Đường Dây Nóng Ngày Mai: Nơi một cú điện thoại có thể cứu lấy một người đang muốn bỏ lại cuộc đời phía sau…
Chân dung cô bạn trẻ măng phía sau những cuộc gọi trút nỗi buồn
"Hãy gọi lại cho chúng mình vào ngày mai. Chúng mình sẽ ở đây và rất sẵn lòng đồng hành, lắng nghe câu chuyện của bạn".
Đó là những câu nói quen thuộc mà Huyền Trang - một trong những tình nguyện viên (TNV) đầu tiên của Đường Dây Nóng Ngày Mai nhắn gửi đến người gọi trước khi kết thúc một cuộc điện thoại tư vấn.
Khi chúng tôi thắc mắc vì sao lại là "ngày mai" mà không phải là một ngày nào khác? Huyền Trang cười đáp: "Đó là một lời hứa hẹn, một sự chờ đợi để họ biết rằng vẫn còn có người trông mong mình, níu mình lại với cuộc sống. Và cái tên Ngày Mai cũng ra đời từ đó - vì Ngày Mai là một ngày mới".
Phạm Huyền Trang sinh năm 2000, hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Là một trong những người trẻ nhất nhưng lại tham gia từ những ngày đầu tiên, Huyền Trang cho biết không thể đếm nổi bản thân đã tiếp nhận bao nhiêu cuộc gọi. Có nỗi buồn, có sự nghẹn ngào, trăn trở nhưng cũng có những niềm vui, sự lạc quan, tích cực khi Huyền Trang trở thành TNV, người trực tiếp nhận hotline.
Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc này, cô cho biết: "Mình biết đến TS. Đặng Hoàng Giang qua cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, mình vô cùng ấn tượng về góc nhìn thấu cảm của anh đối với các nhân vật. Sau đó qua tìm hiểu, mình biết anh dự định thành lập dự án dành cho những người trầm cảm nên đã quyết định tham gia luôn. Bởi bản thân mình vốn là một sinh viên ngành tâm lý, hoạt động này cũng rất phù hợp và đúng với nguyện vọng được chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho cộng đồng nên mình đã đăng kí làm TNV. Hơn nữa, trong cuộc sống của mình cũng có không ít những người bạn đã từng mắc trầm cảm hoặc bị khủng hoảng tâm lý nên mình hiểu rõ tầm quan trọng của việc kịp thời lắng nghe, ở bên cạnh họ trong khoảng thời gian khó khăn".
Điều tối kỵ trong lúc làm việc: Không được khóc!
Trước khi bắt đầu công việc, Huyền Trang cũng như các TNV khác tại dự án sẽ trải qua 48h tập huấn, đào tạo những kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất. Trong một ca trực, Huyền Trang sẽ tiếp nhận cuộc gọi qua số hotline hoặc phản hồi tin nhắn qua fanpage. Cô cho biết, tiêu chí của Đường Dây Nóng là "lắng nghe không phán xét" để người gọi có thể tin tưởng, mở lòng và dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình.
Một ngày trực, Huyền Trang nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các lứa tuổi khác nhau, đó có thể là các bạn trẻ, cũng có thể là các cô chú trung niên hay những người mẹ sau sinh. Mỗi người gọi đến đều mang tâm sự, nỗi đau hay sự tổn thương khác nhau. Việc của các TNV như Huyền Trang là lắng nghe, giúp họ bình tĩnh trở lại nếu nhận thấy đầu dây bên kia đang có dấu hiệu hoảng loạn tâm lý. Sau đó, TNV sẽ ghi chép lại những cảm xúc mà người gọi đang có. Một điều đặc biệt, Đường Dây Nóng Ngày Mai sẽ không đưa ra bất kì lời khuyên nào mà chỉ giúp họ vượt qua cơn bão cảm xúc, sắp xếp trật tự trong tâm trí và tự họ sẽ tìm ra lời giải xem bản thân mình cần làm gì.
"Khi là người trực tiếp lắng nghe tâm sự từ rất nhiều người gọi mình cũng cảm thấy có nhiều cảm xúc đan xen. Đôi lúc nghẹn ngào khi thấu cảm được những gì mà họ phải trải qua, đôi khi cảm thấy biết ơn vì họ đã gọi đến, chịu mở lòng và đưa tay ra cho mình để giữ họ lại với thế giới", Huyền Trang tâm sự.
