lần đầu những người phụ nữ ấy làm mẹ, chẳng có trường lớp nào dạy cho họ cách phải làm sao để cân bằng mọi thứ. Do vậy, hãy dành thời gian để tâm sự, sẻ chia và thấu cảm với mẹ nhiều hơn bởi tất cả những gì mẹ làm cũng chỉ vì thương con.
Ảnh: Tổng hợp
https://kenh14.vn/3-ba-me-trong-phim-thuong-ngay-nang-ve-moi-nguoi-thuong-con-mot-cach-nguoi-tam-ly-het-muc-nguoi-lai-nuong-chieu-den-mu-quang-20220507135044702.chn
No comments