Breaking News

Việt Nam hạ đặt thành công chân đế giàn khoan dầu khí 14000 tấn ở bãi Tư Chính.

Vào lúc 19 giờ 10 ngày 18-8, tôi đưa tin: “Tin cực vui. Theo một nguồn tin cực kỳ khả tin, vào sáng ngày 18-8, chân đế giàn khoan dầu khí nặng 14000 tấn của dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt đã được hạ đặt thành công tại khu vực bãi Tư Chính. Chân đế giàn khoan này được kéo ra Tư Chính từ cảng chuyên dụng Vũng Tàu vào sáng ngày 12-8

Nguồn tin cho biết, trong quá trình kéo và hạ đặt chân đế giàn khoan này, phía Trung Quốc đã không có động thái quấy rối nào. Việc hạ đặt thành công chân đế giàn khoan này thể hiện ý chí của Việt Nam không thể lùi bước thêm nữa trước sự ngang ngược của Trung Quốc.

Dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt có sự tham gia của hai tập đoàn lớn của Nhật Bản là Sumitomo và Idemitsu.

Thế đó, nếu Việt Nam cứng rắn và quyết liêt, Trung Quốc sẽ không dám làm gì.”

Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ bản tin này đã có 230 bình luận và 408 lượt chia sẻ. Nhiều bình luận cho rằng, tôi là dư luận viên, tôi là ngườ đưa tin xạo.

Xin thưa, tôi đã từng là một nhà báo chuyên nghiệp, và hiện giờ tôi là một nhà báo độc lập. Là một nhà báo độc lập, với tôi, tất cả chỉ là tin tức- không thiên vị hoặc là sợ hãi. Các bạn đã bao giờ thấy tôi đưa tin nào không đúng sự thật đâu.

Một nguồn tin khác của tôi, cũng cực kỳ khả tín, vào lúc 20 giờ ngày 18-8 đã gửi cho tôi tấm hình dưới đây nhằm khẳng định thêm tính chính xác của tin tức mà tôi đã đưa.

Cách đây không lâu, tôi đã có bài viết về sự kiện này.

BÃI TƯ CHÍNH VÀ CHÂN ĐẾ GIÀN KHOAN NẶNG 14.000 TẤN

Tại sao tàu thăm dò địa chấn Haiyang Dizhi của Trung Quốc lại thăm dò địa chấn tại bãi Tư Chính vào thời điểm này? Cần phải đặt ra câu hỏi này, và câu trả lời cần xuất phát từ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp. Và nguyên nhân trực tiếp là một sự kiện nóng bỏng.

Về nguyên nhân sâu xa, độc chiếm biển Đông là khát vọng tham lam của Trung Quốc. Biển Đông là một biển liên quan đến nhiều quốc gia, thế nhưng Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố phi lý rằng, 90% diện tích biển Đông là của Trung Quốc, và là chủ quyền của Trung Quốc từ thời thượng cổ. Và Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế đã đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, và đánh chiếm nhiều đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988. Cho tàu Haiyang Dizhi vào thăm dò địa chấn tại bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa của Việt Nam là hành động coi thường luật pháp quốc tế và ngang ngược của Trung Quốc.

Còn nguyên nhân trực tiếp nào khiến tàu Haiyang Dizhi hoạt động thăm dò địa chấn tại Bãi Tư Chính? Một nguồn tin của người viết ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam(PVN) đề nghị được dấu tên cho biết: Trong khuôn khổ dự án biển Đông, sắp tới đây, PVN sẽ hạ đặt một chân đế giàn khoan nặng 14.000 tấn tại bãi Tư Chính,Lô 39&40/2 , qua đó thiết lập một giàn khoan dầu khí. Dự án này không chỉ có ý nghĩa kinh tế đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam. Chính vì vậy, phía Trung Quốc rất tức tối, và họ đã đưa tàu Haiyang Dizhi vào hoạt động tại bãi Tư Chính với ngầm ý đây là một khu vực đang tranh chấp, không bên nào được phép khai thác tài nguyên cả. Trên thực tế, bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nên không phải là vùng tranh chấp. Bất chấp thái độ của Trung Quốc, PVN sẽ tiến hành hạ đặt chân đế giàn khoan nặng 14000 tấn đúng tiến độ, đúng lịch trình không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền.