Dẫu vậy, trong mỗi cuộc gọi, Huyền Trang luôn giữ được sự khách quan, không đưa cảm xúc cá nhân hay đánh giá, phán xét câu chuyện của người gọi. Nữ TNV chia sẻ: "Là người làm về tâm lý, điều đầu tiên mình vẫn là chăm sóc sức khoẻ tinh thần của bản thân trước tiên. Chỉ khi mình vững vàng mới có thể hỗ trợ được những người xung quanh. Trong quá trình trực điện thoại, dù có rất nhiều câu chuyện xúc động khiến mình nghẹn ngào, nhưng việc bật khóc là không có. Bởi khi mình không kiểm soát tốt cảm xúc sẽ gây ảnh hưởng đến đối phương, biến mọi việc trở nên tệ hơn".
Niềm vui là khi "khách quen" thưa dần
Huyền Trang kể: "Cuộc gọi khiến mình nhớ nhất đó là của một chú trung niên. Chú từng trải qua nhiều biến cố, khó khăn trong cuộc sống và phải điều trị trầm cảm, sống cuộc sống cô đơn 1 mình. Chú gọi điện đến Đường Dây Ngày Mai ngay từ những ngày đầu tiên dự án mới đi vào hoạt động. Chú gọi đến rất nhiều lần để tìm người chia sẻ, giãi bày nỗi lòng. Bẵng đi một thời gian, chúng mình không còn nhận được cuộc điện thoại từ chú nữa. Và cho đến hiện tại, chú bất ngờ gọi điện lại và thông báo đã ổn hơn rất nhiều, gửi lời cảm ơn đến chúng mình đã đồng hành trong khoảng thời gian khó khăn. Thực sự khi nghe chú nói vậy, mình cũng như các TNV khác rất vui vì biết tình trạng của chú đã tốt hơn, biết được sự hiện diện, công việc mà mình đang làm có ý nghĩa và cũng là nguồn động lực để chúng mình cố gắng nhiều hơn".
Hay lần khác, có cô gái hơn 20 tuổi, cũng trạc tuổi Huyền Trang, đang điều trị trầm cảm đã gọi điện đến Đường Dây Nóng Ngày Mai để trải lòng. Trang đã giới thiệu cho cô bạn ấy một số bài tập giúp cân bằng tâm trí. Một thời gian sau, cô bạn phản hồi trên fanpage rằng tâm lý đã ổn định trở lại. Đặc biệt hơn, bạn cảm thấy may mắn vì lúc đó đã quyết tâm nhấc máy gọi điện để có thể ở lại với cuộc sống thay vì chọn cách từ bỏ.
"Có lần một bạn gọi đến trong tình trạng suy kiệt cả về sức khoẻ thể chất lẫn sức khoẻ tinh thần. Thời gian đó bạn sống 1 mình, xa gia đình nên thường gọi điện đến Ngày Mai để tâm sự. Mỗi lần bạn gọi đến, chúng mình đều sẻ chia, thấu cảm. Bên cạnh đó, mình giới thiệu bạn tìm đến các chuyên gia tâm lý để nhận nguồn hỗ trợ và trị liệu kịp thời. Gần 2 tháng không liên lạc với Ngày Mai, bạn gọi lại và cho biết đã trở về quê ở cùng bố mẹ, mở lòng hơn, đón nhận sự hỗ trợ từ phía gia đình nên sức khoẻ đã cải thiện hơn trước. Nghe vậy thôi là chúng mình cảm thấy ấm lòng rồi", Huyền Trang kể thêm.
Chia sẻ của một bạn trẻ khiến nhiều người xúc động. (Ảnh: Fanpage Đường Dây Nóng Ngày Mai)
Trên fanpage của Đường Dây Nóng Ngày Mai cũng từng đăng tải phản hồi của một bạn trẻ sau khi trò chuyện với các TNV khiến nhiều người xúc động: "Mình cảm thấy như được tan chảy vậy. Vừa nói vừa khóc, được trút bỏ mọi suy nghĩ nặng nề trong đầu. Nhưng cũng vừa xấu hổ, vừa vui, vì mình cảm nhận được bạn TNV ấy thật lòng lắng nghe, không đánh giá. Mình cũng biết ơn nữa, vì chỉ qua điện thoại thôi, nhưng mình cảm nhận được thật rõ những yêu thương từ đầu dây bên kia. Mình nằm xuống giường chẳng nghĩ ngợi gì, như một que kem vô tư tan chảy, tan chảy theo dòng nước mắt, tan chảy trong tình yêu thương".
