Breaking News

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Thẩm mỹ bây giờ khác xưa, đừng bắt giới trẻ chỉ nghe những giọng ca cao chót vót"

Chiều qua (19/3), tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đã diễn ra buổi trò chuyện với Tiến sĩ Lê Y Linh, tác giả cuốn sách "Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…" và các khách mời: nhạc sĩ Quốc Trung; nhà văn Trương Quý và nhạc sĩ, nhà báo Tiến Mạnh.

Trong chương trình, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, anh biết tới nhạc sĩ Hoàng Vân khi ông đang là giảng viên môn Hòa âm phối khí tại Nhạc viện, còn Quốc Trung vẫn là một sinh viên trẻ. Với Quốc Trung, nét khác biệt trong âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân khiến anh ngưỡng mộ chính là sự phong phú, uyển chuyển trong biến tấu chủ đề ca khúc. Sự uyển chuyển, bay bổng của các chủ đề tưởng như khô khan khiến các nhạc phẩm dễ dàng đi vào lòng người, nhưng vẫn mang đậm hơi thở thời đại: "Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Vân không phải là người viết ca khúc, ông là một nhà soạn nhạc. Những tác phẩm của ông nên đưa vào sách giáo khoa trong các trường nhạc về phần sáng tác".

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Thẩm mỹ bây giờ khác xưa, đừng bắt giới trẻ chỉ nghe những giọng ca cao chót vót" - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Quốc Trung. (Ảnh: FBNV)

Quốc Trung cũng nói thêm: "Những ai muốn đi tìm giá trị đích thực của một thời hoàng kim, đỉnh cao về nghệ thuật trong âm nhạc Việt Nam mà Hoàng Vân và một số đồng môn đương đại của ông đã xây dựng nên phải tự đặt ra trước hết là mục tiêu "hiểu" được những giá trị nghệ thuật ấy. Nhiệm vụ là phải biết phát huy được những thành tựu đó. Bởi thành tựu mà chỉ liệt kê để trong bảo tàng hay thư viện, không phát huy để phục vụ tương lai âm nhạc của nước nhà, thì liệu chữ "thành tựu" đã đủ ý nghĩa hay chưa?

Tựu trung, việc bàn về tài năng của nhạc sĩ bằng cách phân tích những giá trị âm nhạc to lớn và mẫu mực trong tác phẩm của Hoàng Vân thật sự sẽ có ý nghĩa hơn khi đưa ra được những giải pháp cấp thiết nhằm làm lan tỏa những giá trị đó, giúp cho lớp trẻ thấy được những vẻ đẹp của nó và cho họ cũng như khán thính giả ngày nay những cảm hứng với đời sống dài lâu".

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Thẩm mỹ bây giờ khác xưa, đừng bắt giới trẻ chỉ nghe những giọng ca cao chót vót" - Ảnh 2.

Tiến sỹ Lê Y Linh - con gái nhạc sĩ Hoàng Vân và cuốn sách do bà chắp bút. (Ảnh: NXBCC)

Trả lời về việc đưa các bản phối khí mới vào những ca khúc cách mạng - điều vẫn dấy lên nhiều tranh cãi, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: "Thẩm mỹ bây giờ đã khác ngày xưa. Tôi cho rằng, trước đây, do ảnh hưởng của điều kiện sống, người ta thích nghe những giọng ca cao chót vót. Lý do là bởi người nghe tiếp cận âm nhạc qua đài phát thanh, sóng luôn ở tần số cao. Dần dần, khi cuộc sống tốt hơn, phương tiện nghe nhìn phong phú, âm thanh được truyền tải tới chúng ta theo một cách khác.

Giới trẻ ngày nay họ có cách nghe khác đi, đa phần là đeo tai phone để thưởng thức. Cũng bởi vậy, cách làm nhạc cần thay đổi. Điều chúng ta muốn là thế hệ mới tiếp cận với di sản âm nhạc, điều chúng ta cần làm là phải sáng tạo theo thị hiếu của họ, không nên giới hạn theo cách nhìn của thế hệ trước. Chỉ khi cởi mở với nghệ thuật, những giá trị đó mới được nuôi dưỡng".

Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm 1946, khi mới 16 tuổi, ông từ giã gia đình rời Hà Nội đi kháng chiến. Yêu âm nhạc và được học từ nhỏ, Hoàng Vân đã sáng tác các ca khúc đầu tiên tại chính mặt trận mà nổi tiếng nhất là "Hò kéo pháo". Từ đây, ông gắn đời mình với âm nhạc mà mỗi sáng tác sẽ là một dấu mốc cuộc đời.

"Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…" là một tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân do chính con gái ông – Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh viết với nguồn tư liệu tin cậy và kiến thức âm nhạc sâu rộng. Cuốn sách được phát hành vào tháng 2/2022 và cho tới nay đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ công chúng yêu nghệ thuật và giới nghiên cứu âm nhạc.

No comments

Khau Trang Y Te