Đại biểu Quốc hội đề xuất quy định cấm ép uống rượu bia với mọi lứa tuổi
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chiều 12/11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng dự án luật đặt vấn đề không chỉ giới hạn mà còn kiểm soát, phòng chống các tác hại của rượu bia. Ngân sách thu được qua thuế là khá lớn, nhưng vì sức khoẻ người dân nên cần phải ra đời một đạo luật phòng chống tác hại rượu bia để bảo vệ sức khoẻ người dân Việt Nam.
Đánh giá quy định về việc khuyến khích các hãng rượu bia in cảnh báo gây tác hại cho sức khoẻ con người là chung chung, nửa vời, dễ không đi vào thực chất, bà Lan đề nghị trong luật có hẳn một quy định rõ ràng về việc in trực tiếp trên thông tin sản phẩm. Đối doanh nghiệp nhập rượu từ bên ngoài thì cần có nhãn phụ cảnh báo ngoài bao bì.
Mặt khác, luật cũng cần phải soạn theo hướng làm cho việc tiếp cận, sử dụng rượu bia ngày càng khó khăn để hạn chế tình trạng sử dụng bia rượu trong người Việt Nam hiện nay.
Đại biểu Lâm Đình Thắng.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP HCM) đánh giá, việc ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia là rất cần thiết bởi đây là vấn đề có liên quan đến giống nòi. Thực tế rượu bia không hoàn toàn có hại mà nhiều nơi như một văn hoá, giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Việc sử dụng rượu bia nếu biết điều tiết, sử dụng hợp lý thì là tốt nhưng ngược lại chỉ cần lạm dụng, bước qua ngưỡng thì sẽ trở nên tiêu cực.
Ông Hoàng nêu câu chuyện mà ông trực tiếp chứng kiến ở tỉnh Hà Giang khi tới một phiên chợ và thấy thanh niên, thiếu niên sử dụng rượu phổ biến. Từ đây ông băn khoăn quy định cấm sử dụng, cấm bán rượu bia đối với đối tượng dưới 18 tuổi. “Luật quy định như thế nhưng có khả thi không, có thực hiện được hay không?”-ông Hoàng đặt câu hỏi.
Trong khi đó, đại biểu Lâm Đình Thắng (TPHCM) đề nghị bổ sung quyền được tự quyết định có sử dụng rượu bia hay không và quy định cấm ép uống rượu bia với mọi lứa tuổi.
“Phạm vi dự thảo luật hiện nay chỉ quy định cấm ép người dưới 18 tuổi, tôi cho rằng cần mở rộng ra bởi thực tế có nhiều trường hợp người trên 18 tuổi bị ép uống rơi vào tình thế buộc phải uống. Văn hoá của Việt Nam chúng ta là trọng tình trọng nghĩa, nhiều người không thực sự muốn sử dụng rượu bia nhưng rơi vào tình thế buộc ép uống. Ví dụ như một sinh viên mới ra trường, đi làm thì bị anh chị trong cùng cơ quan ép, không uống thì bị cho là không nhiệt tình. Hoặc là cán bộ đoàn thanh niên khi đi tiếp khách thì bị các bậc cha, anh… ép uống không cách nào tránh được, đến mức mật xanh mật vàng”- ông Thắng dẫn chứng.
Từ đó, vị đại biểu TPHCM đề xuất dự thảo luật tách hẳn một điều dành cho công tác giáo dục, truyền thông cho đối tượng học sinh, sinh viên, trong đó tập trung vào đối tượng lớp 10 và năm đầu của sinh viên các trường CĐ-ĐH bởi đây là những đối tượng có nguy cơ tiếp xúc với rượu bia, hội hè rất cao.
“Ép uống say, sáng hôm sau đột tử”
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Chánh án TAND thành phố Hà Nội nhận định, dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia “còn nhiều vấn đề” và không biết xây dựng trên cơ sở gì.
Ông cho rằng có nội dung trong luật này cần phòng, nhưng có nội dung cần phải cấm sử dụng. Việc xây dựng luật phù hợp tình hình thực tế trong nước và quốc tế để từ đó quy định cụ thể từ khâu cấp giấy phép sản xuất, lưu thông, đến nhập khẩu,…
Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết ban hành một luật liên quan, vì rượu, bia trước nay gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên theo đại biểu, rượu bia có tính truyền thống lâu đời, từ sinh hoạt hàng ngày, đến nghi lễ giao tiếp cũng đều sử dụng. Chính vì vậy, phòng là đúng, nhưng phải quy định như thế cho phù hợp vì một số nội dung còn nan giải, “cấm chưa ra cấm, phòng chưa ra phòng”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).
Là người tham gia tới 5 cuộc hội thảo trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí- nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực của ban soạn thảo, và đồng ý có một luật liên quan đến rượu, bia, vì trên thực tế cái hại đã rất rõ.
Tuy vậy, ông Trí đánh giá tên gọi ban soạn thảo trình “rất kinh khủng”, 2 năm trời “nâng lên đặt xuống”, và nếu gọi như vậy chẳng khác nào khẳng định rượu, bia toàn có hại trong khi dùng đúng liều lượng sẽ rất tốt.
“Buồn có rượu, vui cũng có rượu. Từ gia đình, làng, xã, đến cấp quốc gia đều sử dụng rượu, bia. Tên gọi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nghe độc địa”-ông Trí nói.
Ông đề nghị luật phải quản lý tất cả những gì có thể gây hại cả trực tiếp và gián tiếp, từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tiêu thụ, nhưng “đừng khai tử” việc sản xuất rượu, bia đúng quy định.
“Tôi còn mơ ước Việt Nam sẽ xuất hiện một vài loại rượu nổi tiếng thế giới mà đi qua đây kiểu gì người ta cũng phải mua mang về. Vì vậy, luật này không phải cấm, mà là kiểm soát và làm cho cái tốt nhân rộng lên”-ông Trí cho hay.
Đại diện cho giới nữ, đại biểu Trần Thị Phương Hoa- Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội tán thành với tên gọi Chính phủ trình bởi “rất có lý”. Rượu, bia có mặt lợi và có mặt hại, và ở đây cần phải hiểu là phòng chống tác hại, chứ không ai hạn chế cái lợi, cũng không phải cấm uống rượu, bia.
“Thế nào là phòng, thế nào là chống, cần cụ thể hơn. Phải quy định cấm ép uống rượu bia trên mọi lứa tuổi. Tôi biết có trường hợp ép uống say rồi sáng hôm sau đột tử”-bà dẫn chứng.
No comments