Nguồn tin của người viết ở PVN cũng cho biết, dự án dầu khí này nằm trong dự án Biển Đông có sự tham gia của hai tập đoàn hùng mạnh của Nhật Bản là Idemitsu Kosan (Idemitsu Kosan Co.Ltd.,) và Tập đoàn Sumitomo. Với sự hiện diện của hai tập đoàn hùng mạnh Nhật Bản, chắc chắn rằng, Trung Quốc sẽ không có những động thái cứng rắn và thô bạo.

Trước đó, ngày 11/8/2015, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức lễ ký hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô 39&40/2 với Công ty Idemitsu Kosan (Idemitsu Kosan Co.Ltd.,) và Tập đoàn Sumitomo (Sumitomo Corporation).

Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã dùng các nhà đầu tư nước ngoài để đối đầu với với chiến lược tham lam của Trung Quốc. Dự án Biển Đông 01 do BIENDONG POC triển khai là dự án khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc lô 05-2 và 05-3, bể Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam. Vào những năm 2007 và 2008, tập đoàn dầu khí BP của Anh đã tiến hành chuẩn bị đầu tư khai thác khí ở hai lô này sau thành công ở hai mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ. Bất ngờ, Bộ Ngoại giao yêu cầu BP ngưng triển khai dự án mỏ Hải Thạch- Mộc Tinh, và hứa hẹn với BP rằng, nếu BP ngừng triển khai, Trung Quốc sẽ ưu ái cho BP những dự án nhiều hứa hẹn ở chính Trung Quốc. Tính thực dụng của doanh nghiệp đã chiến thắng, BP đã quyết định dừng dự án Hải Thạch- Mộc Tinh và bán hết cổ phần tại các dự án dầu khí ở Việt Nam để đầu tư vào thị trường rộng lớn Trung Quốc với nhiều ưu đãi. Ngay lập tức, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam(PVN) đã quyết tâm thực hiện dự án Hải Thạch- Mộc Tinh, và kêu gọi nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới là Gasprom của CHLB Nga tham gia dự án. Với sự tham gia của Gasprom vào dự án khí Hải Thạch- Mộc Tinh và sự cứng rắn của phía chính phủ Việt Nam, phía Trung Quốc đã phải chùn tay. Theo nhiều đánh giá, dự án khí Hải Thạch- Mộc Tinh là dự án có hiệu quả kinh tế nhất của PVN ở thời điểm hiện nay.

Trong một số trường hợp, việc Việt Nam dùng chính sách lấy nhà đầu tư nước ngoài để đối chọi với tham vọng của Trung Quốc là không hiệu quả. Vào năm 2018, hãng dầu khí Repsol đã buộc phải ngưng hoàn toàn việc triển khai khai thác dầu khí ở dự án Cá Rồng Đỏ ở lô 136 theo yêu cầu của phía Trung Quốc và từ chính phủ Việt Nam. Việc dừng lại dự án Cá Rồng Đỏ không chỉ khiến Việt Nam mất mát nhiều về kinh tế, mà còn mất mát lớn nhất về chủ quyền lãnh hải.

Phía Việt Nam sẽ đối đầu với tàu địa chấn Haiyang Dizhi như thế nào, theo cách nào để vừa bảo vệ được chủ quyền của mình, vừa tránh xảy ra một cuộc xung đột vũ trang? Liệu chân đế giàn khoan nặng 14000 tấn có được lắp đặt đúng tiến độ và kế hoạch tại bãi Tư Chính? Vấn đề không phụ thuộc vào ý chí của chính quyền Trung Quốc mà nằm trong ý chí mạnh mẽ hay nhút nhát của Việt Nam.

Theo tôi, Việt Nam đang ngày càng rời xa Trung Quốc.

No comments

Khau Trang Y Te