Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hoan nghênh đề xuất Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt
“Tôi nghĩ đề xuất này là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu đoàn ĐBQH, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang có thể làm nơi thí điểm”, Bộ trưởng Thể nói.
Nghiên cứu đề xuất Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt
Chiều 15/8, tiếp tục phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về đề xuất thực hành tiết kiệm trong sử dụng phương tiện di chuyển của cán bộ.
“Để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành có thông tin và dư luận cho rằng nên thực hiện theo mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt.
Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay”, bà Thủy hỏi.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ông hết sức hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Thuỷ.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy. Ảnh: Quochoi.vn
“Tôi nghĩ đề xuất này là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu đoàn ĐBQH, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang có thể làm nơi thí điểm việc Chủ tịch đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và những cán bộ Trung ương đến địa bàn thì đi xe buýt.
Bộ trưởng Giao thông đứng trên mặt cầu hỏng 10 năm hứa gì?
Nếu mô hình ở Hậu Giang tốt thì chúng ta nghiên cứu nhân rộng, chứ không thể nào áp dụng đại trà ngay được”, ông Thể nói.
Ba nguyên tắc thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam
Trước đó, tại phiên chất vấn buổi sáng, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đặt câu hỏi: Cử tri quan tâm xây dựng triển khai cao tốc Bắc – Nam, vì vậy đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm chỉ đạo về vấn đề này?
Trả lời các thông tin về dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là dự án quan trọng của Quốc gia, nên Chính phủ xác định thực hiện dựa trên ba nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất, đây là dự án trọng điểm Quốc gia nên trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Nguyên tắc thứ hai là tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Nguyên tắc thứ ba, đây là công trình trọng điểm Quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế – xã hội nên phải chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, Bộ GTVT đang triển khai nhiều thủ tục liên quan đến dự án cao tốc Bắc – Nam.
Hiện, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, đang triển khai thiết kế, thi công vượt dự toán và đã xin báo cáo với Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp. Thường trực Chính phủ cũng đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này sẽ bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến “thông tuyến vào cuối năm 2020”
Trả lời chất vấn về tiến độ tuyến cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.
Đối với đoạn đường từ Trung Lương – Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho phép nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án.
Việc điều chỉnh dự án, theo ông Thể đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Đây là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư.
Về trách nhiệm của Nhà nước, Bộ trưởng nói, với 2.186 tỷ, chúng ta đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, còn phần vốn của nhà đầu tư. Đến nay, nhà đầu tư đã bỏ vào khoảng 3.000 tỷ.
Vốn còn lại là của các cơ quan tín dụng. Vừa qua, Chính phủ đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận.
Nếu được khoản vốn tín dụng này, cùng với 2.186 tỷ của Nhà nước và 3.000 tỷ của nhà đầu tư bỏ ra, thì đến cuối 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương – Mỹ Thuận.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được Quốc hội bố trí 5.100 tỷ đồng. Bộ GTVT đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I/2020, sẽ khởi công cây cầu này. Riêng 2 đường vào cầu, thì từ nay đến tháng 12/2019, Bộ GTVT sẽ khởi công.
Đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ chưa mở thầu. Lý do là cần bổ sung nguồn vốn khoảng 932 tỷ thì phương án tài chính mới khả thi.
“Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, đồng thời sẽ làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long bàn giao mặt bằng cho các đơn vị này sử dụng 932 tỷ để giải phóng mặt bằng.
Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh nhất, sớm nhất có thể thông tuyến xuống được Cần Thơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
No comments