Breaking News

Khi Quốc hội biến thành sân khấu của các đại biểu “vì dân, vì nước”!

Mô hình nhà nước “Tam quyền phân lập” trong đó phân chia vai trò cụ thể giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước phát triển trên thế giới. Đồng thời, tùy thuộc vào đặc điểm hiến pháp của từng quốc gia mà có những quy định về mối quan hệ ràng buộc giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc gia cụ thể sử dụng mô hình này nhất là Hoa Kỳ, đã giao quyền lập pháp cho nghị viện là cơ quan đại diện được bầu ra bằng tuyển cử, được coi là biểu hiện ý chí chung của quốc gia, quyền hành pháp giao cho chính phủ là cơ quan có trách nhiệm thực thi luật pháp đã được nhà nước ban hành, quyền tư pháp phân cho toà án là để phán xử những vi phạm pháp luật. Theo Hiến pháp của Mỹ thì Nghị viện có quyền thông qua luật nhưng để có hiệu lực phải được Tổng thống ký phê chuẩn. Ngược lại, Tổng thống có quyền ký kết các điều ước quốc tế nhưng phải được Thượng viện phê chuẩn, còn bộ phận tư pháp có quyền xem xét các đạo luật đã được ban hành liệu có vi hiến hay không.

Tuy nhiên, mô hình này không phù hợp với thể chế chính trị nước ta do lịch sử hình thành nhà nước Việt Nam, bản chất chế độ chính trị của chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa và các yếu tố khách quan chi phối khác. Theo Hiến pháp năm 2013 quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, có nghĩa là nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính trị, quyền lực nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước. Nhân dân có thể trực tiếp thực hiện quyền lực của mình hoặc trao quyền lực của mình cho cơ quan nhà nước cao nhất để thay mặt mình thực hiện các quyền lực đó là Quốc hội. Chính Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến và quyền lập pháp, trong đó quyền lập hiến được đặt cao hơn quyền lập pháp.

Nhưng trong thực tế thì Quốc hội không giữ vai trò lập pháp đúng nghĩa của nó, các văn bản luật do từng bộ ngành soạn thảo riêng, sau đó trình ra Quốc hội thảo luận và các đại biểu bấm nút thông qua, thậm chí có đại biểu là người đại diện của cơ quan soạn thảo văn bản thì việc bấm nút thông qua không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây cũng chính là những điểm bất cập trong giai đoạn hiện nay mà chúng ta đã nhìn thấy và cần phải có hướng khắc phục trong tương lai để có thể tạo những văn bản luật mang tính độc lập thể hiện rõ nét vai trò lập pháp của Quốc hội.

Hiện nay, nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng các Đại biểu Quốc hội chỉ là những ông, bà “Nghị gật” không đại diện cho ý kiến của cử tri là nhân dân vì các vị đại biểu chỉ biết “Gật đầu và bấm nút” để thông qua các văn bản luật hoặc các vấn đề trọng yếu của đất nước chứ không biết tầm ảnh hưởng của nó như thế nào đối với thực tiễn trong xã hội, tác động cụ thể ra sao đối với đời sống của người dân.

Mỗi lần Quốc hội họp là một lần tốn kém không ít tiền thuế của nhân dân nhưng chưa cho thấy được tính hiệu quả, thay vì tranh luận để tìm ra giải pháp xử lý những bất cập đang tồn tại trong các bộ ngành thì đại biểu lại quay sang đấu tố theo một kịch bản được dàn dựng sẵn, đôi khi lố bịch. Điều này dẫn nên tính nhàm chán và tâm lý ngán ngẩm của người dân khiến họ không mặn mà khi xem trực tiếp qua màn hình tivi trong các phiên chất vấn của Quốc Hội như trước đây. Càng họp thì càng rơi vào bế tắc, tình hình giáo dục vẫn xuống cấp tầm trọng; y tế cũng không khá hơn mấy; giao thông vận tải thì mới cho thông đường hàng trăm ngàn tỷ đồng đã bị sụt lún, chi chít “ổ voi, ổ gà”; tình trạng đảng viên cao cấp thối hóa, biến chất, lạm dụng chức quyền tham nhũng tràn lang; thâm hụt ngân sách, nợ công gần vượt ngưỡng cửa GDP cho phép; việc lãng phí tiền thuế của người dân vô tội vạ qua việc xây dựng các công trình, tượng đài, nhà hát vô bổ thậm chí trên mảnh đất mà chính quyền cướp được từ tay nhân dân; dân oan khiếu kiện khắp nơi trong cả nước; tình hình chính trị, xã hội đang trong trình trạng đáng “báo động đỏ”, nguy cơ mất an ninh tiền tệ khi cho lưu hành tiền Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam; đã mất chủ quyền biển đảo, thậm chí mất chủ quyền quốc gia vào tay Trung cộng không sớm thì muộn.