Từ khi hoạt động tại Đường Dây Nóng Ngày Mai cho đến nay, Huyền Trang cảm thấy bản thân nhận được nhiều hơn mất. Có đôi khi, cô cũng gặp những băn khoăn, day dứt vì nhận được cuộc gọi nằm quá khả năng hỗ trợ của mình tuy nhiên nếu nhìn theo hướng tích cực, đó là điều giúp Huyền Trang nỗ lực học hỏi hơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, cô có thêm những người đồng nghiệp cùng chung chí hướng và đặc biệt nhất, có được sự kiên trì, học cách lắng nghe, có góc nhìn mới cởi mở và thấu cảm hơn. Bởi nhiều khi, chỉ cần một cuộc điện thoại đúng lúc cũng có thể giúp ai đó có thêm động lực để tiếp tục thở, tiếp tục sống và tiếp tục yêu thương.
"Người muốn tìm đến cái chết thật ra… không muốn chết"
Sau 1 năm thành lập, TS. Đặng Hoàng Giang cho biết: "Dự án ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn vì các bạn TNV trực điện thoại đã có một quá trình cọ sát, tập huấn liên tục với chuyên gia nên hiện tại đã trưởng thành hơn rất nhiều. Từ đó, sự giúp đỡ của các bạn với những thân chủ gọi điện đến cũng hiệu quả hơn, tốt hơn. Ngoài ra, dự án cũng được biết đến nhiều hơn trong công chúng, nhiều người đã có thể vượt qua định kiến, nỗi e ngại của bản thân để giãi bày tâm sự.
Do vậy, dự án vẫn đang phát triển khá thuận lợi sau 1 năm hoạt động, nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng thông qua các kì gây quỹ. Đường Dây Nóng Ngày Mai hoạt động 100% bởi sự góp sức tài chính của cộng đồng, chứ không có nhà tài trợ lớn đứng đằng sau. Chính vì vậy, việc hotline ngày càng mở rộng là một tín hiệu hết sức đáng mừng".
Cũng theo TS. Đặng Hoàng Giang, những người gọi đến Đường Dây Nóng rất đa dạng độ tuổi bởi bất kì ai cũng có thể rơi vào trầm cảm, khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên, độ tuổi nhiều nhất vẫn là những người trẻ bởi họ có sự cởi mở và thoáng hơn trong suy nghĩ so với người trung niên. Cùng với đó ông cho biết, phụ nữ sau sinh hay những người làm lao động cũng rất cần được quan tâm đến sức khoẻ tâm thần nhưng họ lại chưa biết nhiều đến dự án. Do vậy, Đường Dây Nóng Ngày Mai đang cố gắng mở rộng hơn nữa để chạm được đến họ.
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường quyết định tự tử gây xôn xao dư luận. Cũng từ đây mà người ta mới bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về trầm cảm hay các bệnh tâm lý. Nhận định về điều này, TS. Đặng Hoàng Giang phân tích: "Đây là 1 hiện thực khá đáng buồn, nó nói lên sự thất bại của người lớn. Vì người lớn không bảo vệ được các em nhỏ, cho nên các em phải tìm đến các biện pháp cực đoan. Điều đó có nghĩa các em đã bị tra tấn, bị đau đớn, sống trong khổ ải rất lâu mà không ai phát hiện ra, không ai biết và giúp đỡ. Tôi nghĩ người lớn cần phải đặt câu hỏi nghiêm túc rằng chúng ta đã làm sai ở đâu và cần có những hành động như thế nào để những chuyện tương tự như vậy không xảy ra nữa".
