Breaking News

So sánh nhà khoa học với nông dân chăn bò, ai xấu hổ?

Đã hơn một lần họ để những người nông dân chân lấm, tay bùn, học hành dang dở phát minh, sáng chế ra hết cái này, cái khác đem ra ứng dụng, phục vụ cho lao động, sản xuất và cả những công trình khoa học thật sự.

Sự so sánh xưa này vốn khập khiễng và có lúc sự so sánh đó còn làm phật lòng người này, người kia khi hai đối tượng đem ra so sánh quá chênh lệch hoặc trái ngược nhau. Chuyện so sánh nông dân chăn bò và nhà khoa học có thể cũng khiến ai đó phật lòng, “xấu hổ”.

Vậy việc so sánh giữa người nông dân và nhà khoa học, ai xấu hổ nhỉ?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin trích một đoạn trên báo Lao động, bài “Nhà khoa học mà thua… nông dân chăn bò” ghi lại lời ông Trần Thế Vinh – Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai nói về báo cáo của bà Lê Thị Nga (Trung tâm ứng dụng CNSH Đồng Nai – TT ứng dụng CNSH, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) liên quan đề tài nuôi bò của bà Nga.

“Cả Nga nữa, tôi đề nghị làm báo cáo về đề tài bò để xin thanh lý đề tài bò. Đọc cái báo cáo về tiến độ thực hiện, đọc cái gì cũng ok, không có cái gì là khó khăn, tồn tại trong đề tài… mà làm sao căn cứ xin thanh lý được. Nhà khoa học nghiên cứu mà còn thua nông dân… Tôi nói còn thua người chăn bò. Cái đó giao cho người chăn bò, thả nó ra ngoài đồng chắc còn phát triển tốt hơn cái đàn bò của Trung tâm…”. Ông Vinh nói.

Đọc những dòng trên, có cảm giác ông Vinh hơi nặng lời. Song, cũng thấy rất rõ sự bức xúc của ông Vinh đối với Trung tâm này.

Trả lời báo chí, bà Nga nói rất buồn vì bị so sánh thua cả người chăn bò, trong khi tư duy nhà khoa học nghiên cứu khác với tư duy người chăn bò .

“Anh ấy (ông Vinh), nhìn ở góc độ năng suất thôi, chứ không ở góc nhìn khoa học, khi so sánh với người nông dân… Cũng không hiểu sao anh ấy lại xúc phạm tôi nặng như vậy!”.

Theo người viết, tuy ông Vinh có nặng lời, song cũng có thể cảm thông bởi có lẽ không chỉ Trung tâm này mà nhìn chung, một số nhà khoa học kỹ thuật của ta ở không ít nơi có sự trì trệ thật.

Đã hơn một lần họ để những người nông dân chân lấm, tay bùn, học hành dang dở phát minh, sáng chế ra hết cái này, cái khác đem ra ứng dụng, phục vụ cho lao động, sản xuất và cả những công trình khoa học thật sự.

Trong khi, với một đội ngũ khá đông đảo, nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước cả về tinh thần, vật chất nhưng công bằng, thành tựu còn nhiều… khiêm tốn. Không ít công trình mây gió, làm xong “nhét tủ” và có cả những công trình với mục đích ngoài khoa học… Số người thực tâm, thực tài, dốc lòng với khoa học nhiều khi lẻ loi, đơn chiếc và họ thường lặng lẽ cống hiến.

Tuy nhiên ở đây, rất mừng là bà Nga đã cảm thấy “buồn”, bị xúc phạm và điều này, nhìn ở góc độ tích cực sẽ là động lực để phát triển.

Biết đâu rồi đây với những thành công to lớn của Trung tâm khiến ông Vinh phải… ân hận và mong rằng sẽ có một ngày như thế không xa.

Cũng xin nói thêm rằng việc so sánh cũng không có gì đáng để ai đó… phật ý bởi là người nông dân chăn bò hay nhà khoa học thì về bản chất, đều là người lao động chân chính và đều đáng trân trọng nếu họ làm tốt nhất công việc của mình.

Đã từng có một ông Hồ Giáo, “Người chăn bò vĩ đại” từng hai lần được phong Anh hùng Lao động đó sao?

Nhà khoa học chỉ nên “xấu hổ” khi bị so sánh với người chăn bò lười biếng, vô trách nhiệm hoặc ngược lại, người chăn bò chăm chỉ sẽ xấu hổ khi phải so sánh với nhà khoa học hư danh hơn thực tài và nhất là chỉ chăm chắm vẽ ra hết dự án này đến dự án nọ trên mây, trên gió để tiêu tiền đóng thuế của những người nông dân chăn bò, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

No comments

Khau Trang Y Te