Nghị trường Quốc hội từ bao giờ đã trở thành sàn diễn để đại biểu các bộ ngành công kích, đấu tố lẫn nhau như trong thời “cải cách ruộng đất”, khi các phiên chất vấn chủ yếu nhằm triệt hạ uy tín lẫn nhau chứ không vì mục tiêu góp ý xây dựng, tìm giải phát để phát triển. Mà rõ ràng nhất là trong các phiên truy vấn Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Y tế, tệ hại nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo khi nêu vấn đề “Sinh viên sư phạm bán dâm”, thậm chí đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn công kích kiểu châm biến người đứng đầu ngành giáo dục như lối diễn đạt của nghệ sĩ hài “nói ngọng ảnh hưởng uy tín giáo dục” để làm trò cười cho cả Nghị trường.

Nhiều vị đại biểu còn lợi hại hơn nữa khi không những nắm bắt được tâm lý của các Đại biểu Quốc hội mà còn hiểu cả xu hướng kỳ vọng của đám đông dư luận, họ sẵn sàng vào vai diễn “Ngụy quân tử” kiểu giống như nhân vật “Nhạc Bất Quần trong phim Tiếu ngạo giang hồ của điện ảnh Trung Quốc” phát biểu những ý kiến liên quan đến các vấn đề đang bức xúc trong xã hội nhằm để lấy lòng quần hào, nhằm đánh bóng tên tuổi để mở rộng cửa cho con đường chính trị của mình vào Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vào tháng 05/2019.

Chính vì thế, thỉnh thoảng chỉ cần có một vài đại biểu giựt gân chơi trội có những ý kiến đối với một vài lĩnh vực mà cộng đồng xã hội đang quan tâm thì sẽ làm cả nghị trường giật mình thoát khỏi cơn mộng du và đặc biệt là được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân mà bất cần sự phân tích đúng hay sai, tính chính xác và tính khoa học của những phát ngôn đó. Sân khấu nghị trường Quốc hội gần đây có nhiều gương mặt tiêu biểu như đại biểu Trương Trọng Nghĩa về nguy cơ mất chủ quyền về việc cho Trung Quốc thuê đất 99 năm, đại biểu Dương Trung Quốc nói về căn bệnh tham nhũng trong bộ máy công quyền, đặc biệt nổi lên như một hiện tượng là đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi chấp vấn Bộ công an vào ngày 31/10/2018, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ra các sai phạm trong ngành công an là “Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%”. Đây cũng chính là vị đại biểu đã có phát ngôn từng gây sốc khi cho rằng “người chết cũng phải có nghĩa vụ đóng thuế” gây hoang mang trong dư luận xã hội trước đây.

Với phát ngôn gây sốc này của ông Lưu Bình Nhưỡng đã gây hoang mang cả nghị trường và tạo ra một cơn sóng gió trong dư luận, nhất là ngành công an. Ngày 05/11/2018, Đảng ủy Công an Trung ương đã có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đính chính lại những nhận định, đánh giá liên quan đến số liệu trên và không có các lời nói, hoạt động làm phức tạp thêm tình hình. Đồng thời có hình thức xử lý vi phạm có liên quan đến việc phát ngôn và đánh giá, nhận định tình hình gây dư luận xấu. Tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng không đồng ý việc đính chính thông tin đã nêu ra khi vẫn một mực khẳng định “Tôi không nhầm lẫn bất kỳ một số liệu nào! Tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước Quốc hội, trước cử tri về tất cả những vấn đề tôi phát biểu và số phần trăm tôi chia”.

Trận chiến căng thẳng giữa Lưu Bình Nhưỡng và Bộ Công an cũng chưa đến hồi kết thúc, có thể nói bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” trong Quốc hội Việt Nam giữa hai bên Lưu Bình Nhưỡng và Bộ trưởng Tô Lâm vẫn có chút hấp dẫn lôi kéo cho người dân cả nước quan tâm về tính minh bạch thông tin của ngành công an trong bối cảnh niềm tin của họ vào ngành này đang phai nhạt do những tiêu cực của một vài cá nhân chiến sĩ công an biến chất gây nên. Tuy nhiên, chúng ta không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào những người đại diện cho dân, ở đây là ông Lưu Bình Nhưỡng đang đấu tranh với chính quyền là Bộ Công an. Bởi vì, nếu quan sát kỹ những gì đang diễn ra trong các phiên họp của Quốc hội, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều tình tiết mà các đại biểu với cái vỏ bọc bên ngoài là “vì dân, vì nước” lại diễn xuất rất thô thiển.

Trong đó, tiêu biểu là đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, có phát biểu ngọt như mít đường “mở cửa để dân tham gia điều trần ở Quốc hội” làm cho người dân nghe rất bùi tai nhưng đó chỉ là “tô son, trét phấn” lên khuôn mặt của mình, nhưng cũng chính ông nghị gật này vừa qua đã có phát biểu trong phiên chất vấn Bộ Công an đề nghị xem xét khởi tố những người dân nào đã nói xấu những người ở vai trò là Bộ trưởng. Chúng ta có thể thấy rằng nếu các vị lãnh đạo làm những đều tốt, luôn đặt lợi ích của quốc gia, nhân dân lên trên hết, tạo ra nhiều phúc lợi xã hội tốt thì nhân dân sẵn sàng đưa các vị lên tầm cao, luôn ủng hộ các vị, nhưng ngược lại họ cũng có thể phê bình khi các vị làm không tốt vì người dân có quyền tự do ngôn luận đúng theo quy định của Hiến pháp. Đã là Đại biểu Quốc hội mà không đấu tranh cho vấn đề tự do ngôn luận mà lại cổ xúy cho chính quyền để hăm he, đe dọa người dân như thế thì ông Nguyễn Sĩ Cương có xứng đáng với những gì mà cử tri tỉnh Bình Thuận đã bỏ phiếu tín nhiệm.

