Ông Nguyễn Hữu Tín tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm hàng loạt đất “vàng” như thế nào?
Trong 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Hữu Tín đã có hàng loạt sai phạm khiến nhiều lô đất “vàng” bị tư nhân thâu tóm.
Ngày 10/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với cựu phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín (ngụ quận 1, TP HCM), cựu giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường Đào Anh Kiệt (cùng 61 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) và 3 người khác về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hồi tháng 6/2015, ông Nguyễn Hữu Tín đang đương nhiệm chức Phó chủ tịch UBND TP đã ký quyết định cho phép Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thuê lô đất 6.000m2 ở địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1) trong 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê.
Quyết định giao đất này dựa trên tờ trình của ông Đào Anh Kiệt (thời điểm đó là giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường). Theo quy trình tổ chức của Sở TN&MT, hồ sơ về giải quyết thủ tục giao lô đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl do ông Trương Văn Út (phó phòng Quản lý đất) phụ trách, lập tờ trình để giám đốc sở duyệt rồi trình lên UBND TP.
Ông Nguyễn Hữu Tín.
Quyết định của ông Tín được cho là trái quy định so với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính cấp phép cho lô đất này trước đó.
Cụ thể, Bộ Tài chính có văn bản cho phép Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được sử dụng khu đất 6.000m2 nói trên để xây dựng trụ sở văn phòng Tổng công ty và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng.
Như vậy, đáng lý ra lô đất 6.000m2 được giao cho Sabeco trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Trong trường hợp Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất “vàng” thì TP phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl. Trên thực tế, sau quá trình cho thuê, hiện lô đất này đã rơi vào tay tư nhân.
Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl có vốn điều lệ 567 tỷ đồng, bao gồm 4 cổ đông. Trong đó Sabeco hợp tác với nhóm các nhà đầu tư bằng cách góp 18% vốn đều lệ bằng tiền mặt, cộng với 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất vàng 6.000m2. Đồng thời, Sabeco sẽ nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ.
Ngoài ra, 3 cổ đông sáng lập đóng góp cổ phần bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An sở hữu 25,5%, Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh sở hữu 25,5%%, Sabeco sở hữu 26% và Công ty Cổ phần Attland sở hữu 23%. Hiện tại, các cổ đông ban đầu của Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl đều đã thoái hết cổ phần.
Hồi tháng 9, ông Nguyễn Hữu Tín và 3 người khác từng bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Tín được cho là đã ký quyết định giao 2 khu đất có vị trí đắc địa cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) làm giám đốc.
Cụ thể, hồi tháng 6/2015, ông Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định chấp thuận cho công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 thuê khu đất hơn 2.300 m2 tại số 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1). Trong đó có nội dung yêu cầu công ty không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất.
Nửa năm sau, thành phố có văn bản công nhận Công ty Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại – dịch vụ – căn hộ tại địa chỉ trên và hướng dẫn công ty liên hệ các sở ngành để thực hiện thủ tục triển khai dự án.
Tháng 5/2016, UBND TP HCM cho phép chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 18 tầng để làm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, căn hộ… Sau đó, thành phố quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 chuyển mục đích sử dụng đất tại địa chỉ trên, hoàn thành quá trình giao đất cho công ty này.
Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Nguyễn Hữu Tín.
Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 sau đó có văn bản xin được phê duyệt quy hoạch công trình phức hợp 20 tầng trên khu đất này, mật độ xây dựng 40%, tổng diện tích xây dựng dự kiến là hơn 13.000 m2 nhưng không được chấp thuận. Hiện, công ty này đã cải tạo khu nhà cũ để làm văn phòng 3 tầng với tổng diện tích gần 500 m2, phần còn lại được rào kín, chưa xây dựng.
Ngoài ra, ngày 6/10/2015, ông Tín lại ký văn bản giao Ban Chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) và Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục bán chỉ định mặt bằng số 129 Pasteur cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.
Hiện ngoài cổng căn biệt thự này có 2 bảng tên là Công ty cổ phần đầu tư Peak View và Công ty TNHH Saigon Premier.
Trước đó, ngày 22/6/2011, UBND TP cũng từng có quyết định 3163 cho phép công ty của Vũ “nhôm” sử dụng khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1) với thời hạn 50 năm.
Khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực nằm sát khuôn viên Thư viện Tổng hợp, cạnh một tòa nhà văn phòng đang xây dựng dang dở, hiện tại đã ngưng thi công.
Việc ông Nguyễn Hữu Tín ký các quyết định cho công ty của Vũ “nhôm” thuê căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 và dựa trên đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đào Anh Kiệt mà không thông qua đấu giá như quy định.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất như trên là không đúng theo quy định số 09 năm 2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Bởi cơ quan có thẩm quyền (TP HCM) chỉ được bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định với những trường hợp: có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hoá thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao.
Ông Nguyễn Hữu Tín sinh ngày 8/10/1957 tại xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Được biết, ông Tín có gần 40 năm công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước ở TP HCM, trong đó từng nắm giữ các chức vụ quan trọng.
Từ năm 1975-1980, ông học tại Trường Đại học Tổng hợp TP HCM và có bằng Thạc sĩ Kinh tế. Sau đó, ông Tín trở thành Cán bộ Trung đoàn 770 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP HCM. Từ tháng 10/1987 đến tháng 4/1995, ông chuyển ngành về làm cán bộ rồi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổng hợp Ủy ban Kế hoạch thành phố.
Sau đó, ông Tín làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP HCM, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho tới tháng 9/2001. Từ tháng 10/2001 đến tháng 4/2004, ông Tín làm nhiều chức vụ bao gồm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.
Ông Tín có đến 2 giai đoạn giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND TP HCM: giai đoạn từ năm 2004 – 2008 với 2 đời Chủ tịch UBND thành phố là ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân. Giai đoạn 2 từ năm 2011 đến cuối 2015 trong thời gian ông Lê Hoàng Quân làm người đứng đầu UBND TP.
Trước khi HĐND TP bầu nhân sự lãnh đạo UBND TP HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021, Thủ tướng ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011 – 2016 của ông Tín để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Đến 26/10/2017, ông Tín được trao quyết định chính thức nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
theo Trí Thức Trẻ
No comments