Breaking News

Thanh Hóa: Nhiều hoạt động trang trọng kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu

Ngày 21/4, tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu.

Tổ chức kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu - Ảnh 4.

Tham gia sự kiện có ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Tổ chức kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu - Ảnh 1.

Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu tổ chức tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: QT

Tại buổi lễ, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày diễn văn, nêu rõ: Danh nhân Lê Văn Hưu sinh năm 1230, ở làng Phủ Lý, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Năm 17 tuổi, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần.

Lê Văn Hưu từng được giao các chức vụ quan trọng như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm Viện học sĩ kiêm Quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Đóng góp lớn nhất và đưa tên tuổi của Lê Văn Hưu vào lịch sử dân tộc không dừng lại ở việc đỗ Bảng nhãn và làm quan, mà là người đặt nền móng cho quốc sử dân tộc.

Tổ chức kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu - Ảnh 2.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: QT

Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi, sơ sài của thời nhà Lý và cùng thời để biên soạn lại, hoàn thiện bộ quốc sử có tên "Đại Việt sử ký" từ Triệu Vũ Đế (năm 207 trước công nguyên) đến đời Lý Chiêu Hoàng (năm 1244) gồm 30 quyển, đã được vua Trần Thánh Tông hết sức tâm đắc.

Tác phẩm "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu được đánh giá là bộ quốc sử ghi dấu mốc quan trọng đầu tiên cho nền sử học nước nhà phát triển.

Ngoài việc viết sử, Lê Văn Hưu còn nghiên cứu tìm hiểu sâu rộng và có những đóng góp trong lĩnh vực địa lý, phong thủy. Khi được phong chức chức Binh Bộ thượng thư, Lê Văn Hưu có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

Tổ chức kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghi thức dâng hương tại đền thờ Lê văn Hưu. Ảnh: QT

Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào "bảng vàng" danh nhân văn hóa Việt Nam. Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu như dấu mốc lớn đánh dấu thành tựu khoa học, đặt cơ sở đầu tiên cho nền sử học nước nhà phát triển. Lê Văn Hưu vì thế đã được tôn thành Tổ sư của nền sử học Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: "Lê Văn Hưu, người khởi dựng quốc sử Việt Nam" gồm 3 chương đã tái hiện thân thế, sự nghiệp và những công lao, đóng góp to lớn của Danh nhân văn hóa - Bảng nhãn - Nhà sử học Lê Văn Hưu cho nền văn hóa, lịch sử dân tộc. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương và nhân dân.

Cùng ngày, Lễ khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu và dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu cũng diễn ra. Công trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu với tổng mức đầu tư trên 29 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ là 10 tỷ đồng). Đến nay, đền thờ đã hoàn thành đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.

Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, Đền thờ Lê Văn Hưu sẽ là điểm đến ưu tiên của toàn thể con cháu họ Lê Việt Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. 

Lê Văn Hưu là người làng Phủ Lý (tên nôm là Kẻ Rị), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông được cho là Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt, đỗ khi 17 tuổi, cùng khoa thi với trạng nguyên Nguyễn Hiền và thám hoa Đặng Ma La.

Một giai thoại về Lê Văn Hưu: Có hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy vậy, bèn ra một vế đối:

- Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt.

Lê Văn Hưu liền đối:

- Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi giành lấy khôi nguyên.

No comments

Khau Trang Y Te