"Tâm lý khủng hoảng ở mức cấp tính mang tính chất tự sát thường không kéo dài mà chỉ là một khoảng thời gian hữu hạn. Nếu chúng ta câu giờ được, ở bên các bạn đấy, giữ được các bạn ấy an toàn thì khi quãng thời gian khủng hoảng cấp tính đấy trôi qua, các bạn sẽ trở lại trạng thái tâm lý bớt nguy hiểm hơn. Cho nên hotline Ngày Mai là công cụ hữu hiệu mà nhiều quốc gia cũng sử dụng, để câu giờ, kéo người trong trạng thái tự sát ở lại với cuộc sống cho đến khi trạng thái khủng hoảng cấp tính đó trôi qua", ông nói.
Bên cạnh gia đình, ông cho rằng nhà trường cũng cần nâng cao nhận thức về sức khoẻ tâm lý cho tất cả mọi người từ giáo viên đến học sinh. Giáo viên ngoài dạy môn học của mình cần có kĩ năng quan sát cơ bản để biết rằng học trò của mình có đang ổn không hay tâm trạng đang có vấn đề gì, không để các em bị bỏ rơi phải tìm đến cái chết trong khi người lớn hoàn toàn không hề hay biết. Còn bản thân các bạn trẻ cũng cần phải có những kiến thức, nhìn nhận về bệnh trầm cảm và các vấn đề tâm lý. Nếu bản thân rơi vào khủng hoảng, cần mạnh dạn chia sẻ hoặc nếu thấy bạn bè xung quanh có biểu hiện của tâm lý cũng cần báo ngay cho người lớn để kịp thời lắng nghe, chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm, phần lớn những người tìm đến cái chết họ không thực sự muốn chết: "99.9% người lựa chọn tự sát vì cuộc sống đã quá kinh khủng với họ. Nhưng nếu như người xung quanh có thể giúp cuộc sống của họ dịu đi sự đau đớn thì người ta sẽ ở lại với cuộc sống. Họ chỉ vứt cuộc sống đi khi không còn ý nghĩa gì cả nhưng nếu có một lý do nào đó khiến họ cảm thấy cuộc sống này đáng sống thì họ sẽ ở lại".
Vườn Xả - Nơi chữa lành cho những tâm hồn đang lạc lối
Bên cạnh Đường Dây Nóng Ngày Mai, TS. Đặng Hoàng Giang triển khai thêm dự án mới mang tên Vườn Xả. Nói về mục đích thành lập Vườn Xả, ông chia sẻ: "Trong quá trình làm việc với nhân vật, tôi nhận thấy có nhiều người muốn tìm không gian khác, không phải ngôi nhà của mình để có sự yên tĩnh, kết nối với bản thân, thiên nhiên, được sống trong tập thể mà không bị phán xét không bị đánh giá hay nghe những lời khuyên răn. Họ cũng không phải đóng kịch, đeo mặt nạ, chạy đua như trong cuộc sống hằng ngày mà được sống thật với bản thân. Vì vậy Vườn Xả ra đời để thực hiện nhu cầu đó của mọi người".
Có thể nói, Vườn Xả như một nơi chữa lành giúp những người đang lạc lối tìm lại bản thân, nạp thêm năng lượng và có hi vọng được hiểu, được lắng nghe. Tại đây, những vị khách ghé Vườn Xả sẽ sống một cuộc sống bình thường nhưng khác biệt là tập thể này không mang tính cạnh tranh, không ai cần cố gắng chứng tỏ điều gì. Quan trọng nhất, họ có thể giãi bày về câu chuyện chưa từng nói ra và sự kể ra ấy được trân trọng, quan tâm.
Khi ngày càng có nhiều người gặp áp lực trong cuộc sống, TS. Đặng Hoàng Giang mong muốn 2 dự án của mình có thể tìm đến được những người đang cần, để dang đôi tay kịp thời, níu họ ở lại với cuộc sống này.
Ảnh: NVCC
Đường Dây Nóng Ngày Mai (096.306.1414) - một dự án cộng đồng phi lợi nhuận, do TS. Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên. Đường Dây Nóng Ngày Mai mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội về sức khoẻ tâm thần và trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là người trẻ trầm cảm, và người thân của họ.
Đường Dây Nóng Ngày Mai tiếp nhận thông tin và tham vấn tâm lý miễn phí trực tiếp qua điện thoại cho người đang trong khủng hoảng tâm lý, đặc biệt những người đang có trầm cảm. Dự án cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe tâm thần cho cộng đồng, giúp phòng ngừa và phát hiện sớm các rối loạn sức khoẻ tâm thần.
No comments