Tương tự như thế, ông Lưu Bình Nhưỡng mang tiếng là thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng không phải là người dân của tỉnh Bến Tre, công việc của ông cũng không liên quan gì đến tỉnh Bến Tre. Ông có học vị tiến sĩ luật kinh tế, có kinh nghiệm 20 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội, từng là phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, hiện nay còn là phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ. Ngày 09/11/2018, ông Lưu Bình Nhưỡng khi tiếp xúc với giới báo chí về việc truy vấn ngành công an, Ông cho rằng “Kể từ giờ phút này, không phỏng vấn và đưa tin tất cả những vấn đề liên quan đến vấn đề này, liên quan đến tôi. Những vấn đề mà tôi có thể “tâm sự” ngoài lề thì không coi đó là cuộc phỏng vấn và đề nghị các bạn không đăng tải những vấn đề này nữa để chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn Quốc hội”. Đại biểu đại diện cho nhân dân mà có thái độ né tránh đôi co, quan điểm đề cao tính Đảng đứng trên quy định của Hiến pháp nhứ thế thì không khác gì phỉ báng Hiến pháp nước Việt Nam.

Trong phiên chất vấn Bộ Công an, ông Lưu Bình Nhưỡng đã không đủ sự tinh tế và nhạy bén để truy vấn ngành tư pháp khi sử dụng những số liệu thống kê mà khi đọc lên đã nghe phi thực tế, không hợp lý. Trong khi lập luận thì mang tính đả kích, quy chụp hơn là góp ý xây dựng, đối với một Đại biểu Quốc hội như thế là không chấp nhận được. Vô hình chung làm dấy lên quan ngại của dư luận”có hay không động cơ chính trị” nhằm triệt hạ uy tính của ngành công an là không thể tránh khỏi, phát ngôn của ông Lưu Bình Nhưỡng làm nguy hại đến sự tôn nghiêm của nền tư pháp của Việt Nam, thậm chí gây mất ổn định về tình hình an ninh chính trị của nước ta.

Không dừng lại đó, dư luận xã hội đang quay ngược thời gian để xem bộ mặt thật về tính chính danh của các vị đại biểu luôn vì nước, vì dân như Dương Trung Quốc, Nguyễn Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng, Nguyễn Sĩ Cương,…khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu vào ngày 06/11/2015 tại phòng Hội nghị Diên Hồng của Quốc hội Việt Nam. Lúc đó các vị đại biểu luôn mạnh dạn phát biểu chính kiến về các vấn đề bức xúc trong xã hội này đang ở đâu và đã làm được những gì khi để một kẻ xâm lược, đại diện cho bè lũ bá quyền Trung cộng luôn có âm mưu thôn tính đất nước Việt Nam, đồng hóa dân tộc chúng ta lại hiên ngang đứng phát biểu trước nghị trường. Vâng, khi ấy các vị đã tham gia vai diễn “Người vô hình”, đã có một sự im lặng đáng sợ và không có bất kỳ hành động công khai nào để phản đối, chất vấn đồng chí đến từ Thiên triều Bắc Kinh mà thậm chí còn đóng vai quần chúng nhiệt liệt “vỗ tay khen ngợi” khi ông Tập Cận Bình kết thúc bài phát biểu. Các vị nên biết rằng dân tộc Việt Nam luôn căm thù không đội trời chung với bọn chính quyền Đại Hán, là người đại biểu do nhân dân bầu ra, các vị có cảm thấy hổ hẹn với cử tri của mình hay không? có thấy xứng đáng với các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu, hi sinh ngã xuống để xây dựng đất nước này như ngày hôm nay hay không?

Nói tóm lại, có thể thấy những đại biểu Quốc hội luôn miệng vì quyền lợi của người dân chẳng khác nào ngôn ngữ của người nghệ sĩ sân khấu đang diễn xuất những vở tuồng được viết trước kịp bản, chỉ khác biệt một điều sàn diễn là Nghị trường Quốc hội, giá trị cốt lõi sau cùng mà họ hướng đến đến vẫn là “chiếc ghế và quyền lợi về chính trị”. Trình độ đánh vào điểm yếu của nhân dân của các nghị gật này đã đạt đến mức thượng thừa, cho nên không thể chỉ qua một vài biểu hiện lấy lòng dư luận mà chúng ta mù quáng tin theo bất kể là đúng hay sai và động cơ của họ nằm ở chổ nào cũng không quan tâm. Cần phải sáng suốt nhìn nhận và loại bỏ những kẻ “cơ hội chính trị” thoát lên mình chiếc áo Đại biểu Quốc hội để làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước.

No comments

Khau Trang Y Te